"Những cậu bé kẽm" và “án” văn chương khó tin

12/07/2020 - 12:08

PNO - Chỉ vì ra mắt tác phẩm tư liệu về chiến tranh Afghanistan mà nữ nhà văn Svetlana Alexievich phải đối diện với tòa án văn chương có một không hai.

Svetlana Alexievich là tác giả của những tác phẩm văn xuôi tư liệu nổi tiếng: Những nhân chứng cuối cùng, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Lời nguyện cầu Chernobyl... (đã xuất bản tại Việt Nam). Zinky Boys (tựa tiếng Việt: Những cậu bé kẽm, dịch giả Phan Xuân Loan, Nhà xuất bản Phụ Nữ TPHCM vừa ấn hành) là tác phẩm tạo ra nhiều tranh cãi nhất của nữ nhà văn người Belarus này.

Bìa tiếng Việt của tác phẩm
Bìa tiếng Việt của tác phẩm

“Zinky boys” - những cậu bé kẽm, là cụm từ dùng để gọi những thanh niên tham gia chiến trường Afghanistan (giai đoạn 1979 – 1989). Họ được đưa về quê nhà trong những quan tài kẽm; đau lòng hơn là bỏ mạng ngoài chiến trường không tìm thấy xác, không được gọi tên. Hoặc nếu có may mắn sống sót trở về, tất cả đều không thể sống một cuộc đời bình thường vì “hội chứng Afghanistan”.

Tác phẩm là những ghi chép từ tư liệu, hồi ức của những người trong cuộc, đau đớn, tàn khốc và ám ảnh. Svetlana Alexievich thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn sâu những người lính trở về cùng thân nhân những người lính đã hy sinh ở chiến trường để hoàn thiện tác phẩm có tiếng vang này.

Thời điểm lần đầu được xuất bản tại Nga (năm 1989) tác phẩm đã làm dậy sóng văn đàn khi tái hiện quá chân thực và phơi bày những mặt trái đau thương của cuộc chiến. 

Dưới đây là những đoạn trích từ cuốn sách: 

“Chúng bắt tù binh. Cắt các chi rồi ga-rô lại để họ không chết vì mất máu. Rồi bỏ họ lại như thế. Người của ta thu thập những người cụt đó. Họ muốn chết, nhưng bị ép điều trị. Và sau khi điều trị, họ không muốn về nhà”.

Chúng tôi đi cứu vớt, giúp đỡ, yêu thương. Vì những điều đó mà chúng tôi đi. Sau một thời gian, tôi bắt được ý nghĩ của mình: căm thù. Tôi căm thù người Afganistan mang giỏ dưa gang gặp tình cờ hay đơn giản chỉ là đứng cạnh nhà ông ta. Vì vẫn chưa rõ tối đó ông ta sẽ ở đâu và làm gì. Họ đã giết một sĩ quan tôi mới quen biết được điều trị trong bệnh viện cách đó không lâu, chém giết hai lều lính. Ở nơi khác họ hạ độc nguồn nước. Ai đó vừa giơ cái bật lửa lên, nó nổ ngay trên tay. Và tất cả binh lính chúng tôi đã chết”.

Nữ nhà văn Svetlana Alexievich
Nữ nhà văn Svetlana Alexievich. Ảnh tư liệu

Ngày 20/1/1993, tác giả Zinky boys bị kiện ra tòa vì lý do: “Tác phẩm đã phỉ báng danh dự và ngụy tạo lời kể của chứng nhân”. Dư luận chia thành hai làn sóng: phẫn nộ, phản đối và đồng tình, bảo vệ. Không ít người cho rằng cuộc chiến tranh ấy với quá nhiều mất mát, ám ảnh không nên được khơi lại. Viết ra chỉ là cách khoét sâu vào nỗi đau của đồng bào. Nhưng nhiều ý kiến khẳng định rằng: lịch sử cần được nhìn nhận bằng chính sự thật của nó, cho dù sự thật đó "cay đắng và không thể chấp nhận".

Nhiều lần phải ra tòa, đối diện với án văn chương đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhưng Svetlana Alexievich không bị kết án. Bà vẫn tiếp tục viết các tác phẩm văn xuôi tư liệu có sức ảnh hưởng lớn của mình. Trong đó có quyển Tiếng vọng từ Chernobyl (xuất bản năm 1997), phơi bày nỗi kinh hoàng của những người làm công việc dọn dẹp sau thảm họa hạt nhân ở Ukraine. Tác phẩm này ngay sau đó đoạt giải National Book Critics Circle (Mỹ) vào năm 1998. Riêng Zinky boys được trao giải Nobel Văn học 2015.

Một tác phẩm khác của Svetlana Alexievich
Một tác phẩm khác của Svetlana Alexievich

Trong một bài phỏng vấn, Svetlana Alexievich đã phát biểu như một tuyên ngôn của chính mình: “Tôi không chỉ ghi nhận lại các sự kiện khô khan của lịch sử. Tôi viết về lịch sử của cảm xúc con người. Những gì con người nghĩ, hiểu và nhớ về những sự kiện. Những gì họ tin vào, hay đã đặt sự tin cậy sai chỗ, những ảo tưởng, hy vọng và cả những nỗi sợ mà họ trải nghiệm”.

Svetlana Alexievich là người Belarus, nhưng hầu hết các tác phẩm của bà luôn bị kiểm duyệt, cấm đoán trên chính quê hương mình. Tuy vậy, sức ảnh hưởng lớn lao của nữ nhà văn, nhà báo này là điều không thể phủ nhận. Tác phẩm nào của bà cũng khiến dư luận "dậy sóng" vì những góc nhìn khác biệt, cất lên tiếng nói mạnh mẽ với những điều vô nhân, phi nghĩa.

Nhà văn Svetlana Alexievich sinh năm 1948, các tác phẩm của bà đều được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng, đoạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI