Như thế tết đã về!

03/02/2024 - 08:30

PNO - Cây tre xanh mướt, không quá non, không quá già, thân tương đối thẳng, cành lá tươi tốt, không chết ngọn, róc bớt những nhánh xù xì… được đặt ngay ngắn trước sân. Chỉ chốc lát nữa, nó sẽ được dựng sừng sững trước sân nhà, kèm theo bùa nêu, 3 lá trầu quẹt vôi - 3 trái cau tầm vung, giấy tiền vàng bạc. Như thế tết đã về.

Ăn tết đâu phải chuyện chơi

23 tháng Chạp, là ngày ông táo về trời. Từ chiều hôm trước, anh Trần Hữu Phú (sinh năm 1995, quê Bến Tre) và gia đình đã tìm, chọn một cây tre đủ tiêu chuẩn, sau đó cột vải đỏ để làm dấu. Gia đình anh đào đất, bày mâm cúng để xin dựng nêu. 

Việc chọn tre dựng nêu phải đáp ứng nhiều yếu tố bởi theo quan niệm xưa, cây tre tượng trưng cho người quân tử, sự can trường, dù gió thổi hướng nào vẫn quay về hướng cũ. Tre cũng tượng trưng cho con người, theo quy luật tre già măng mọc, khi lớn lên vẫn quay về nguồn cội. 

Mùng Ba tết, gia đình anh cúng các vị thần cai quản trong khuôn viên nhà, khai quan điểm nhãn ông hổ
Mùng Ba tết, gia đình anh cúng các vị thần cai quản trong khuôn viên nhà, khai quan điểm nhãn ông hổ

Thói quen ấy được duy trì không phải nhiều năm mà đã qua đến tận 9 đời. Anh Phú lý giải: “Việc dựng nêu có thể kéo dài từ 23 tháng Chạp đến 30 tết, tùy theo hoàn cảnh gia đình. Vì đây là nhà thờ của dòng họ nên thường sẽ dựng nêu sớm nhất”. 

Thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) nay đã phát triển nhiều so với trước đây. Đường nhựa trải thẳng tắp. Nhiều ngôi nhà hiện đại mọc lên. Nhưng giữa đó, phủ thờ họ Trần (nơi gia đình anh Phú đang sinh sống) như tách biệt hoàn toàn. 

Phủ thờ được xây năm 1934, qua 2 cuộc kháng chiến bị hư hại nhiều. Sau này, anh cho phục dựng như trước. Nội thất đều được truyền qua nhiều đời. Xung quanh là khu vườn với nhiều loại cây ăn trái. Tất cả tạo nên không gian hoài cổ, xanh mướt mắt. Hương sắc xưa như vẫn còn đọng lại trên hiên nhà, nơi từng khung cửa, ở bộ bàn ghế…

Từ rằm tháng Chạp, anh Phú tổ chức viết bùa nêu. Trong ngày này, gia đình anh cũng quét dọn bàn thờ, để ngày hôm sau tổ chức tảo mộ ông bà. Đây cũng là ngày giỗ hội (tổ chức lễ giỗ chung) của ông bà quá cố trên 3 đời. Sau đó, các thành viên trong nhà dọn dẹp, quét bụi, bồ hóng. Trong năm, gia đình anh có thói quen lau dọn thường xuyên, nên dịp tết không tốn nhiều công sức. 

Việc dựng nêu dịp tết ở nhà anh Phú thường diễn ra ngày 23 tháng Chạp
Việc dựng nêu dịp tết ở nhà anh Phú thường diễn ra ngày 23 tháng Chạp

Hoạt động vui không kém là viết câu đối Nam Bộ, liễn xuân. Những dòng chữ bằng mực tàu được nắn nót cẩn thận trên giấy đỏ, đi kèm nguyện ước cho năm mới bình an, hạnh phúc, phát triển. Từ 24 tết trở đi, việc trang trí hoa, dán liễn xuân… diễn ra trong tiếng nói cười. 

Thường, nhiều gia đình hiện đại chỉ duy trì việc cúng kiếng cho ông bà đến hết mùng Ba nhưng gia đình anh Trần Hữu Phú vẫn duy trì đến mùng Bảy, với 2 lần cúng cơm mỗi ngày. Nhiều nhà hiện chỉ mua tranh vẽ, in hình ông hổ và dán lên thì gia đình anh vẫn tổ chức cúng khai hoang điểm nhãn ông hổ bài bản vào mùng Ba tết. Một người dùng ngọn nến soi tranh để tẩy uế. Sau khi tàn nhang, 3 tuần trà 3 tuần rượu, người đứng cúng dùng nhang trầm để khai nhãn, khai nhĩ, khai túc (đưa nhang lên mắt, lỗ tai, chân ông hổ).

Việc trang hoàng, cúng kiếng ngày thường cũng như dịp tết có nguyên tắc. Chẳng hạn, đông bình tây quả, vì hoa nở hướng lên, ứng với phía đông, nơi mặt trời mọc, tượng trưng cho dương khí. Còn phía tây ứng với chiều tà, thành tựu, đi liền với hình ảnh trái chín, mang năng lượng âm. Cuộc sống phải cân bằng âm dương. Tục cúng nước dừa vẫn được duy trì nhiều đời, một phần phản ánh thói quen ăn ngọt đặc trưng của người phương Nam.

Lớn lên từ đất quê mình

Theo chuyện được kể lại, ông bà nhiều đời trước của anh Phú xuôi ghe bầu từ đất Quảng về phương Nam để khẩn hoang, lập nghiệp, chọn ở lại vùng này. Nhiều đời của gia đình anh có truyền thống hiếu học, giỏi hội họa. Ông cố anh từng là thầy dạy chữ cho nhiều nhà hội đồng thời xưa; có chức vụ trong đình làng… Không chỉ con trai mà con gái ông cũng được học chữ Nôm, tiếng Pháp. Ông nội anh Phú là con út, ở nhà thờ tổ, nên được dạy nhiều chữ nghĩa, từng học qua 6 người thầy. Ông biết tiếng Hán, Nôm, tiếng Pháp; thông thạo thuốc nam, châm cứu, bấm huyệt, nghề võ; xem phong thủy; giỏi hội họa, chữ nho, lễ nghi, văn tế trong hoạt động cúng đình… 

Sống cùng ông nội từ nhỏ nên nhà cũng chính là ngôi trường “đào tạo” cho Phú, để anh nối tiếp việc giữ gìn truyền thống. Khi 5 tuổi, anh đã ý thức rõ về nếp sinh hoạt của gia đình. Thấy ông nội làm gì, anh cũng đi theo, tìm hiểu... cho bằng được. Anh Phú cười bảo: “Tôi không biết mình đã học được từ khi nào”. 

Khi học trung học cơ sở, anh được dạy viết chữ Hán, Nôm. Những dịp giỗ chạp, anh và ông nội cùng làm từ việc dọn dẹp, bài trí hoa quả, mâm bàn, cúng cơm, khấn vái… Lên cấp III, anh đã thuần thục những việc này, được ông nội giao thực hiện hoàn toàn. 

Dòng họ của anh Phú rất đông thành viên. Chú, bác của anh cũng từng được dạy về các nghi lễ, nếp sinh hoạt này… nhưng số đông chỉ lưu giữ được vài phần. Riêng anh, khi làm những việc trên không thấy mệt, càng làm lại càng mê. 
Theo anh Phú, biết xưa phải biết nay mới không lỗi thời. Biết xưa mà không biết nay thì trở nên hà khắc. “Tôi thấy hạnh phúc vì biết xưa, biết nay. Ai sao tôi cũng sống theo vậy được” - anh Phú bày tỏ. Vì lẽ đó, dù yêu và sống theo cách xưa, anh cũng không khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. 

Trần Hữu Phú từng tốt nghiệp thủ khoa ngành mỹ thuật Đại học Đồng Tháp. Trường có dự định giữ anh lại để giảng dạy. Một số trường tại TPHCM cũng gửi lời mời anh về làm việc. “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống lâu đời, tôi lại ở nhà thờ của dòng họ. Nếu chọn ra ngoài đi làm thì việc cúng kiếng, giữ “lửa” cho gia đình chắc chắn bị chi phối. Vì thế, tôi chọn về quê” - anh nói. Gia đình ủng hộ quyết định của anh. 

Khách tham quan nhà anh Phú
Khách tham quan nhà anh Phú

Khi về quê, anh Phú sinh hoạt, làm việc tại địa phương (bán chuyên trách), vẽ tranh, nghiên cứu văn hóa, làm hương chức trong đình... Anh tham gia nhiều buổi trò chuyện về văn hóa với đài truyền hình, các hội thảo… Nhờ đó, anh cũng có nguồn thu nhập đủ để sống. “Như ông bà nói, biết đủ là đủ. Tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại” - anh chia sẻ. 

Tiếng lành đồn xa, nhiều người, đơn vị tìm đến anh để hiểu cách giữ gìn văn hóa, giữ “lửa” truyền thống gia đình. Mạng xã hội cũng mang câu chuyện của anh đến với nhiều người. Năm 2022, anh đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre với mô hình xây dựng điểm tham quan du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Nam Bộ của xứ dừa Đồng Khởi. 

Hiện Trần Hữu Phú đang phát triển việc tham quan nhà mình. Gia đình anh đã đón rất nhiều lượt khách, thuộc nhiều lứa tuổi. Bên cạnh việc ngắm nhìn, du khách còn được nghe những câu chuyện về văn hóa xưa, thưởng trà, ăn bánh… Có khách còn trở lại vài lần. 

Người chọn lên phố, ra biển mang theo những hoài bão lớn để xây tương lai. Nhưng, cũng có những cuộc đời ý nghĩa khi được dựng xây trên chính đất quê mình.

Thành Lâm 
Ảnh do nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI