Nhớ thương những cái Tết đơn sơ của một thời khốn khó

03/01/2023 - 15:44

PNO - Từng sống và trưởng thành trong giai đoạn đất nước còn gian khó, con người ta càng thêm trân quý những giá trị của gia đình, lòng thảo thơm của láng giềng.

Những ký ức về Hà Nội luôn khiến nhà văn Lê Minh Hà khắc khoải. Với bà, mảnh đất nghìn năm tuổi không chỉ là quê hương, là một chốn đi về.

Nơi ấy, chất chứa bao nhớ thương từ thuở bé thơ đến khi trở thành thiếu nữ, từ những hồn nhiên đến thẹn thùng. Lê Minh Hà nhớ về Hà Nội như cách người ta nhớ một mối tình đã cũ, đầy da diết và vấn vương.

Hà thành đã trở thành một địa chỉ quen thuộc trong văn Lê Minh Hà. Với bà, chuyện về Hà Nội có kể hoài cũng không hết. Những khó khăn của thời bao cấp, cả đất nước sống trong sự dè sẻn, tằn tiện càng khiến người ta thấy nhớ và yêu mảnh đất phồn hoa đô hội ấy hơn.

Đặc sản thời yêu là một tập tản văn đong đầy ký ức. Độc giả sẽ thấy ngạc nhiên về một Hà Nội rất khác.

Tập tản văn Đặc sản thời yêu của Lê Minh Hà. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Tập tản văn "Đặc sản thời yêu" của Lê Minh Hà. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Hà Nội thời bao cấp, ngoài mấy tờ tem phiếu bé tin hin nhưng nhà nhà quý như vàng, còn phải kể đến những buổi trưa nắng như đổ lửa, cả đoàn người rồng rắn đứng chờ ở cửa hàng mậu dịch để mua dăm cân gạo hay vài lạng thịt.

Ai đã sống qua cái thời “thắt lưng buộc bụng” ấy, làm sao quên những bữa cơm đông đúc ở nhà ăn của khu tập thể. Trẻ con đi học về sớm sẽ hăm hở xách cặp lồng để lấy cơm và thức ăn về cho cả nhà. Nhà nào neo người, ngại lích kích có thể ăn luôn ở dưới nhà ăn.

Ăn xong, mọi người lại tụ lại thành nhóm, nói đủ thứ chuyện. Sau này, nhiều nhà tự lo chuyện cơm nước, bếp ăn tập thể cứ vắng dần. Cuối cùng, sau mấy chục năm, nó chỉ còn trong ký ức của nhiều người.

Trong những căn nhà tập thể chật chội của thời bao cấp, để nấu được một bữa cơm vốn chẳng phải chuyện đơn giản. Dẫu chỉ là vài ba món ăn thường ngày như đậu rán, rau luộc hay thịt rang, cũng đủ thách thức cái đảm đang của đứa con gái lớn trong nhà.

Một cái bếp dầu của Kim khí Thăng Long đặt ngoài ban công, cùng vài ba tấm ván ép che lại cho bớt bay mùi, thế là thành cái bếp. Nấu bếp dầu, có cực đến mấy vẫn còn hơn nấu bằng mùn cưa.

Chẳng cần ai dạy, mấy chị em trong nhà tự biết bảo nhau đi mua dầu, mua bấc khi cần. Bấc lụi thì tự thay bấc. Thời đó, con gái mười ba, mười bốn tuổi đã đảm đang lắm rồi. Từ chuyện giặt giũ, cơm nước, đến xếp hàng mua thịt, mua gạo ngoài mậu dịch, việc nào cũng được chúng sắp đặt đâu ra đấy.

Nói về sự đảm đang, khéo léo của con gái Hà Nội thời ấy, chắc chắn phải nhắc tới mâm cơm tươm tất, đủ đầy vào ngày Tết. Nào xôi gấc, canh măng sườn, canh bóng thả, đến đĩa mứt dừa trắng ngọc trắng ngà, mứt quất căng bóng, ngọt the, màu vàng mật ong hấp dẫn. Tất cả đều được làm từ bàn tay thơm thảo của thiếu nữ.

Lê Minh Hà viết về Tết với một niềm say mê, hào hứng như cái cách người ta kể về những lần hẹn hò thời son trẻ. Thời gian khó ấy, muốn chuẩn bị vài đĩa mứt dừa, mứt quất, hay mứt cà rốt để đãi khách, đâu phải chuyện đơn giản. Người ta phải để dành đường cát từ trước đó cả tháng, tỉ mẩn đi chợ đến mấy hôm mới chọn được quả dừa bánh tẻ vừa đủ độ.

Miếng mứt dừa vừa ngọt vừa béo được khách khứa ưa thích hơn so với mứt bí hoặc mứt khoai. Đĩa mứt đầy đặn, óng ánh hạt đường vừa kết sau nhiều giờ sên trên chảo, cũng khác hẳn với hộp mứt ọp ẹp, có dăm ba cọng mứt bí bở mà ngọt gắt mang từ cửa hàng mậu dịch về.

Ngoài mứt và xôi, thì bún thang và nem cũng là món ăn hấp dẫn ngày Tết. Người ta có thể ăn nem quanh năm, nhưng mâm cỗ tất niên nhất định phải có đĩa nem rán giòn, cắn vào nghe rùm rụp rất đã tai. Ngày thường ai cũng ngại mấy món được chiên ngập dầu, nhưng vào những ngày lạnh như Tết, được ăn cái nem rán vàng thì còn gì bằng.

Bún thang cũng là một món ăn làm nên phong vị Tết của người Hà Nội. Toàn là những thứ còn lại từ mâm cỗ Tết như gà luộc, giò lụa, tôm hấp, thêm trứng rán thái mỏng và ít củ cải khô, thế mà ai cùng xì xụp, tấm tắc khen ngon, chẳng ai lắc đầu chê ngán nữa. Thế mới thấy cái tài của người nội trợ, chỉ cần chút khéo léo, thêm vài giờ thái thái đun đun trong bếp, là đã có một món mới hấp dẫn.

Sống xa Hà Nội, càng khiến Lê Minh Hà yêu mảnh đất này hơn. Đã bao lần bà nhìn nền trời trong xanh cuối hạ đầu thu ở Berlin, và nhớ về mùa thu ở thủ đô yêu dấu. Ăn Tết trong ngày tuyết rơi ở trời Âu, người ta lại nhớ cái rét buốt đầu tháng Giêng nơi quê nhà. Tất cả những nỗi nhớ niềm thương ấy được gửi vào trong trang sách.

Đọc Đặc sản thời yêu, độc giả có cảm giác như đang lắng nghe một cố nhân kể chuyện. Giọng văn nhẹ nhàng, đầy tình cảm, đôi lúc pha chút bông đùa của nhà văn khiến cho người đọc thấy thật gần gũi. Lê Minh Hà kể về những ngày gian khó để nhắc nhở bản thân trân trọng hiện tại.

                                                                                                Lê Hoàng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI