Cô tổ trưởng xóm tôi

04/09/2021 - 07:16

PNO - Những ngày này, cô tổ trưởng xóm tôi tất bật lo giúp các gia đình mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Cần gì, ai cũng gọi: “Cô tổ trưởng ơi!”.

Khu dân cư nơi tôi ở, thuộc một huyện ngoại ô TPHCM, luôn đầy ắp sự thân thiện, sẻ chia. Những ngày Thành phố siết chặt Chỉ thị 16/CT-TTg, người dân “ai ở đâu ở yên đó”, tình làng nghĩa xóm càng được thắt chặt.

Tổ trưởng xóm tôi là cô Út Vân. Mọi người thường bảo ở đâu có cô Út Vân, ở đó người dân yên tâm chống dịch. Cô ngoài 70 tuổi nhưng hình như năng lượng, nhiệt huyết vì cộng đồng chưa từng vơi đi. 

Được chị em cán bộ ở tỉnh gửi rau, cô tổ trưởng đợi mọi người lấy xong, chắt nhặt từng bó rau lại tiếp tục đem cho mọi người
Được chị em cán bộ ở tỉnh gửi rau, cô tổ trưởng chăm chút từng bó rau đem cho mọi người

Nhóm Zalo của tổ 13B1 với hơn 100 thành viên đang rối rắm "Cô Út ơi, con muốn mua rau phải làm sao?", "Cô Út ơi, nhà con thiếu sữa cho em bé", "Cô Út ơi, đặt thịt cá như thế nào?"... thì lắng lại khi thấy tin nhắn của cô: “Mọi người hãy bình tĩnh, tôi hỏi UBND xã rồi sẽ lo cho bà con”. Bởi, mọi người tin tưởng cô Út, trước giờ cô nói gì, hứa gì thì đều cố gắng làm cho bằng được.

Sau đó, cô nhắn: “Tôi xin mua bên hợp tác xã ít rau, tươi lắm, rẻ nữa, có tần ô, cải ngọt, cải xanh… bà con ai mua đặt qua tôi”. Thế là, tin nhắn đổ về dồn dập, cô Út lấy tờ giấy ghi lại từng món người dân nhờ cậy. Thấy cô cực, tôi bảo: “Thôi cô đưa con coi món nào, bao nhiêu tiền, con làm cho cô cái trang đặt mua hàng cho nhanh”. Vậy mà cô Út vẫn không yên tâm, tỉ mẩn ngồi dò danh sách.

Cô kết nối đơn vị cung cấp, rổ rau tươi đặt là có ngay chỉ 50.000 đồng
Cô kết nối đơn vị cung cấp, rổ rau tươi "đặt là có ngay" chỉ 50.000 đồng

“Bán” giùm hợp tác xã 2 lần, cô Út mừng lắm: “Dân có rau rồi, để cô gọi tiếp cho thằng T. (một cán bộ xã luôn giúp cô về hàng hóa - PV) coi có chỗ nào mua cá, thịt không”.

Cô là vậy, để bà con yên tâm ở nhà, cô không ngại ngần hối thúc, nhờ cậy hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng, cô gửi vào nhóm tổ 13B1 cái link đặt đồ ăn. Cô lại gọi tôi: “Cô không quen công nghệ, nhắn tin còn khó lắm, con giúp cô lên đơn cho bà con nghen”.

Từ khi phụ giúp cô lên đơn lương thực, nhu yếu phẩm, tôi mới cảm nhận hết sự vất vả của cô, mà đôi khi nhận về có cả giận hờn, trách móc. Có nhiều người cộc lốc, to tiếng qua tin nhắn, điện thoại khi tôi không thể đáp ứng đơn hàng cua gạch, ghẹ size lớn, bánh ngọt nhân trứng muối, phô mai hay về thời gian giao đơn... Cô xua tay: “Thôi kệ họ, mấy người cái tính kỳ ghê, cô cũng quen rồi”.

Bài thơ của Ủy ban nhân dân xã Phong Phú, huyện Bình Chánh gửi tặng các cô chú tổ trưởng trên địa bàn nhân ngày Quốc khánh Việt Nam
Bài thơ của Ủy ban nhân dân xã Phong Phú, huyện Bình Chánh gửi tặng các cô chú tổ trưởng trên địa bàn nhân ngày Quốc khánh Việt Nam

13g, điện thoại cô reo dồn dập, xe của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã thông báo hơn 70 đơn hàng mua rau của bà con đang được chở xuống. Cô lật đật đến nơi hẹn, nhờ thêm vài người dân tình nguyện để phân phát rau cho bà con. Nhìn những túi rau tươi về tận xóm, cô mừng rỡ, cắt đặt mọi việc tiếp theo sao cho suôn sẻ, an toàn. 

Có những đợt đơn hàng thịt, cá đến trễ, cô gọi điện thoại ráo riết cho Ủy ban nhân dân xã, lo lắng khi bên cung ứng chỉ giao cho xã chưa đến 50 đơn. Một vài người than không có sữa cho con, giận vì không mua được đồ tươi mới… cô động viên họ, sau đó đi tìm nguyên nhân, cách giải quyết.

“Tức bên bán hàng quá, để cô gọi cho thằng T. coi sao, chứ như vầy bà con sao yên tâm chống dịch. Mọi người mà tự đi ra ngoài thì sẽ lây lan lắm”. Thì ra, bên cung ứng hàng hóa bội tín, Ủy ban nhân dân xã đang tất bật tìm các nơi khác để kịp giao cho bà con.

Cô út Vân cũng như bao tổ trưởng khác, ngày chạy ngược chạy xuôi chăm lo cuộc sống cho người dân trong giãn cách
Cô Út Vân cũng như bao tổ trưởng khác, ngày chạy ngược chạy xuôi chăm lo cuộc sống cho người dân trong thời gian giãn cách

Có lần, chị em cán bộ công chức ở tỉnh gửi rau lên cho, cô gọi những hộ dân ở gần đến nhận và cặm cụi nhặt từng bó rau, chở đến tận nhà các hộ ở xa.

Mấy hôm nay không thấy tin nhắn, điện thoại của cô, tôi lo lắng gọi tìm và thở phào khi nghe tiếng nói quen thuộc: “Con hả, cô đang đi trao tiền cho hộ gia đình khó khăn, cô mới xin được của Mặt trận xã đó. Con biết không, cô sót một cháu cũng thuộc hộ nghèo. Lớn tuổi rồi, mắt mờ, tay run, cô nhớ có ghi vào sổ mà kiểm lại thì sót. Mặt trận Tổ quốc xã vừa bổ sung cho cô phần đó. Thôi cô đi nha, chút về cô gọi”.

Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 20g mà cô Nguyễn Thu Vân - tổ trưởng tổ 13B1, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh - vẫn chưa nghỉ ngơi.

Không chỉ riêng cô Út Vân, mà ở 2.008 khu phố, ấp của TPHCM có rất nhiều cô chú tổ trưởng khác cũng đang chung sức làm nhịp cầu nối vững chắc giữa người dân và chính quyền. Những ngày này, các cô chú tiếp tục chạy ngược chạy xuôi không nề hà đi chợ thay, mua thuốc giùm, phát gói an sinh… để người dân yên tâm phòng chống dịch. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI