Nhạc Trịnh 'về'

01/04/2019 - 06:32

PNO - Như một thói quen, với những khán giả yêu nhạc Trịnh, mùa này - tháng Ba, tháng Tư hàng năm, họ sẽ được thưởng thức những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở nhiều thể nghiệm khác nhau.

Đồng Lan với album jazz Này em có nhớ

Ngày 1/4, album jazz Đồng Lan hát nhạc Trịnh Công Sơn có tên Này em có nhớ sẽ ra mắt khán giả. Album bao gồm các ca khúc lời Việt được chuyển toàn bộ sang tiếng Pháp. Ca sĩ Đồng Lan cho biết để dịch sang tiếng Pháp được chuẩn xác nhưng vẫn "mềm" câu chữ, ý tứ cô phải làm việc một thời gian dài với một nhà thơ người Pháp yêu văn hoá Việt Nam và hiểu nhạc Trịnh. Cả hai đã mất khoảng 5 năm để có những bản chốt cuối cùng. Trong đó, ca khúc Để gió cuốn đi mất 4 năm để thực hiện việc chuyển lời.

Nhac Trinh 've'
Đồng Lan hát nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp.

Toàn bộ phần thu âm được Đồng Lan thực hiện tại Pháp. Sau khó khăn về việc chuyển lời thì thu âm nhạc Trịnh theo phong cách jazz là thử thách tiếp theo cô phải đối mặt khi thực hiện Này em có nhớ.

Sau ngày 1/4 khi album ra mắt, phiên bản đĩa than (sản xuất tại Mỹ) sẽ chính thức ra mắt vào giữa tháng 6/2019.

Giang Trang ‘tái sinh’ Lênh đênh nhớ phố

CD Lênh đênh nhớ phố là sản phẩm phòng thu đầu tiên, mở ra một hành trình dài 7 năm thử nghiệm âm nhạc Trịnh Công Sơn của giọng ca Giang Trang. Ở lần tái sinh này, Lênh đênh nhớ phố xuất hiện trong hình thức khác – phiên bản đĩa than.

Nhac Trinh 've'
Giang Trang quay lại với Lênh đênh nhớ phố ở phiên bản đĩa than.

Lênh đênh nhớ phố bao gồm 9 ca khúc và 1 bản hoà tấu: Đời cho ta thế, Mưa hồng, Tuổi đá buồn, Lời thiên thu gọi, Vườn xưa, Như tiếng thở dài, Rừng xưa đã khép, Góp lá mùa xuân, Ru đời đi nhé. Tất cả đều tìm về hình thức thể hiện nguyên sơ, mộc mạc, tinh khôi nhất với tiếng vỹ cầm của Anh Tú, tiếng guitar của Anh Hoàng.

Sau 7 năm thử nghiệm nhạc Trịnh ở các hình thức khác nhau, với Giang Trang, âm nhạc của Trịnh luôn có những khoảng trống để tìm tòi và khi cô hát cũng “chừa” ra nhiều khoảng trống để người nghe khám phá vẻ đẹp của sự tĩnh lặng.

Đức Tuấn và Dã tràng ca, Đoá hoa vô thường

Trong danh mục hơn 600 tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác, Dã tràng ca là một sáng tác ít được công chúng biết đến dù bản nhạc đã được công bố từ lâu. Trong mùa nhạc Trịnh này, ca sĩ Đức Tuấn chọn Dã tràng ca để thực hiện bản ghi âm mới, như một món quà gửi đến cộng đồng những người yêu mến âm nhạc của cố nhạc sĩ.

Dã tràng ca qua sự thể hiện của Đức Tuấn:

Ở bản gốc, Dã tràng ca dài hơn 20 phút. Tuy nhiên, với bản ghi mới, Đức Tuấn cùng nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đã soạn lại tác phẩm với thời lượng gần 12 phút và thổi vào đó hơi thở của âm nhạc đương đại.

Dã tràng ca được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trong những năm học tại trường Sư phạm Quy Nhơn, Bình Định. Trong một dịp diễn văn nghệ được nhà trường yêu cầu sáng tác, Trịnh Công Sơn đã thực hiện Dã tràng ca với tên ban đầu là Tiếng hát dã tràng gồm 2 phần với 13 đoản khúc có tựa đề riêng, xoay quanh thân phận con người. 

Ngoài Dã tràng ca, dịp này Đức Tuấn cũng ra mắt single Đoá hoa vô thường. Ca khúc ra đời từ những suy niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về thiền: “Tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời, và từ cuộc đời trở về lại với hư vô”. Đức Tuấn và nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đã sử dụng phong cách neo-classical cho bản hòa âm Đoá hoa vô thường, một phong cách rất thịnh hành trong dòng nhạc cổ điển giao thoa cũng như cách mà một số ca sĩ nhạc cổ điển trình bày các tác phẩm nhạc pop, hoặc ngược lại.

Trên cái nền cổ điển, nhiều sáng tạo mới mẻ và sự pha trộn nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, đôi khi hơi nghịch tai, nhưng đem lại một hiệu ứng mới mẻ, khác lạ cho ca khúc. Bên cạnh bản thu âm lần này còn có lời tựa của Thiền sư Thích Minh Niệm – tác giả cuốn Hiểu về trái tim, cũng là một dẫn giải về ca khúc: “Đóa hoa nào rồi cũng tàn phai theo lẽ vô thường của trời đất. Em cũng vậy. Em cũng vô thường. Hình hài, ý niệm, cảm xúc, vết thương, và cả linh hồn của em nữa, đâu có cái gì là giữ nguyên một trạng thái cố định ở trong trời đất này đâu. Và chính tôi cũng vậy, cái thấy của tôi về em, cũng không thể nào là bất di bất dịch. Nhưng mà, đóa hoa vô thường thì nó sẽ tái sinh, làm thân, làm lá, làm nụ cho kiếp mới…”

Rapper Hà Lê và Trịnh Contemporary 

Không chỉ là dự án âm nhạc, rapper Hà Lê còn thực hiện nhiều sản phẩm nghệ thuật khác dựa trên nền tảng âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gồm: điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh... Đây là một dự án dài hơi được Hà Lê ấp ủ từ lâu.

Gần nhất, trong tháng 9 tới, album Trịnh Contemparary sẽ ra mắt và một vở nhạc kịch dự kiến được tung ra vào cuối năm. Còn hiện tại, Hà Lê sẽ kết hợp với Bùi Lan Hương và nghệ sĩ đàn bầu Quang Hưng ra mắt MV Mưa hồng.

Nhac Trinh 've'
Rapper Hà Lê thử thách bản thân khi làm mới nhạc Trịnh.

Sự thể nghiệm của Hà Lê với nhạc Trịnh nhận lại nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có việc cho rằng anh đang “phá” âm nhạc mà nhiều người yêu thích. Về phía Hà Lê, nam rapper khẳng định anh muốn cùng anh em của mình làm mới, lan tỏa cảm hứng đương đại trong sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn ở vai trò là người kết nối thông qua những cách biểu đạt khác nhau...

Tấn Sơn với MV Dấu chân địa đàng

MV Dấu chân địa đàng được Tấn Sơn lấy ý tưởng câu chuyện vườn địa đàng với tình yêu thiên nhiên, con người, tình yêu âm nhạc đặt chung trong một bối cảnh. Một khu vườn thơ mộng với khung cảnh nguyên sơ nhưng đậm chất tình được dựng tại một khu rừng ven thành phố Đà Lạt. Với MV Dấu chân địa đàng, ca sĩ Tấn Sơn cho biết muốn mọi người hiểu thêm về âm nhạc đầy chất hội họa và điện ảnh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

MV Dấu chân địa đàng:

 

Tấn Sơn là giọng ca đã gắn bó với nhạc Trịnh gần 20 năm. Anh đã phát hành 2 album nhạc Trịnh gồm Trịnh Công Sơn ru  Trịnh Công Sơn phố

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI