Nhận diện để xóa bỏ định kiến giới

08/03/2023 - 06:14

PNO - Để có bình đẳng giới, mỗi cá nhân phải nhận diện định kiến đang cản trở phụ nữ và lên tiếng, đấu tranh xóa bỏ nó.

Những năm đầu hôn nhân, mỗi dịp đặc biệt như 8/3, bạn tôi đều mua bó hoa to tặng vợ, nhưng không tự trao mà nhờ bạn, em hoặc dịch vụ giao hàng gửi đến. Ai cũng biết, anh làm thế vì ngại, sĩ diện, mắc cỡ. Mãi đến năm thứ năm, anh mới thay đổi và lý giải, những vất vả của vợ khi chăm sóc chồng con, phấn đấu trong sự nghiệp khiến anh nể phục. 

Kỳ thực, mọi nỗ lực của nữ giới không hẳn là để được ai tưởng thưởng. Nhưng sự ghi nhận và thể hiện bằng hành động như bạn tôi là đáng trân trọng và cần thiết bởi nó mang lại cảm xúc tích cực và thêm một kỷ niệm giữa 2 người. 

Là phụ nữ, tôi mong mình được tặng hoa nhân ngày của giới nữ do mình là phụ nữ chứ không phải do mình là sếp, là vợ hay do có thành tích nào đó. Tôi cũng mong việc tặng hoa, quà trong những dịp đặc biệt như ngày 8/3 sẽ trở thành thói quen, nếp sống, ứng xử ga lăng, văn minh giữa 2 giới, rộng hơn là giữa con người với con người: nam tặng cho nữ, nữ tặng cho nam, đứa trẻ tặng cụ già, phụ nữ tặng nhau, người xa lạ trao tặng cho nữ công nhân đang quét đường… 

Khi đó, dịp đặc biệt này trở thành mùa của tình thương, để lan tỏa yêu thương, nhắc về giá trị của sự gắn kết, yêu thương, của hành vi đẹp. Khi đó, ngày kỷ niệm chỉ còn là “nguyên cớ” để ta nhắc nhớ, để cùng ôn lại một chặng dài cuộc đấu tranh vì nữ quyền với những nhọc nhằn và thành tựu mà không ai được phép quên. 
Nữ quyền, bình đẳng giới không nên là diễn ngôn sáo rỗng. Nó phải xuất phát từ thực tế đời sống và phải có những hành động cụ thể để có bình đẳng giới thực sự. 

Trên thực tế, định kiến giới, rào cản giới còn đầy rẫy, còn làm khổ chị em và không khó để nhận diện điều đó quanh mình.

Một khảo sát do Tổ chức Lao động thế giới tại Việt Nam thực hiện tháng 5/2021 ghi lại một tâm sự: “Tôi đã quyết định nghỉ việc vì con tôi bị ốm. Chồng tôi không tin tưởng giao con cho ai chăm sóc. Mẹ tôi cũng mắc bệnh. Tôi không còn lựa chọn nào khác”. Nghiên cứu Tác động của dịch COVID-19 đến công nhân ngành dệt may và da giày Việt Nam do Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tiến hành năm 2020 cũng ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ bị quấy rối tình dục, ức hiếp ở nơi làm việc.

Bên cạnh Hiến pháp, Việt Nam còn có Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, các chương trình và kế hoạch nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của nữ giới, tạo điều kiện cho nữ giới phát triển, khẳng định mình, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định 622 ngày 10/5/2017 cũng xác định: trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững nhằm thay đổi tiến trình của thế kỷ XXI và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực.

Do vậy, để có bình đẳng giới, mỗi cá nhân phải nhận diện định kiến đang cản trở phụ nữ và lên tiếng, đấu tranh xóa bỏ nó. Trong hành trình đi đến tiến bộ, dân chủ, bình đẳng… đòi hỏi sự ý thức về trách nhiệm, vai trò, sự nhập cuộc của nam giới.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI