Nhân viên y tế kiệt sức giữa đại dịch COVID-19

17/01/2021 - 06:00

PNO - Gần một nửa nhân viên làm việc trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Anh, Mỹ trong đại dịch COVID-19 bị rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng sau chấn thương nghiêm trọng (PTSD), với một số báo cáo cho rằng họ “thà chết còn hơn”.

Hiện tại, số người mắc COVID-19 ở Anh nhiều hơn 50% so với cao điểm tháng 4/2020, nhấn mạnh áp lực mà các nhân viên y tế đang đối mặt - Ảnh: Getty Images
Hiện tại, số người mắc COVID-19 ở Anh nhiều hơn 50% so với cao điểm tháng 4/2020, nhấn mạnh áp lực mà các nhân viên y tế đang đối mặt - Ảnh: Getty Images

Áp lực tâm lý

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sức khỏe Nghề nghiệp hôm 13/1, nhiều y tá và bác sĩ ICU ở Anh đạt ngưỡng lâm sàng đối với PTSD. Đáng lo ngại nhất, các nhà nghiên cứu cho biết, hơn 1/8 trong số những người tham gia khảo sát cho biết, họ thường xuyên có ý định tự làm hại bản thân hoặc tự tử trong hai tuần trước đó.

Nhóm tác giả cho biết, tình trạng sức khỏe tâm thần kém đến mức báo động của các nhân viên ICU chăm sóc bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng có khả năng làm giảm khả năng làm việc hiệu quả và gây tổn hại đến chất lượng cuộc sống của họ. Đáng quan ngại, khảo sát trên được thực hiện vào tháng 6 và tháng 7/2020, khi số bệnh nhân còn tương đối ít so với hiện nay,  khi quốc gia bắt đầu trải qua đợt gia tăng ca nhiễm mới.

Đến nay, hơn 81.000 người đã chết vì COVID-19 ở Anh, cao thứ năm thế giới. Hơn 3 triệu người ở Anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính và các bệnh viện, khu chăm sóc đặc biệt đang quá tải.
Neil Greenberg - giáo sư Viện Tâm thần tại Đại học King’s College London, người đồng dẫn đầu nghiên cứu - nhận xét: “Tỷ lệ tử vong cao trong số bệnh nhân nhập viện cùng với khó khăn trong giao tiếp và cung cấp đầy đủ cuối đời cho bệnh nhân... rất có thể là những yếu tố gây căng thẳng cho tất cả nhân viên làm việc trong ICU”.

Howard Catton - Giám đốc điều hành Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (trụ sở tại Thụy Sĩ) - cho biết: “Các triệu chứng căng thẳng và lo lắng được báo cáo ở 80-90% nhân viên ICU, bi kịch nhất là một số vụ tự tử. Hiện nay, đã có 2.262 y tá đã chết ở 59 quốc gia trên thế giới. Đây là một hiện tượng toàn cầu dẫn đến cái mà chúng tôi gọi là chấn thương hàng loạt đối với lực lượng y tá, điều dưỡng”.

Thời khắc đen tối

Mỹ đang gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch và các nhân viên y tế của nước này từng giây, từng phút đối diện với rất nhiều áp lực. Họ cho rằng, đây là những ngày đen tối đối với các bác sĩ, y tá và lực lượng kỹ thuật viên y tế khẩn cấp (EMT). Không chỉ vậy, giữa sự kiệt quệ và đau khổ trong nhiều tuần qua là nỗi sợ rằng vài tuần tới sẽ còn thảm khốc hơn. Một đợt lây nhiễm COVID-19 khác đang bắt đầu và chưa biết các bệnh viện sẽ phải đối mặt với điều đó như thế nào.

Y tá Marcia Santini tại Bệnh viện Ronald Reagan UCLA cho biết: “Chúng tôi không né tránh công việc cũng như tránh việc chăm sóc bệnh nhân. Nhưng điều chúng tôi không muốn là làm việc trong một môi trường không an toàn”. Y tá Jun Jai từ Trung tâm Y tế LAC+USC miêu tả: “Tất cả y tá đều kiệt sức. Mỗi ngày, bạn đều làm việc không ngừng từ sáng đến tối. Bạn có thể thấy rất nhiều y tá bị trầm cảm”. 

Chanel Rosecrans - y tá trẻ vừa vào làm việc tại ICU của một cơ sở y tế ở thung lũng San Gabriel, Nam California, Mỹ - thổ lộ: “Tôi cảm thấy mình như quả bom hẹn giờ. Tôi không muốn ngồi và chờ đợi bệnh nhân qua đời, cảm giác như tất cả họ đều đang phải chịu đựng. Điều đó thật sự khó chấp nhận. Trước khi làm việc, tôi cầu nguyện cho đến khi bật khóc, rằng xin đừng để bất kỳ ai qua đời trong ca trực của mình”.

Tính đến ngày 13/1, bang California đã ghi nhận 2,84 triệu ca nhiễm COVID-19, với hơn 31.000 trường hợp tử vong. Con số không ngừng tăng lên khi Mỹ tiếp tục là quốc gia có số người nhiễm (23 triệu ca) và chết (384.000 ca) do COVID-19 cao nhất thế giới. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, Guardian, LA Times, NPR)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI