Những lời nhắc làm xấu mặt lãnh đạo địa phương

27/03/2016 - 11:01

PNO - Ông Stuart Schaag cho rằng quan chức, lãnh đạo địa phương của Việt Nam hãy mau rời khỏi bàn làm việc, đừng ngồi mãi ở văn phòng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam, UBND TP Hà Nội và Sứ quán Mỹ đã tổ chức tọa đàm "Gặp gỡ Hoa Kỳ" trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama chiều 23/3.

Thông tin về buổi tọa đàm, báo chí dẫn lời ông Stuart Schaag - Tham tán thương mại (Đại sứ quán Mỹ) kể có lần tham gia một hội nghị của một địa phương tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh đó có hỏi ông "làm thế nào để thu hút được nhà đầu tư Mỹ?".

Nhung loi nhac lam xau mat lanh dao dia phuong
Buổi tọa đàm "Gặp gỡ Hoa Kỳ". Ảnh: Dân Trí

Lúc đó, Tham tán có trả lời là địa phương cần phải biết kể một câu chuyện với các nhà đầu tư về thế mạnh của mình (đất đai, hạ tầng, giao thông, nhân lực chất lượng cao...). Đồng thời, các địa phương cũng cần cam kết đồng hành và có các chính sách hậu mãi với nhà đầu tư, chứ không phải mời gọi nhiệt tình nhưng khi họ vào rồi lại không giải quyết những vướng mắc cho họ.

Tuy nhiên, ông Stuart nhấn mạnh rằng quan chức, lãnh đạo địa phương của Việt Nam hãy mau rời khỏi bàn làm việc, đừng ngồi mãi ở văn phòng, phải chủ động tìm đến hội nghị quốc tế để gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng. Ông nhận định, các tỉnh thành của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tốt, chất lượng nhưng chưa biết "chào hàng" trước các doanh nghiệp quốc tế.

Tham tán cũng cho rằng việc đầu tư hay không, đầu tư dựa trên tiêu chí nào, tất cả đều do doanh nghiệp Mỹ quyết định và Chính phủ không can thiệp. Doanh nghiệp Mỹ luôn muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng rất ít khi tìm hiểu qua quan chức Mỹ, nên các địa phương của Việt Nam trực tiếp giới thiệu, quảng bá về những thế mạnh đặc trưng.

Khi một doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư, họ sẽ xem xét các đánh giá của tổ chức tài chính quốc tế về Việt Nam: chỉ số tham nhũng, môi trường đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, năng suất lao động, thủ tục hành chính, vận chuyển hàng hoá, thời gian thông quan...

Theo nguồn tin từ Infornet, trước đây từng đánh giá về mức độ tiêu thụ rượu bia của người Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, mặc dù Nhà nước đã có lệnh cấm không sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, bữa trưa nhưng thực tế không cấm được hoàn toàn. Thậm chí đi về các nơi có thể thấy, người nhà nước, quan chức ở các địa phương dùng những chai rượu rất đắt tiền.

Nhung loi nhac lam xau mat lanh dao dia phuong
Ảnh minh họa

Bà Lan kể lại câu chuyện: “Đã có lần tôi ngồi nói chuyện với trưởng JICA ở Việt Nam, cơ quan viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam, ông ấy nói có lần về địa phương, quan chức địa phương mời ông những chai rượu hàng nghìn đôla mà ở Nhật họ cũng không dám uống những chai rượu như thế cả.

Ngoài ra tiêu dùng những thứ rất đắt tiền, đồng hồ, điện thoại, ô tô…cao hơn rất nhiều  với mức sống. Thế nên ông ấy mới nghĩ bụng, như vậy thì Nhật Bản còn đi viện trợ cho Việt Nam làm gì nữa”.

Theo bà, Việt Nam không chỉ đứng top đầu về mức độ tiêu thụ rượu bia nhiều nhất nhất thế giới mà còn có tình trạng, nhiều quan chức của tỉnh nghèo đang phải ngửa tay xin viện trợ nhưng tiêu dùng rất hoang phí, không thích đáng.

“Tuy ông ấy không nói ra nhưng tôi nghĩ trong đầu ông ấy đang đặt câu hỏi những người đó sử dụng như vậy, phải chăng một phần tiền viện trợ đang chảy vào túi quan tham chứ không phải về đến tay người dân nghèo”, bà Phạm Chi Lan nói.

Hoàng Trang (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI