Nhớ chị Năm Tuyết

12/04/2023 - 05:57

PNO - Nghe đồng nghiệp Bạch Mai nhắn tin “chị Năm Tuyết vừa mất chiều nay 10/4”, tôi bất giác kêu trời.

Chỉ vì tôi quên chị giờ đã ở tuổi 89 với căn bệnh hen suyễn kinh niên từ mấy chục năm qua. Chỉ vì tôi không quên chị chính là thành viên cuối cùng trong Ban Biên tập Báo Phụ nữ Sài Gòn (nay là Báo Phụ nữ TPHCM) thời kỳ đầu sau ngày thành lập 19/5/1975. Bộ ba trong ban biên tập ấy đã lần lượt ra đi về cõi xa: Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nga (Phương Điền) năm 1998, Ủy viên Ban Biên tập Phạm Kim Mười (Mười Mai) năm 2020 và nay là chị - Phó tổng biên tập Nguyễn Thị Tuyết (Năm Tuyết).

Nguyên Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM Nguyễn Thị Tuyết
Nguyên Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM Nguyễn Thị Tuyết -  Ảnh: Phùng Huy

Lứa phóng viên thời kỳ 10 năm đầu của Báo Phụ nữ (1975-1985) gồm Bạch Mai, Thế Thanh, Ngọc Tuyết, Thiều Thu Mai, Phan Thị Châu, Hồng Tuyến, Hồng Quỳnh… chắc ai cũng chưa quên Phó tổng biên tập Năm Tuyết đẹp người và nổi tiếng nhỏ nhẹ trong cư xử.

Chỉ một mình chị Năm Tuyết trong ban biên tập chúng tôi gọi là “chị” mặc dù tuổi đời chị cách biệt chúng tôi đến gần 20 năm. Vì chị rất trẻ so với tuổi và vì chị luôn không khiến cho chúng tôi phải sợ mỗi khi có chút lỗi lầm như đi họp và đi trực đêm không đúng giờ, nộp bài chậm. Chị không cau có, thậm chí còn cười nhẹ “Sao thế, có chuyện gì không? Lần sau ráng đừng trễ”.

Thỉnh thoảng trong đêm trực, chị ra bàn họp nơi bọn con gái nằm ngủ thay phiên để khép chân cho đứa này, kéo mền cho đứa kia hoặc vặn quạt trần quay nhẹ bớt. Cái cách đó của chị Năm cũng giống với cách của Tổng biên tập Phương Điền đối với chúng tôi.

Chị Năm Tuyết rất ít viết bài nhưng đọc bài của phóng viên khá kỹ và khá tinh tế khi nhận xét bài viết. Ví dụ, khi tôi nộp tin sinh hoạt hội của các quận, huyện, chị đọc xong thì kêu vô: “Chữ lớn như gà mái, hao giấy à nhen, nhưng mà dễ đọc. Viết tin mà sao giống phóng sự. Tin thì phải ngắn, phóng sự thì có thể diễn đạt dài. Chuyện gì hay thì chuyển sang viết phóng sự luôn, khỏi làm tin”.

Đó là khoảng từ cuối năm 1975 đến năm 1976. Hôm nay giở lại những trang báo cũ có mục “Tin sinh hoạt hội”, giấy đen và nhám, chỉ 2 màu đen xanh hoặc đen đỏ, bỗng thấy nhớ chị Năm đến cay mũi. 

Cán bộ phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đến thăm và chúc mừng dì Năm Tuyết nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập báo - ẢNH: PHÙNG HUY
Cán bộ phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đến thăm và chúc mừng dì Năm Tuyết nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập báo - Ảnh: Phùng Huy

Công tác chung với chị khá lâu, từ cuối 1975 đến cuối 1985 (là năm chị xin nghỉ do sức khỏe), vậy mà tôi và các bạn đồng nghiệp mãi sau này mới được nghe về quá trình học báo, làm báo của chị trước khi đất nước hòa bình. Hóa ra, chị Năm Tuyết được ông Lê Duy Nhuận (biệt danh Tư Ốm, phụ trách tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định) dạy viết báo trong căn cứ kháng chiến từ những năm 60 của thế kỷ trước và được bà Tư Duy Liên (tức Đỗ Duy Liên, người sáng lập Báo Phụ nữ Sài Gòn sau 1975, nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM) là người hướng dẫn tác nghiệp báo chí trực tiếp.

Cũng chính bà Tư Duy Liên đã có ý kiến điều chuyển chị Năm Tuyết từ vị trí cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định phụ trách tuyên truyền của quận 5 về làm việc ở Báo Phụ nữ Sài Gòn cuối năm 1975. Về báo, chị làm mọi việc từ phóng viên, sửa mo-rát, đánh máy, tổ trưởng phóng viên trước khi được đề bạt làm phó tổng biên tập.

Với ai chị cũng giữ một thái độ khiêm tốn: tụi tôi là dân học báo, làm báo không chính quy. Giờ mới được làm việc trong một tòa soạn báo, tuy chưa hiện đại nhưng có chỗ đàng hoàng để viết bài, biên tập bài, làm ma-két và đưa đi nhà in theo giờ giấc để phát hành ra sạp theo định kỳ. Bên cạnh những nguyên tắc cơ bản, tụi tôi phải học lại cách làm báo, phải học cách viết tươi mát, sinh động từ chính các em phóng viên trẻ.

Đi đâu nghe nói có lớp bồi dưỡng phóng viên ngắn ngày hoặc dài hạn, chị đều báo cáo với tổng biên tập để sắp xếp cử phóng viên tham dự. Lớp bồi dưỡng phóng viên một tuần lễ đầu năm 1976 ở số 58E Đồng Khởi, quận 1 do Phó ban Tuyên huấn Thành ủy Võ Nhơn Lý phụ trách có các bạn Bạch Mai, Ngọc Tuyết, Thế Thanh, Thiều Nguyễn (Báo Phụ Nữ) học cùng với Đàm Thanh, Đĩnh Chi, Minh Triết (Báo Sài Gòn Giải Phóng) là một trong các cơ hội như vậy.

Chị cũng là người được phân công tiếp nhận các học viên báo chí từ lớp đào tạo của Thông tấn xã tại TPHCM: Bạch Tuyết, Kim Loan, Hồng Điệp; các bạn tốt nghiệp báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương: Hồng Vân, Phương Thanh về làm việc ở Báo Phụ Nữ trong những năm trước 1986. Làm việc buổi đầu với các phóng viên trẻ, chị Năm Tuyết chỉ nói: bây giờ cơ quan người trẻ nhiều hơn người già. Chị Phương Điền và tụi tôi đang già, sẽ già, không ở hoài đây được. Tụi tôi luôn nghĩ và luôn tin tờ báo có hay hơn không, có sống với nhau tốt hơn không là do các em quyết định phần lớn. 

Có lẽ chị Năm Tuyết đã đúng khi thay mặt ban biên tập nói những tâm sự ấy với phóng viên trẻ. Một tờ báo có những phóng viên tận tụy, những cây bút tốt là điều rất quan trọng để báo ngày càng hay hơn. Nhưng điều quan trọng không kém còn là ở tờ báo ấy mọi người sống với nhau như thế nào. Có biết gạt đi những kèn cựa, có sự cảm thông, quan tâm, tình thương với nhau hay không để mà giữ gìn, phát huy truyền thống, lịch sử của tờ báo không chỉ cho một giai đoạn, một thế hệ.

Cái cách chị Năm tuy tuổi tác đã lớn vẫn cố gắng giữ mối liên hệ với anh chị em cựu thành viên Báo Phụ Nữ những năm qua, cách chị tham dự các buổi họp mặt, cách chị thông tin tình hình sức khỏe và cuộc sống để nhắc mọi người đi thăm dì Mười Mai những năm cuối đời… cho thấy chị Năm xem tình cảm là một giá trị cần gìn giữ.

Và có thể vì vậy mà nhớ chị Năm Tuyết là nhớ một người dù sự việc có nghiêm trọng đến thế nào thì vẫn tìm được cách để xử sự không gây tổn thương nhau. Có thể đó cũng là một phẩm cách nên có của một người làm nghề báo là nghề tiếp cận con người, lắng nghe con người và hỗ trợ con người sống tốt hơn bằng thông tin? 

Nguyễn Thế Thanh

Nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM

Chia buồn

Được tin: Cụ bà Nguyễn Thị Tuyết - sinh năm 1934, nguyên Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - do tuổi cao sức yếu đã từ trần lúc 13g40 ngày 10/4/2023, tức ngày 20/2 nhuận năm Quý Mão, hưởng thọ 90 tuổi.

Tang lễ được tổ chức tại tư gia, 219/28/32 Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM.

Lễ động quan diễn ra lúc 6g ngày 13/4/2023, nhằm ngày 23/2 nhuận năm Quý Mão. Linh cữu được đưa đi an táng tại quê nhà, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Chi ủy - Ban Biên tập, cùng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Phụ nữ TPHCM vô cùng thương tiếc và xin thành kính chia buồn cùng gia đình.

 Báo Phụ nữ TPHCM

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI