Nhập viện cấp cứu mới biết mình tiền sử dị ứng thuốc

18/09/2022 - 06:55

PNO - Mỗi tháng, Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ghi nhận từ 20-30 trường hợp dị ứng thuốc. Điều đáng nói, nhiều người từng có dấu hiệu dị ứng thuốc vài lần trước đó nhưng lại chủ quan bỏ qua. Đến khi tự ý mua thuốc uống tiếp và xuất hiện triệu chứng trầm trọng, phải đi cấp cứu, họ mới biết được nguyên nhân thực sự.

Dị ứng kháng sinh và giảm đau

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thiên Tài - Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược - cho biết thời gian gần đây, đơn vị liên tiếp ghi nhận các ca dị ứng thuốc, chủ yếu dị ứng thuốc kháng sinh, kháng viêm và giảm đau. 

Bác sĩ Trần Thiên Tài đang khám cho một trường hợp dị ứng thuốc - ẢNH: T.H.
Bác sĩ Trần Thiên Tài đang khám cho một trường hợp dị ứng thuốc - Ảnh: T.H.

Cụ thể, ngày 12/9, nữ bệnh nhân N.P.K. (28 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) đến khám trong tình trạng mi mắt, môi sưng to. Sau khi hỏi bệnh sử, bác sĩ biết được bệnh nhân đang bị viêm họng, tối hôm trước đã tự mua thuốc uống. Điều đáng nói, những loại thuốc bệnh nhân đưa cho bác sĩ xem không hề có nhãn mác mà là những viên con nhộng màu xanh, đỏ được chia vào từng bịch ni-lông. Sau khi xem qua, bác sĩ đoán đó là thuốc kháng sinh, kháng viêm. Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị ứng thuốc. 

Chị K. kể với bác sĩ đây không phải lần đầu chị bị sưng môi và mi mắt như vậy. Trước đó, chị cũng từng bị tương tự vài lần nhưng nhẹ hơn và các triệu chứng tự khỏi nên chị cho rằng không quá nghiêm trọng. Không ngờ lần này, chỉ sau một đêm mà mắt và môi sưng húp nên chị đành đi khám. Nếu bác sĩ không chẩn đoán dị ứng thuốc, chị K. còn tưởng mình bị một loại côn trùng nào đó chích hoặc cắn lúc đang ngủ. Bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân lập tức ngưng sử dụng loại thuốc điều trị viêm họng đang uống, đồng thời kê cho chị thuốc kháng histamine.

Ngoài ra, bác sĩ khuyên chị K. đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng để được bác sĩ chỉ định thuốc điều trị viêm họng phù hợp thay thế loại thuốc vừa dùng.

Trường hợp khác là ông P.Đ.T. (56 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) nhập Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cấp cứu trong tình trạng nổi mề đay toàn thân, khó thở, tụt huyết áp và ngất. Các xét nghiệm cho thấy men gan của bệnh nhân tăng cao gấp nhiều lần, gan và thận suy cấp tính. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc phản vệ. Sau khi được xử trí cấp cứu ban đầu, ông T. đã qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân kể mình bị tiểu rắt, tiểu buốt. Vì ngại đi khám, ông đã ra nhà thuốc “khai bệnh” và mua thuốc tự điều trị. Người bán thuốc bảo ông bị viêm tiết niệu, bán cho ông bảy ngày thuốc, chia vào bảy bịch ni-lông nhỏ gồm nhiều viên khác nhau.

Ông T. về uống thuốc đến hết ngày thứ bảy mới xuất hiện dấu hiệu bất thường. Ban đầu chỉ là mẩn ngứa nhẹ, sau đó tình trạng diễn tiến rất nhanh. Bệnh nhân bị nổi mề đay toàn thân, khó thở và choáng tới mức ngất đi nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Tài đã phối hợp để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Theo bác sĩ, đây là một thể dị ứng thuốc muộn. Tuy nhiên, do bệnh nhân không biết chính xác loại thuốc mình uống là gì nên việc phòng tránh vô cùng khó khăn. Trước mắt, tính mạng của bệnh nhân đã được cứu nhưng nguy cơ bị dị ứng thuốc lặp lại rất cao.

“Không phải lần dị ứng thuốc nào bệnh nhân cũng may mắn được cứu chữa kịp thời bởi những lần sau thường có xu hướng phản ứng nặng, trầm trọng hơn lần trước” - bác sĩ Tài nói.

Dị ứng thuốc thể nhanh và thể chậm

Độ tuổi các bệnh nhân bị dị ứng với thuốc được bác sĩ Tài ghi nhận vô cùng đa dạng: có cả người trẻ, người cao tuổi, thậm chí trẻ em. Nhóm bệnh nhân bị dị ứng với thuốc kháng sinh và giảm đau chiếm đa số. Ngoài ra, bác sĩ còn ghi nhận các trường hợp dị ứng với thuốc điều trị đau khớp và thuốc Bắc. 

Dị ứng với thuốc được chia thành thể nhanh và thể chậm. Đối với thể nhanh, bệnh nhân lập tức có phản ứng sau khi uống thuốc từ 10-30 phút. Ở thể phản ứng chậm, triệu chứng có thể xuất hiện từ 7-10 ngày kể từ khi sử dụng thuốc. 

Các triệu chứng dị ứng thuốc có thể từ nhẹ tới nặng tùy cơ địa mỗi người. Nếu dị ứng thuốc nhẹ, bệnh nhân chỉ cảm thấy ngứa, nổi mề đay. Đôi khi phản ứng thoáng qua đến mức bệnh nhân không để ý hoặc trùng lắp, dễ nhầm lẫn với các nguyên nhân khác. Các triệu chứng dị ứng thuốc nặng cần lưu ý là sưng đỏ, nổi mề đay toàn thân, khó thở, vùng da nổi ban tổn thương nặng với những bóng nước như bị phỏng và lột ra. Tiếp đến là những tổn thương cấp tính ở các cơ quan nội tạng như gan và thận, thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời. 

Hội chứng Lyell 

Đây là dạng nhiễm độc nặng do dị ứng thuốc, một thể dị ứng chậm. Bệnh nhân bắt đầu xuất hiện ban đỏ sau khi uống thuốc vài giờ, thậm chí vài ngày.

Các tổn thương trên da sẽ diễn tiến nhanh chóng, những mảng ban đỏ liên kết lại với nhau rồi xuất hiện các bóng nước như bị phỏng khắp toàn thân. Khi các bóng nước vỡ ra, da của bệnh nhân như bị lột. Người bệnh bị mất nước, khô môi, sốt, men gan tăng cao, suy gan và thận, thậm chí hôn mê.

Người bị hội chứng Lyell có nguy cơ tử vong rất cao bởi bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng.

Qua đó, bác sĩ Tài khuyến cáo người dân, không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh mà chưa được bác sĩ chỉ định và kê toa. Nếu bản thân từng bị dị ứng sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó thì cần ghi chú lại và nói cho bác sĩ biết để được kê loại thuốc khác thay thế.

Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào phải lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Tài đã ghi nhận không ít trường hợp bị dị ứng thuốc nhưng cố gắng chịu đựng bởi nghĩ mình có thể tự khỏi. Tới khi tình trạng trở nặng, đe dọa tính mạng, người bệnh mới tới bệnh viện cấp cứu khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, dù qua khỏi nhưng bệnh nhân vẫn phải đối diện nhiều di chứng về sau.

Đối với những ca nghi ngờ dị ứng thuốc, khi tới khám tại Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân sẽ được cho làm xét nghiệm dị ứng để xác định loại thuốc gây dị ứng. Có nhiều cách để xác định nguyên nhân gây dị ứng. Chẳng hạn phương pháp test lấy da có thể xác định 40 loại dị nguyên khác nhau bao gồm các loại thực phẩm, bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông súc vật… Phương pháp này có độ chính xác cao, an toàn và cho kết quả nhanh chóng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân dị ứng còn có thể được xét nghiệm định lượng IgE đặc hiệu trong máu với các tác nhân dị ứng khác nhau. Với hai phương pháp trên, các bác sĩ có thể tìm ra những nguyên nhân gây dị ứng cho bệnh nhân mà đôi khi chính người bệnh không thể nhận biết.

Tóm lại, khi điều trị dị ứng, cách tốt nhất là tìm được yếu tố dị nguyên để có thể cắt ngay tác nhân gây dị ứng mà bệnh nhân đang tiếp xúc, từ đó bệnh nhân có thể phòng tránh. Sau đó, tùy theo mức độ dị ứng, bác sĩ sẽ có những chỉ định cần thiết (cho bệnh nhân dùng thuốc kháng histamine, corticoid đường uống hoặc thoa tại chỗ, các sản phẩm dưỡng ẩm cho da để giảm triệu chứng ngứa rát, kích thích…).

Nếu bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ sẽ được hướng dẫn mang theo thuốc adrenaline bên người nhằm kịp thời sử dụng trong tình huống khẩn cấp khi có phản ứng dị ứng xảy ra. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI