Níu giữ vàng son - Bài 8:

Những chiếc xe sắc màu một thuở

16/04/2024 - 15:00

PNO - Tại Philippines, những chiếc xe jeep nhiều màu sắc từ thời chiến tranh từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của người dân lao động, giúp họ mưu sinh. Ở Nhật Bản, việc trang trí xe tải theo sở thích cá nhân giúp các bác tài tìm thấy niềm vui trên những chặng đường dài. Dù vậy, tất cả đang dần trôi vào hoài niệm.

Jeepney là kết quả của việc tái chế những chiếc xe jeep quân đội Mỹ bị bỏ lại ở Philippines sau Thế chiến thứ hai - Ảnh: Alain Nogues/Sygma/Getty Images
Jeepney là kết quả của việc tái chế những chiếc xe jeep quân đội Mỹ bị bỏ lại ở Philippines sau Thế chiến thứ hai - Ảnh: Alain Nogues/Sygma/Getty Images

Những xe chở ước mơ của người lao động

Ở Philippines, những chiếc xe jeep do Mỹ sản xuất từ thời Thế chiến thứ hai được mệnh danh là “vua đường bộ”. Những chiếc xe đầy màu sắc với tiếng còi inh ỏi đã đưa hàng triệu người Philippines đi - về mỗi ngày, gắn bó với cuộc mưu sinh của họ. Được gọi thân thương là “jeepney”, chúng chật chội và nóng nực đến ngột ngạt nhưng vẫn có mặt khắp nơi trên những con đường đông đúc. Nhiều người coi chúng là biểu tượng của giao thông Philippines. Với khoảng 200.000 chiếc trên khắp đất nước, jeepney vẫn là phương tiện di chuyển hợp lý ở một quốc gia có thu nhập trung bình hằng năm khoảng 4.000 USD/người.

Theo dữ liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Philippines, giá vé xe jeepney khởi điểm chỉ từ 13 peso (khoảng 6.000 đồng), giúp chuyên chở khoảng 40% người dân đi khắp mọi nơi. Dù vậy, trong vài năm qua, chính phủ muốn thay thế những phương tiện chạy bằng dầu diesel cũ kỹ, gây ô nhiễm cao bằng những chiếc xe buýt nhỏ hiện đại. Với mức giá khoảng 44.000 USD, những chiếc xe thay thế tiết kiệm năng lượng, thoải mái và an toàn hơn. Tuy nhiên, nhiều tài xế jeepney nói rằng họ không đủ khả năng chi trả và tình trạng không có phương tiện đồng nghĩa với việc chấm dứt sinh kế của họ.

Những người lao động cũng lo ngại rằng việc thay thế jeepney truyền thống bằng những phương tiện hoàn toàn mới có thể dẫn đến việc tăng giá vé. Ở một đất nước nơi hệ thống giao thông công cộng còn nhiều khó khăn, jeepney có giá cả phải chăng hơn taxi và là sự lựa chọn di chuyển được ưa thích trong nhiều thập niên, đặc biệt là đối với những người Philippines.

Vince Tabing - (49 tuổi) giám đốc điều hành một công ty viễn thông, xuất thân từ một gia đình sản xuất jeepney - nói rằng ông có được thành công ngày nay nhờ những chiếc jeepney rực rỡ. Ông nhớ lại tuổi thơ trong gara của ông nội, Tabing Motors, nơi sản xuất jeepney suốt nửa thế kỷ cho đến giữa những năm 1990. Ông nói: “Sở hữu một chiếc xe jeep cũng giống như người nông dân sở hữu một chiếc xe trâu kéo. Người lái xe phụ thuộc vào nó để kiếm sống. Nếu ai đó nói với người nông dân rằng chiếc xe trâu kéo anh ấy mua bằng 80% tiền tiết kiệm cả đời của mình không còn được phép sử dụng nữa và nên thay thế bằng một chiếc máy cày đắt gấp 3 lần, đó thật là một điều điên rồ”.

Một chiếc xe tải dekotora chở hàng ở vùng núi tỉnh Aichi được người chủ tự tay vẽ và trang trí - Nguồn ảnh:  The Guardian
Một chiếc xe tải dekotora chở hàng ở vùng núi tỉnh Aichi được người chủ tự tay vẽ và trang trí - Nguồn ảnh: The Guardian

Ông nội của ông Tabing, Lamberto Tabing, đã nhận được 1 chiếc xe jeep Willys cũ từ quân đội Mỹ sau Thế chiến thứ 2 như món quà dành cho người thợ cơ khí chăm chỉ. Cùng với người bạn Leonardo Sarao, ông đã thiết kế và chế tạo chiếc jeepney đầu tiên ở Philippines bằng cách đặt phần mui trên xe jeep và mở rộng khung gầm để thêm chỗ ngồi, giúp chở được nhiều hành khách hơn. Ông Sarao sau đó đã ngừng hợp tác với ông Tabing và tạo ra phiên bản xe của riêng mình. Dù vậy, thiết kế ban đầu của họ đã trở thành nguyên bản chi tiết cho những chiếc jeepney trên khắp đất nước.

Tabing nói: “Gia đình tôi có vai trò quan trọng trong việc phát triển thứ mà ngày nay được coi là biểu tượng văn hóa. Đó là minh chứng cho sự khéo léo và đổi mới của người dân Philippines - tạo ra thứ gì đó đẹp đẽ từ động cơ cũ và kim loại phế liệu”. Thu nhập ông kiếm được từ việc chế tạo, vận hành jeepney đã giúp con cháu của ông đến trường học tập và chuyển sang các nghề nghiệp khác. Ông ủng hộ kế hoạch hiện đại hóa của Philippines nhưng cho rằng kế hoạch này không nên gây ra gánh nặng tài chính quá lớn lên những người chủ sở hữu jeepney.

Thực tế, không phải người điều khiển jeepney nào cũng may mắn như gia đình Tabing. Teodoro R. Ballaran Jr. - một cựu tài xế hiện giám sát hoạt động của 4 chiếc jeepney - nói rằng ông phản đối kế hoạch hiện đại hóa. Ông tiết lộ, đội xe của ông mang về chưa đến 100 USD mỗi ngày. Dẫu vậy, số tiền đó đã giúp ông nuôi sống gia đình và cho 3 đứa con vào đại học. Ông nói: “Ở tuổi của tôi, tôi không đủ khả năng để vay nợ. Ngoài ra, thiết kế của những chiếc xe mới không thể nào thay thế kiểu dáng cổ điển và hình ảnh đầy sắc màu của những chiếc jeepney”.

Ánh sáng rực rỡ theo những chuyến xe

Tajima Junichi - chủ tịch của Utamarokai -  ngồi trong chiếc xe tải mà ông đã sở hữu và  duy trì quá trình trang trí suốt hơn 30 năm - Nguồn ảnh: The Guardian
Tajima Junichi - Chủ tịch của Utamarokai - ngồi trong chiếc xe tải mà ông đã sở hữu và duy trì quá trình trang trí suốt hơn 30 năm - Nguồn ảnh: The Guardian

Tại Nhật Bản, dekotora - viết tắt của “dekoreshon torakku” có nghĩa “xe tải được trang trí” - là một nét văn hóa nhóm với hơn 40 năm lịch sử. Lấy cảm hứng từ loạt phim Torakku Yaro (Những chàng trai xe tải) từ những năm 1970, những chiếc xe tải xa hoa nhưng đầy đủ chức năng này thường phải mất hàng thập niên để trang trí. Cánh tài xế thử nghiệm nhiều kiểu thiết kế khác nhau, từ thảm rơm truyền thống đến đèn LED. Ban đầu, xe được sơn nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm mà họ kinh doanh. Ngày nay, do các quy định mới, chỉ một số doanh nghiệp nhỏ còn sử dụng những chiếc xe tải sơn vẽ để chuyên chở hàng hóa.

Tajima Junichi là Chủ tịch của Utamarokai - nhóm người yêu thích dekotora lớn nhất, lâu đời nhất và có chi nhánh trên khắp Nhật Bản. Ông sở hữu một công ty xe ben ở tỉnh Saitama và dành rất nhiều tâm huyết để tổ chức các sự kiện từ thiện dekotora trên khắp đất nước. Ông mong muốn thay đổi hình ảnh “bụi đời” của những người lái xe, cũng như khuyến khích họ giúp đỡ người khác. Ngày nay, mọi người có thể tìm thấy hình ảnh của dekotora trong các video ca nhạc, trò chơi điện tử hoặc quảng cáo. Giá của đồ trang trí xe có thể khá cao tùy thuộc chất lượng. Đó là sự đầu tư dài hạn và tích lũy dần theo năm tháng. Một số chiếc xe có giá ngang ngửa một ngôi nhà trong thành phố.

Takeda-san ở thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi  với chiếc xe tải của mình - Ảnh: Julie Glassberg/The Guardian
Takeda-san ở thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi với chiếc xe tải của mình - Ảnh: Julie Glassberg/The Guardian

Cộng đồng dekotora được xem như những con người quen với lối sống truyền thống, vô cùng kiêu hãnh và ấm áp. Khi Todd Antony - một nhiếp ảnh gia sinh ra ở New Zealand từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trên toàn thế giới - nói chuyện với ông Tajima và chụp ảnh chiếc xe tải nổi tiếng Ichiban Boshi (Ngôi sao đầu tiên) của ông, ông thổ lộ với Antony rằng chiếc xe tải đóng vai trò như "con cái, anh em, gia đình và niềm khao khát trong cuộc đời".

Một nhà thiết kế và người lái xe dekotora nổi tiếng khác là Koji Okita (52 tuổi) sống ở thành phố Akitakata, tỉnh Hiroshima. Okita chuyên cung cấp các bộ phận cho dekotora tại cơ sở gia công kim loại của mình. Tất cả quy trình trang trí đều được ông thực hiện cẩn thận bằng tay nên các đơn đặt hàng thường mất cả năm để hoàn thành.

Okita đã mua một chiếc xe tải khi còn là học sinh trung học. Chiếc xe - tên là Kofuku Maru - đã trở thành người bạn đồng hành suốt đời của ông. Mỗi món đồ trang trí bên trong Kofuku Maru tiêu tốn ít nhất 10 triệu yên (67.000 USD) và ông đã dành 35 năm để cải tiến “tình yêu” của mình. Ông còn xuất bản một cuốn sách về những sáng tạo dành cho dekotora. Ông chia sẻ: “Dekotora đại diện cho cuộc đời tôi. Xe của chúng tôi không bao giờ có thể được hoàn thành bởi không có kết thúc cho quá trình tùy biến. Thực tế này đồng thời tạo nên động lực và niềm tự hào của chúng tôi”.

Linh La

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI