“Nhờ dì, tụi nhỏ không mù chữ”

07/08/2016 - 09:09

PNO - Cả đời dì Khưu Quốc Sắc xem sự học là “máu xương mình”. Dì đã vượt lên mọi khó khăn để nuôi sáu người con đỗ đạt, thành tài. Đồng thời, dì còn là tấm gương sáng về lối sống nghĩa tình ở địa phương.

“Nho di, tui nho khong mu chu”
Dì Khưu Quốc Sắc

Ba đi kháng chiến, dì Sắc sống với má từ nhỏ. Má yếu, nay ốm mai đau nên một mình dì bươn chải lo cơm, áo trong nhà. Học hết lớp 3, dì phải bỏ ngang đi bán kem, nước đá, giữ trẻ. Thấy người ta đan, may áo, nấu nướng giỏi, dì lân la học. Dì sáng dạ, lại chịu khó nên học gì cũng nhanh. Năm 1969, dì Sắc lập gia đình. Sáu người con (ba trai, ba gái) lần lượt chào đời. Sẵn có nghề may, dì vừa đi dạy may vừa buôn bán kiếm tiền nuôi con.

Từ tháng 6/1975 - 10/1979, dì làm thư ký của dì Hai Liên - Hội trưởng Hội PN P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Sau đó, dì chuyển sang P.10, Q.11, TP.HCM sinh sống, là Hội phó Hội PN phường (1979 - 1983). Dì Sắc nhớ lại: “Ngày ấy, tôi vừa đi làm vừa học ban đêm, từ lớp 3 ráng bò lên tới lớp 10. Tôi muốn hiểu biết đặng dễ bề nói chuyện với chị em. Hơn nữa, tôi thèm học lắm, cực mấy cũng ráng”.

Cho đến nay việc dì Sắc một mình chăm sóc chồng, mẹ chồng đau yếu, nuôi sáu người con học lên cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vẫn còn là “đầu câu chuyện” mỗi khi người dân KP.2, P.9, Q.10 có dịp tề tựu, trà nước với nhau. Năm 1990, chồng dì - ông giáo Huỳnh Bá - bị tai biến nằm một chỗ. Má chồng dì đau hai chân, không đi lại được. Dì đón má chồng về chăm sóc, tận tình và chu đáo như chăm mẹ ruột.

Từ năm 1984, dì được chuyển lên quận Hội, phụ trách mảng công tác người Hoa. Đến năm 1990, vì hoàn cảnh gia đình, dì ngưng hoạt động Hội của quận nhưng vẫn gánh trọng trách tổ trưởng Tổ PN 20, KP.2, P.9, Q.11. Dì Sắc kể: “Tui bấm bụng xin chị em nghỉ công tác trên quận để ở nhà, chạy ra chạy vô cho tiện. Tôi bán tạp hóa ban ngày, đêm thì nhận may quần, áo”.

Con gái đầu Ngọc Quế (SN 1971) học tới lớp 12 thì xin nghỉ, dì nuốt nước mắt gật đầu. Có vậy mà bao năm sau dì vẫn trách mình hoài. Sau này, năm người con còn lại, đứa nào manh nha ý định bỏ học “phụ má nuôi em” là dì nạt ngay. Dì thường hỏi các con: “Cây viết nhẹ, cái cày nặng, con muốn cầm cái nào? Con có thể đói một, hai bữa cơm, nhưng không thể đói chữ”. Chị Ngọc Quế dù không thể học lên đại học, cao học như các em nhưng vẫn được má tạo điều kiện học ngoại ngữ. Giờ chị đang là thông dịch viên tiếng Hoa, tiếng Anh.

Hồi còn làm Hội phó PN P.10, Q.11, dì Sắc đi cơ sở, thấy bốn cụ già ngồi giữa trưa nắng gắt bèn chạy lại gần nhỏ nhẹ hỏi: “Sao các cụ không vô nhà?”. Các cụ tình thiệt: “Cống trước nhà bị ghẹt. Cứ trưa nắng là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, chịu không nổi”. Dì tới kiểm tra rồi báo về quận Hội ngay lập tức. Hôm sau, rất nhiều HV, PN P.10 níu tay cảm ơn vì cách làm nhanh gọn mà thấu tình đạt lý của dì. Cái cống đã được thông, mọi người có thể “thở” lại bình thường. Cũng từ đó, tiếng nói của dì được HV trân trọng, tin quý.

Dù đã gần 70 tuổi, dì Sắc vẫn rất năng động, nhiệt tình trong công tác Hội. Dì có cuốn tập học trò, trong đó ghi chép tỉ mỉ hoàn cảnh của các HV. Chị Nguyễn Thị Sửu có ba đứa con đều học đại học dù chồng bị tai biến, mình chị lặn lội gánh chuyện áo, cơm. Chị Sửu thiệt tình rằng, dì Sắc là tấm gương sáng để mình soi vào đó mà nỗ lực. Con của chị Huỳnh Thị Lan, Nguyễn Thị Mát cũng đều là cử nhân.

Vợ chồng anh Danh Mao - chị Nguyễn Thị Hưởng có tám người con. Nhà nghèo quá, bốn đứa đầu đã không được đi học. Thấy vậy, dì Sắc tới nhà khuyên: “Cho các cháu cái chữ, mai mốt có đi xa chúng còn biết mà viết thư về hỏi thăm ba má”. Rồi dì vận động Mạnh Thường Quân giúp tập, sách, viết, đến cả quần áo cho con chị Hưởng. Kết quả là bốn người con sau của chị Hưởng đều được đến lớp. Các con đi đâu xa gởi thư về là chị lại chạy khoe khắp nơi. Chị nói, cả đời biết ơn dì Sắc vì “nhờ dì, tụi nhỏ không mù chữ”.

Bà Khưu Quốc Sắc (sinh năm 1946)

- Thời gian công tác Hội: 35 năm.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”.

- Bằng khen “Đạt thành tích Gương sáng PN dân tộc tiêu biểu năm 2012” của Hội LHPN TP.HCM.

- Được Hội LHPN TP.HCM bình chọn đạt ba tiêu chuẩn trong phong trào “Tự rèn luyện” năm 1996.

- Giấy khen của Quận Hội và Phường Hội nhiều năm liên tục.

- Nhiều năm liền đạt thành tích tốt có giấy khen của địa phương trong phong trào thi đua yêu nước.

Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI