Nhật Bản: Giáo viên diễn tập khống chế tội phạm để ứng phó với bạo lực học đường

14/05/2022 - 15:33

PNO - Tuy ít xảy ra các vụ tội phạm bạo lực hơn so với các nước phát triển khác, nhưng trong 2 thập niên qua, Nhật Bản đã trải qua một số vụ tấn công nhắm vào các trường học và học sinh, khiến cho các cơ quan quản lý giáo dục phải thường xuyên triển khai các chương trình diễn tập khống chế tội phạm cho giáo viên.

Trái ngược với Mỹ, nơi bạo lực súng đạn là mối quan tâm của mọi trường học, các vụ tấn công nhắm vào các trường học ở Nhật chủ yếu liên quan đến dao, một phần do luật vũ khí nghiêm ngặt của nước này. Nổi bật trong số các vụ bạo lực học đường ở Nhật là vụ án ở Ikeda, ngoại ô thành phố Osaka vào năm 2001, khi 8 học sinh đã mất mạng vì bị một người đàn ông có tiền sử bệnh tâm thần tấn công.

Trẻ em đến một trường tiểu học ở Kawasaki với cha mẹ của chúng không lâu sau khi một kẻ đột nhập cầm dao tấn công ở đó. Một trong những người bảo vệ mang theo một cây trượng.
Trẻ em một trường tiểu học ở Kawasaki được cha mẹ đưa đến trường sau khi một kẻ đột nhập cầm dao tấn công ở đó. Một trong những người bảo vệ mang theo một cây trượng.

Vào năm 2021, một đồn cảnh sát nhỏ gọi là kōban đã được mở ra trong khuôn viên của Trường Tiểu học Sakura ở Osaka, và được cho là cơ sở giáo dục đầu tiên làm điều này. Hội đồng giáo dục địa phương cho biết họ muốn cơ sở này trở thành “trường học an toàn nhất ở Nhật”.Trước những mối đe dọa này, các cơ quan quản lý giáo dục ở nhiều địa phương trên khắp nước Nhật đã thực hiện một loạt các chương trình ứng phó với bạo lực ở các trường tiểu học. Theo đó, cổng trường thường được khóa chặt trong giờ học. Nhân viên an ninh thường có mặt trong những giờ học sinh đến trường và tan học.

Trong những năm qua, nhiều người dân Nhật, trong đó có phụ huynh và các tình nguyện viên khác của cộng đồng địa phương, cũng tham gia vào việc kiểm soát an ninh tại các trường học.

Tính đến năm 2018, gần 98% số trường học ở Nhật đã thực hiện một số biện pháp an ninh.

“Các trường ở Nhật thật sự đang phải phản ứng phòng vệ như vậy”, Kenji Ino - một quan chức của Bộ Giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ Nhật Bản (MEXT) - chia sẻ.

Đáng chú ý nhất trong số các biện pháp an ninh mà các trường học ở Nhật đang thực hiện là các cuộc diễn tập ứng phó với tội phạm. Trong các cuộc tấn công giả lập được dàn dựng “y như thật” này, toàn bộ nhân viên của trường phải thực hành các kỹ năng khống chế những kẻ tấn công, trong đó có cả việc sử dụng một loạt các loại vũ khí ấn tượng.

Hiroshi Igushi, hiệu trưởng trường tiểu học Kamiyama ở Ichinomiya, Nhật Bản trình diễn việc sử dụng sasumata
Hiroshi Igushi, Hiệu trưởng trường tiểu học Kamiyama ở Ichinomiya, Nhật Bản trình diễn việc sử dụng sasumata

Mỗi trường có thể trang bị các loại vũ khí khác nhau, nhưng có đến 97% số trường học ở Nhật dùng sasumata -  một dụng cụ giống cái khiên dùng để bắt người thời Trung cổ, có 2 mũi nhọn và cong, nhưng không gây sát thương - để huấn luyện cho giáo viên. “Kho” vũ khí của trường còn có những thanh gỗ, lưới, còi, dây rút, chất kích thích hóa học, súng gây choáng và hơi cay.

“Tất cả nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi bạo lực, và thuyết phục hung thủ bỏ đi”, Văn phòng Nghiên cứu giảm thiểu tai nạn thuộc MEXT cho biết.

Các cuộc diễn tập trấn áp tội phạm học đường ở Nhật thường diễn ra vào một ngày được chỉ định hàng năm. Trong đó, một sĩ quan cảnh sát địa phương sẽ thực hiện vai trò của người huấn luyện. Người này sẽ cải trang như một kẻ tấn công bằng dao và thâm nhập vào trường học. Các giáo viên và nhân viên trong trường thường được chia thành hai đội - “đội vây bắt” và “đội cứu giải” - để khống chế hung thủ.

Các cuộc diễn tập như trên đã phát huy hiệu quả. Trên thực tế trong những năm gần đây, nước Nhật đã chứng kiến ​​một số vụ tấn công học đường, trong đó những kẻ xâm nhập tuy được trang bị vũ khí nhưng đã bị các giáo viên khuất phục thành công, bằng cách sử dụng sasumata và một số dụng cụ trấn áp tội phạm khác.

Nhất Nguyên (theo News on Japan)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI