Nhạc sĩ Phú Quang: Người chọn thanh âm của cõi sáng

10/12/2021 - 08:07

PNO - Người nhạc sĩ dùng thanh âm để vẽ lên cả một phần hồn Hà Nội, đã rời khỏi trần gian, vào một ngày mùa đông...

Trước khi mất, nhạc sĩ Phú Quang đã để lại dòng trạng thái cuối cùng: “Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại” cùng tấm poster đêm nhạc Trong ánh chớp số phận với hình ảnh ông cúi đầu chào khán giả trong vùng ánh sáng vừa rực rỡ vừa cô độc của “người mang thập giá nghệ thuật” - theo cách nói của ông. Người nhạc sĩ dùng thanh âm để vẽ lên cả một phần hồn Hà Nội, đã rời khỏi trần gian, vào một ngày mùa đông...

Có thể nói, nhạc Phú Quang khiến mùa thu Hà Nội trở nên diễm lệ, u hoài, ám ảnh hơn, và khiến mùa đông Hà Nội thêm rét căm căm trong lòng người. Mấy ai từng đi qua thương nhớ, đi qua tuổi trẻ, đi qua những thu đông sương giăng, rét mướt nơi kinh kỳ xứ Bắc, mà quên được những thanh âm của Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Đâu phải bởi mùa thu… Tao nhã, tinh tế, chắt lọc, nặng tính suy tưởng, hoài niệm, day dứt... là những đặc trưng rõ nét của hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang.

Tất nhiên, không một nhạc sĩ nào là toàn vẹn và hoàn hảo trong sự khen chê của dư luận, vẫn luôn có những nhận xét về tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang là “một màu” hay “quá đơn giản”, hoặc “toàn phổ thơ”… Cũng có người so sánh vẻ đẹp, hồn cốt Hà Nội trong âm nhạc Phú Quang với âm nhạc của các thế hệ nhạc sĩ thời tiền chiến và cho rằng nhạc Phú Quang không thể sánh với những ngôn từ tuyệt mỹ về một Hà Nội hào hoa quá khứ…

Mỗi thế hệ, văn nghệ sĩ lại gánh vác ký ức và tình yêu của thời đại mình, và mỗi thời đại lại có những bảng màu khác nhau. Nghệ thuật là một tiến trình hòa điệu với lịch sử, và người có thể để lại dấu ấn sáng tạo của mình vào một thời khắc nhất định của lịch sử với trái tim duy mỹ, nhân văn và đầy lòng tự trọng như nhạc sĩ Phú Quang hẳn là không nhiều.

Tuy nhiên, bản thân nhạc sĩ Phú Quang lại chưa bao giờ để tâm đến danh vọng, địa vị trong giới, hay những khen chê về bản thân. Ông coi trọng danh dự, cốt cách làm người hơn những thắng thua, và âm nhạc là thế giới suy tưởng của riêng ông, là thánh đường ông cầu nguyện trong những khoảng trống bất tận của tâm hồn mình.

Những ai từng tiếp xúc ít nhiều với nhạc sĩ Phú Quang đều có ấn tượng tốt về ông - một người đàn ông khí phách, tự trọng, chính trực, đa cảm, lãng mạn và trọng nghĩa khinh tài. Ông luôn cho rằng dù có là ai, làm công việc gì, thì cũng nên là một người tử tế, có trách nhiệm. Nhạc sĩ Phú Quang tự nhận tâm hồn mình dường như thuộc về mùa thu và mùa đông, trong sự tàn úa giao mùa, trong khắc nghiệt giá rét, thì ông lại cảm giác về cuộc sống mãnh liệt hơn.

Nhạc sĩ Phú Quang thời trẻ
Nhạc sĩ Phú Quang thời trẻ

Nhạc sĩ Phú Quang thích chìm đắm một mình nơi những giáo đường mùa đông, chìm vào những suy niệm về thời gian. Ông tin vào một điều vượt trên mọi tôn giáo, và con người đến với cuộc đời này là “một cuộc hạnh ngộ với khổ đau trong hành trình tìm về cõi sáng”.

Phú Quang chia sẻ rằng, cuộc đời ông trải qua nhiều khổ đau từ nhỏ, nhưng ông luôn chọn những gam màu sáng trong âm nhạc để sáng tạo. Với ông, nỗi đau, bóng tối giúp chúng ta trân trọng giá trị cuộc sống, và nhận ra vẻ đẹp của ánh sáng, thế nên ông không mang bóng tối tuyệt vọng vào ca khúc của mình, mà chỉ mượn sự khởi điểm của phần tối để vượt thoát lên khỏi bóng tối. Nhạc Phú Quang thường buồn nhưng trong nỗi buồn đó, người ta nhận ra tình yêu tha thiết với cuộc đời.

Một điều không nhiều người biết, nhạc sĩ Phú Quang còn là một chỉ huy dàn nhạc tài ba, và thời khắc vung chiếc đũa chỉ huy, chính là thời khắc ông thấy mình được thăng hoa nhất. Nhạc sĩ chia sẻ rằng, mối duyên âm nhạc của ông bắt đầu từ nhỏ, khi được anh trai dẫn đi xem phim Chú bé nhạc sĩ. Lúc trở về, cậu bé Phú Quang đã nhặt một que gỗ, vừa đi vừa vuốt dọc các hàng rào trên đường như nhân vật trong phim. Khoảnh khắc đó, hạt mầm âm nhạc đã nảy nở trong tâm hồn ông.

Nhạc phẩm đầu tiên Phú Quang sáng tác là Niềm tin, viết cho hòa tấu Piano và Cello. Năm đó ông 17 tuổi, vừa đi qua một thất vọng cay đắng vì bị lừa dối. Đó là lúc ông nhận ra sáng tạo chính là cách giải thoát bản thân khỏi những bức xúc không thể bộc lộ cùng ai. Sau này, nhạc sĩ cho rằng không chỉ giải thoát, nghệ thuật còn là một sự cứu chuộc dành cho linh hồn ông.

Tác phẩm Niềm tin đã được nhạc sĩ Triều Dâng duyệt với ban biên tập Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng không nói là của cậu Quang Corno (thuở đó Phú Quang chơi kèn Corno), vì sợ người ta sẽ không cho lên sóng tác phẩm của một “đứa trẻ ranh”. Niềm tin đã thuyết phục ban biên tập âm nhạc, và sau khi ký duyệt xong, nhạc sĩ Triều Dâng mới cho biết đó là sáng tác của cậu Quang 17 tuổi. Ngoài mảng ca khúc, nhạc sĩ Phú Quang còn viết rất nhiều nhạc cho thính phòng, giao hưởng, điện ảnh, sân khấu, 
nhạc múa…

Nhạc sĩ Phú Quang rời cõi tạm vào một ngày mùa đông ở tuổi 72 tại Hà Nội - thành phố mà ông đã dành tất cả trái tim để yêu thương và tưởng nhớ. Dấu lặng định mệnh - ánh chớp số phận vào ngày 8/12/2021 theo một cách nhiệm màu nào đó, thật sự trọn vẹn theo tâm ý của ông - một nhạc sĩ đáng kính trọng và đã để lại cho đời những tác phẩm không thể nào quên.

Thiên Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI