Những mảnh vỡ gia đình

23/03/2024 - 19:40

PNO - Thế nào là một gia đình? Xem xong bộ phim Biệt đội lừa tình (tên tiếng Anh: Analog Squad), có lẽ bạn sẽ tìm được câu trả lời.

4 con người không chung huyết thống: Pond, Lily, Keg và Bung hội ngộ nhau. Trên chuyến xe từ Bangkok đến Phang Nga, họ “lập mưu” lừa cha mẹ của Pond.

Pond là một người đàn ông trung niên thất bại trong cả đời sống gia đình lẫn sự nghiệp. Vợ con từ mặt, nhiều năm rồi ông chưa gặp lại con gái, con trai mình. Đứng trước người cha đang hấp hối, ông quyết định thuê các diễn viên không thể tệ hơn đóng giả làm gia đình mình, hòng để người cha đau ốm yên lòng nhắm mắt.

Từ đó mà ta biết đến Lily - cô bạn gái cũ. Có Keg và Bung - 2 con người trẻ tuổi đầy hoài bão nhưng loay hoay với những hoài bão của mình vì những gánh nặng hiện thực. Cùng nhau, họ dựng lên một màn kịch hay có thể nói là bước vào một cuộc phiêu lưu - nơi kẻ không có tình thân sẽ được tình thân, kẻ không có tình yêu sẽ được tình yêu.

Bộ phim đưa khán giả ngược thời gian trở về Thái Lan năm 1999, đứng trước sự kiện Y2K. Bối cảnh cũ được dàn dựng khá công phu, gợi nhiều hoài niệm - những dãy phố san sát, những cánh cửa sắt, bốt điện thoại, máy nhắn tin, tiệm cho thuê băng và những con người thuộc về cái thời mà có cảm tưởng ai cũng là người quen.

Nhưng, “triệu người quen có mấy người thân” (Bài không tên số 4 - Vũ Thành An), giữa thời ấy vẫn có khủng hoảng kinh tế, vẫn có những giấc mộng giàu sang bị phá sản, vẫn có những gia đình ly tán, vẫn có xung đột ý thức hệ… Tất cả làm nên cái phức tạp đa đoan của cuộc đời.

Rốt cục, tham vọng của Biệt đội lừa tình không phải là phô bày trần trụi mặt trái của gia đình hay xã hội mà muốn thông qua những mặt trái ấy cho thấy con người cũng là một sinh thể bất toàn trong một thế giới vốn dĩ cũng chẳng toàn bích.

4 con người xa lạ đầy thương tổn vùng vẫy trong những gia đình rạn vỡ, vậy mà cùng nhau, họ đã học và dạy cho ta ý nghĩa của gia đình.

Trên phương diện nào đó, Biệt đội lừa tình là câu chuyện của sự kết nối. Bi kịch các gia đình cũng có nguyên do từ sự mất kết nối. Đứa con trai không biết cha mình là ai. Người chủ gia đình thường xuyên có những chuyến đi xa. Đứa con đi hoang sau này trở thành người cha vắng mặt trong đời sống của vợ con.

Nhà làm phim đã tô đậm sự mất kết nối do giới hạn của công nghệ vào thời đó. Nhưng liệu trong thời đại mà thông tin liên lạc mang tính toàn cầu và dễ dàng hơn, những bi kịch nhỏ như vậy có xảy ra? Hẳn nhiên là có. Thậm chí, trong thời đại mà việc kết nối toàn cầu tưởng chừng dễ dàng hơn, con người lại càng có xu hướng thu mình lại với nhau, náu thân đằng sau những màn hình điện thoại, máy tính, có thể nói chuyện với bất kỳ ai trên khắp thế gian nhưng cô độc vẫn hoàn cô độc. Hẳn vì thế nên Noreena Hertz ở cuốn sách viết về sự cô đơn trong xã hội hiện đại đã đặt tên cho tác phẩm của mình là Thế kỷ cô đơn.

Kết phim là hình ảnh nhân loại trên khắp tinh cầu cùng nhau đón thiên niên kỷ mới - một thiên niên kỷ nhiều biến động, bất an, sợ hãi...

Dĩ nhiên nhân loại vẫn còn đây; những khủng hoảng bất an chỉ thay hình đổi dạng nhưng vẫn còn đây; những gia đình đổ vỡ, những con người không hoàn hảo vẫn còn đây. Chúng ta phải chấp nhận và sống chung với những tàn dư của quá khứ và điều quan trọng là chúng ta có dám thu nhặt những tàn dư ngày cũ đó dựng xây hiện tại, dẫu là một hiện tại chắp vá - cái chắp vá của một chiếc chăn được kết lại từ nhiều mảnh vải đầu thừa đuôi thẹo. Nhưng thôi, miễn sao chiếc chăn ấy vẫn ấm. Phải chăng, nghĩ theo hướng này, gia đình cũng tương tự như thế?

Nữ Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI