Nhiều thương hiệu nông sản Việt bị đánh cắp

01/11/2018 - 15:30

PNO - Nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột... là những thương hiệu nông sản của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài.

Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đứng top đầu thế giới trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp (DN), tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho nông dân và cũng như nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, trên toàn quốc có hơn 800 sản phẩm nông lâm thủy sản có uy tín nhưng đến nay chỉ có 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận  nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập bảo  hộ quyền SHTT và chỉ một số ít đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, chè Thái Nguyên, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò rèn ở Tiền Giang...

“Do chưa quan tâm đúng mức bảo hộ quyền SHTT nên một số thương hiệu của Việt Nam bị lạm dụng và chiếm đoạt ở nước ngoài, phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê thuột...”, bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cảnh báo.

Nhieu thuong hieu nong san Viet bi danh cap
Đặc sản nước mắm Phú Quốc là một trong những thương hiệu bị đánh cắp ở nước ngoài

Đáng nói, hiện có không ít sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã được Nhà nước bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác nên phải xuất khẩu thông qua các thương hiệu nước ngoài dẫn đến bất lợi lớn trong cạnh tranh.

Ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc công ty CP Phúc Sinh, cho biết: “Công ty  CP Phúc Sinh xuất khẩu hạt tiêu, cà phê, điều, quế, ớt, hồi… với kim ngạch xuất khẩu trung bình 250 – 300 triệu USD/năm, nhưng chúng tôi cũng đã từng bị đơn vị khác ăn cắp thương hiệu và phải mất 5 năm mới đòi lại được thương hiệu cho mình”.

Theo ông Thông, kể cả tại thị trường trong nước vào cuối 2015 đầu 20116, công ty Phúc Sinh đưa sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào siêu thị với nhãn hiệu K - Coffeee, sau khi sản phẩm bán chạy trên thị trường thì ngay lập tức tại siêu thị lại có sản phẩm nhái mặc dù công ty đã đăng ký SHTT cho sản phẩm.

Để bảo hộ và phát triên thương hiệu cho nông sản Việt, theo GS Võ Tòng Xuân – Hiệu Trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, phải xây dựng mối liên hệ gắn kết bốn nhà, gồm: nhà nông, DN, nhà khoa học và nhà quản lý. Trong đó, DN đóng vai trò số một vì muốn tác động nông dân trồng cho tốt thì phải có DN và DN này phải có thị trường “đầu ra” chắc chắn.

“Hiện nay, mối hợp tác “4 nhà” trong ngành nông nghiệp không thành công nhiều là do bị hổng khâu DN. Do DN không có “đầu ra” chắc chắn, đợi khi nào có người mua, lúc đó mới kêu thương lái đi gom hàng từ nông dân. Vậy với liên kết “4 nhà này”, khi DN có thị trường ổn định thì sẽ bàn với nông dân về diện tích, sản lượng, cách thức... làm sao để đáp ứng đúng với yêu cầu khách hàng của DN.

Nếu nông dân làm đúng quy trình theo yêu cầu của DN, khi đó nông dân có lời, DN có lời, đóng góp ngân sách địa phương. Như vậy, không chỉ giữ được SHTT của giống cây trồng và hợp tác “4 nhà” còn để tạo ra chuỗi giá trị”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đăng ký bảo hộ SHTT cho sản phẩm  nông sản Việt Nam là hết sức cần thiết ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI