Nhà văn Nguyễn Trương Quý: "Hà Nội bảo thế là thường!"

11/10/2020 - 06:13

PNO - Cuốn sách vừa phát hành của Nguyễn Trương Quý có tên "Hà Nội bảo thế là thường!". Lối viết của anh vẫn vậy, chậm, chắc, ít màu mè nhưng đầy ắp tư liệu mà qua đó, người ta hình dung được sự phát triển của những phong tục, tập quán con người Hà Nội xưa và nay.

Có những thứ quá lâu tưởng như đã biến mất hoặc không được nhắc tới, vậy mà giở sách của Trương Quý, lại thấy, như một hương vị mẻ chua, một bữa cơm không còn hai món hay sự phát hiện thú vị về miếng thịt ba chỉ, hay món thịt đông xao xác mà khi nhắc tới, người ta biết ngay đây là những phong vị xưa của miền Bắc... 

Đàn ông Hà Nội thường được mặc định

Phóng viên: Trong Bụi hồng quán nước, tôi toét cả mắt để tìm một bóng hồng ngồi quán nước nhưng hóa ra không phải. Anh viết về chuyện “ngồi lê” của những người đàn ông Hà Nội, cơ mà, đâu phải cứ đàn ông là không ăn vặt nhỉ?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: À, tôi đã rất cẩn thận khi giáo đầu rằng “đàn ông Hà Nội thường được mặc định” rồi mà. Chính những gì diễn giải sau đó lại cho thấy thế giới đồ ăn vặt của các ông khá nhộn nhịp, mặc dù vẫn khiêm tốn so với cánh nữ. Điều đáng nói là đàn ông Hà Nội hay có nhu cầu nâng tầm quan điểm những thứ đó. 

* Vậy anh có thể tiết lộ cho độc giả biết, anh hay ngồi quán trà nào?

- Thật ra ở khoản này, tôi có lợi thế khi bố tôi chính là một ông bán quán nước. Từ nhỏ, tôi đã quen thuộc với khung cảnh quán nước của gia đình, mà dường như ba mươi năm qua hình thái các quán nước chè vẫn thế.  Bia thì tôi cũng từng uống đủ cả, của người nhà lẫn người dưng. Bây giờ sau khi ăn sáng, tôi vẫn hay kiếm một quán nước chè trong khu ở, nơi ấy vẫn còn những cái ghế đẩu gỗ và cái bàn chõng bày các thứ lặt vặt. Chẳng tiện nghi gì nhưng những chỗ ấy là tổng hòa các nỗi nhớ về bố, mẹ hay tuổi thơ cũng như được ngắm nghía dòng chảy cuộc sống chạy qua trước mặt.

Áp phích quảng cáo Hội chợ Hà Nội năm 1932
Áp phích quảng cáo Hội chợ Hà Nội năm 1932

* Phải nói rằng, có những thứ quá lâu tưởng như đã biến mất hoặc không được nhắc tới, vậy mà giở sách của Trương Quý, lại thấy, như một hương vị mẻ chua, một bữa cơm không còn hai món hay sự phát hiện thú vị về miếng thịt ba chỉ hay món thịt đông xao xác mà khi nhắc tới, người ta biết ngay đây là những phong vị xưa của miền Bắc. Điều gì làm anh nhớ và viết về chúng hay như vậy?

- Thật ra nó là nỗi nhớ về những trải nghiệm ấu thơ. Tôi có một người mẹ rất “phong kiến” từ việc lo lắng các món ăn cho đến cỗ bàn. Thời cuộc sống thiếu thốn đến mức các thức quà hay món ăn được ta săm soi quan sát đến thuộc lòng. Ngoài ra, những thứ tôi viết cũng là trải nghiệm của chính tôi khi tự mình nấu ăn, khi tôi ở xa gia đình cũng như ở xa Hà Nội. Tôi nhận thấy các món ăn hấp dẫn nhiều khi cũng vì tìm được cách “dịch” nó đơn giản và hiệu quả nhất. Giống như hàng triệu người say mê xem chương trình MasterChef cũng là vì muốn xem các đầu bếp “dịch” món ăn có thuyết phục không.

Thanh niên Hà Nội trong quán giải khát (1967)
Thanh niên Hà Nội trong quán giải khát (1967)

* Tính liên tưởng, thậm chí, liên văn bản trong những tản văn, khảo cứu nhỏ đầy ắp tư liệu của anh khi viết về Hà Nội khiến cho người ta hình dung được sự phát triển của những phong tục, tập quán con người Hà Nội xưa và nay đã có tiến trình phát triển như thế nào; ví dụ như: Quần là cháy ly, Cẩm lê măng giê phô tô, Vali mộng viễn hành, Ra đường mũ áo xênh xang… Theo anh, giai đoạn nào người Hà Nội ăn mặc thật đẹp?

- Tôi có phần dành nhiều ưu ái cho giai đoạn 1940-1950, thời chuyển tiếp của xã hội đô thị Hà Nội từ một thành phố thuộc địa sang thủ đô một nước độc lập. Lúc này, sự kết nối với những giá trị cổ truyền vẫn còn hiện diện, ngay cả những gì tân thời hay cải cách vẫn phản ánh một khuôn khổ nền nếp tôn vinh cái đẹp tự nhiên của phong thái con người. Đời sống vật chất cũng như thời trang phản ánh một vốn văn hóa giao thoa Đông Tây, tất nhiên cũng là của một không gian trầm tĩnh, đôi khi tràn ngập ước mong hơn là thực tế.

NSƯT Lê Hằng (Thanh Hằng) - nàng thơ một thời của Đoàn Chuẩn. Ảnh chụp vào năm 1967
NSƯT Lê Hằng (Thanh Hằng) - nàng thơ một thời của Đoàn Chuẩn. Ảnh chụp vào năm 1967

* Hình dung một chiếc thắt lưng xanh… hình ảnh đẹp mơ màng lãng mạn thế mà anh còn tìm ra các chi tiết khá khốc liệt như nào thì chiếc dải lưng của chị đánh ghen, của A Sử trói Mị hay tính cách của người đàn bà Việt “thắt lưng buộc bụng” và ngay cả ở đàn ông, chiếc thắt lưng hóa ra cũng quan trọng ra phết?

- Khi tôi nghĩ đến việc vân vi các món đồ mặc trên người của đàn ông, quả thực không sớm thì muộn cũng phải nói đến cái thắt lưng. Thú thực, độ mươi năm lại đây, tôi cũng… đỏm dáng hơn trước. Tôi khá quan tâm đến diện mạo của mọi người và chính bản thân mình thông qua các món đồ. Cộng thêm các vốn thơ phú hay âm nhạc mình vẫn bị ảnh hưởng giống như một kho biểu tượng mà mình nghĩ, ờ, tại sao lại không thử, không nếm trải. Nếu mình không nếm trải lúc này thì sẽ lúc nào?

Sự mập mờ cũng là một điều thú vị để “đọc” đời sống người Hà Nội

Thiếu nữ Hà thành trước Nhà hát Lớn thập niên 1950
Thiếu nữ Hà thành trước Nhà hát Lớn thập niên 1950

* Người ta biết nhiều về bàn chân Giao Chỉ nhưng ít người để ý tới “bàn tay” của người Việt với nhiều ngữ nghĩa biểu đạt như anh, hay nhất là những bàn tay buồn, tay hư hao của người đàn bà. Anh có bao giờ ngắm tay của mình và có hình dung ra... số mệnh của mình?

- Tôi cũng có khi ngắm và nói chung không lấy đó làm một đặc điểm nhận diện bản thân, song tự biết và cũng dễ… sung sướng khi được khen tay đẹp! Vì là một người vẽ tranh, nên nhiều khi tôi nhìn bàn tay như nhìn một bố cục, một cử chỉ phát ra tín hiệu. Tất nhiên bàn tay liên quan đến sức khỏe, thử nhìn mà xem, khi chúng ta mệt mỏi, đau đầu hay nhức mỏi, đôi bàn tay trăm lần như một sẽ tự động xoa bóp hoặc nắn day hoặc vỗ về cơ thể ta, chẳng khác gì một người tình trọn kiếp.  

* Một chuyện nữa không có mặt trong cuốn Hà Nội bảo vậy là thường, đó là Sắc tình loanh quanh với nhiều chi tiết thú vị về chuyện yêu đương, nhục cảm, tình dục hay chuyện ngoại tình của người Hà Nội vốn có nhiều ảnh hưởng nho gia lễ giáo từ xưa?

- Bài này mặc dù cùng một vệt với nhiều bài trong tập, song khuôn khổ sách có hạn nên đành hẹn một tập khác. Trước đây, tôi cũng bị hòa chung với hình dung của nhiều người về một Hà Nội nền nếp lễ giáo nhưng khi đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, tôi mới thấy chuyện nhục cảm thực ra lại cung cấp một năng lượng cho phẩm chất huê tình của người đô thị này. Tuy nhiên, cách biểu đạt trong văn thơ hay âm nhạc lại rất mơ hồ, như từ “ân ái” xuất hiện rất nhiều, thực sự khó mà biết vào những năm 1940 có phải là nói đích danh việc chung đụng thân xác hay chỉ là đầu mày cuối mắt mà thôi. Sự mập mờ ấy cũng lại là một điều thú vị để “đọc” đời sống người Hà Nội.

Chân dung tự họa của nhà văn  Nguyễn Trương Quý
Chân dung tự họa của nhà văn Nguyễn Trương Quý

* Anh có nhắc tới cụ Nguyễn Tuân như một “đại diện” tiêu biểu của sự “kỹ tính”, vậy còn người đàn bà nổi tiếng nào mà anh biết có thể đại diện cho cái sự… “kỹ tính” ấy của người Hà Nội?

- Thật ra sự kỹ tính của những người phụ nữ có vẻ lại không thể phô bày chính vì họ… kỹ tính. Môi trường bàn về sự kỹ tính thực ra đậm đặc trong văn chương, mà địa hạt ấy nam giới gần như thống trị việc tự “phát tiết” ra ngoài. Tôi có để ý những ca sĩ lớp trước ở Hà Nội, các cô ấy quả thực kỹ tính trong việc xuất hiện cũng như cất giọng hát. Các cô có thể từng hát vì nhiệm vụ ở các đoàn ca nhạc hay đài phát thanh, song khi ra môi trường bên ngoài, họ chuẩn bị kỹ lưỡng lắm, dù là một tiết mục hay chỉ vài lời giao lưu. Sự kỹ tính nhiều khi cũng làm khổ chính họ. 

Hàng Trống một thời
Hàng Trống một thời

* Cho tới giờ, người ta vẫn đang tranh luận về phố cổ hay phố cũ, những con ngõ hẹp, những ngôi nhà chia năm xẻ bảy, chui rúc khổ sở, rồi quan niệm giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội. Theo anh thì sao, có lẽ cũng hơi thay đổi rồi nhỉ?

- Hà Nội thực ra có cơ hội không khổ nữa, khi có nhiều lựa chọn hơn trước. Cuộc tranh luận về những chuyện bạn đề cập có lẽ cũng có tuổi thọ đủ để khấu hao hết vòng đời các sản phẩm rồi. Sức hấp dẫn của Hà Nội cũng kéo theo sự phủ định cái cũ để thay thế bằng cái mới. Nhiều ngôi nhà cổ bị biến dạng, biến mất nhưng cũng không ít ngôi nhà đã được bảo tồn tốt, sửa sang đẹp đẽ và tiện nghi, tất nhiên chuyện mỗi buồng một toilet cũng đã thành yêu cầu tối thiểu chẳng hạn. Vì vậy tôi nghĩ điều đáng tranh luận là hoạch định thế nào và chúng ta có lối sống thế nào cho cái tương lai ấy.

Tôi đã từng nghĩ là nói mãi về Hà Nội cũng nhàm nhưng hóa ra có rất nhiều thứ chúng ta tưởng như đã biết cả, đã đồng thuận cả, song khi quan sát lại mới thấy đầy những khoảng hở và độ vênh với thực tế…

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Di sản không nằm trong danh sách, mà chính là tâm thế của chúng ta

* Những mảnh dịu dàng của anh viết về những góc phố, khoảnh khắc đẹp của Hà Nội, với giọng điệu nhẩn nha, khá “vị tha”, đúng góc độ “người yêu cái đẹp”, giống như sự lãng mạn vẫn luôn thường trực trong người Hà Nội cho dù đã trải qua gian khó hay còn đang vất vả thế nào, phải chăng đó cũng là một cách để tồn tại?

- Đấy, nó chính là câu chuyện phủ lên không gian sống một nội dung văn hóa. Tất nhiên không gian sống Hà Nội vẫn may còn những phần lùi lại phía sau các mặt tiền xô bồ. Sự kỹ tính, sự mềm mỏng hay sự nhẩn nha cũng đều có tính liên thông với nhau, với sự lãng mạn sinh ra từ cuộc sống được chi phối bởi khí hậu, thời tiết, góc phố, mặt hồ, các bài ca, những câu thơ hay trang sách... Cách đùa vui tránh những gì quá nghiêm trọng cũng là một phía kia của sự “dịu dàng”.

Hà Nội tết 1973
Hà Nội tết 1973

* Hà Nội không vội được đâu, Hà Nội bảo thế là thường cũng là một cách tếu táo hài hước nhưng có vẻ phần nào an ủi xoa dịu như một mặc định về tính cách của người Hà Nội?

- Có một kiểu tính cách bị coi là gàn hoặc rất nhiều tính từ tương tự không mấy đáng quý dành cho dân Hà Nội: tẩm, dẩm, hấp… mà lại cũng từ chính những người Hà Nội khác gán cho. Dân Hà Nội nhiều khi khá nghiệt khi nhận xét về kẻ khác. Tuy nhiên, người ta vẫn thích thú theo dõi họ chao chát, khinh bạc, “văn vở” là vì họ có xu hướng hài hước hóa những cách diễn đạt đó.   

Mẩu quảng cáo hiệu may Lemur của họa sĩ Cát Tường
Mẩu quảng cáo hiệu may Lemur của họa sĩ Cát Tường

* Nếu giờ đây có người ở xa tới muốn đi đâu đó quanh Hà Nội để thấy được một Hà Nội ngày tháng ấy, anh sẽ giới thiệu họ tới đâu và nên ăn món gì cho chuẩn?

- Tôi nghĩ họ nên dạo qua các không gian thoáng của thành phố như các mặt hồ hay các ngõ ngách để hình dung ra hai hình thái tiêu biểu của thành phố này. Tôi từng đưa một đoàn quay phim Đài Loan vào ngõ Văn Chương. Họ vô cùng thích thú với một mặt hồ nằm sâu trong ngõ và cả một đời sống thành phố sinh động quanh vòng hồ xinh xắn. Họ uống nước chè, cà phê, ăn bánh cuốn, ăn phở… ở những quán xung quanh và trải nghiệm được thứ mà ở quê hương họ không có. Về món ăn, thú thực tôi không dám liều mạng khuyên gì. Thì cũng phở bò, bún ốc nguội, bún ngan, chả cá… và bài học là phải trải nghiệm nhiều lần mới thấm được. 

* Anh thấy thế nào khi đã có nhiều người gọi anh là nhà Hà Nội học giống như các cụ đi trước?

- Tôi thực tâm không dám. Để trở thành một nhà Hà Nội học, cần có một hiểu biết tường tận về vốn văn hóa Hán Nôm, thứ đã làm nên chiều sâu lịch sử hình thành mảnh đất này, cũng như văn hóa Pháp cùng các tàng thư về khảo cổ, niên biểu, xuất xứ… Tôi tự xét mình trống vắng quá nhiều thứ nên mặc nhiên sẽ là xúc phạm tiền nhân nếu nhận danh hiệu ấy. Tôi chỉ đơn giản là cố gắng tìm hiểu và làm thỏa mãn chính nhu cầu khám phá, cắt nghĩa về Hà Nội của chính mình.

Nhẩy đầm - tranh Đông Hồ
Nhẩy đầm - tranh Đông Hồ

* Điều gì anh khao khát muốn làm cho Hà Nội hay muốn Hà Nội lưu ý, thay đổi hoặc giữ gìn?

- Điều khao khát có lẽ nói thì rất dễ nhưng để hình thành một danh sách nghiêm chỉnh lại khó đấy. Tôi vốn học kiến trúc ra nên với cái đã biết thì cho rằng phải có một quy hoạch kỹ lưỡng và dũng cảm cho một Hà Nội phức hợp. Sự dũng cảm trong bảo tồn, trong đập bỏ những phần cơi nới, để tôn tạo những phần lõi nguyên bản của các ngôi nhà đẹp còn sót lại. Thật sự chúng ta rất xót xa khi những công trình đẹp vẫn còn giá trị kiến trúc bị đập bỏ hay lãng quên, chỉ vì chúng chưa được liệt vào danh sách di sản. Di sản đâu có nằm trong danh sách, mà chính là cái tâm thế của chúng ta! Muốn làm cho Hà Nội đẹp, phải đối xử bằng tư duy của một thực thể văn hóa hơn là thuần túy một thực thể hành chính.

* Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội bảo thế là thường, còn sắp tới sẽ là Hà Nội gì?

- Không dám nói trước nhưng quả thực nhiều Hà Nội của một đời sống sinh động còn chờ “đụng” đến nữa. Có thể là một câu chuyện về những cảm thức ái quốc qua những bài tân nhạc, song song với chất liệu lãng mạn tôi đã từng khảo cứu trong cuốn Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca. Ngoài ra còn là những tập truyện ngắn hay tiểu thuyết, dĩ nhiên bối cảnh loanh quanh Hà Nội.

* Nhiều người thắc mắc là Trương Quý có biết nấu ăn không đấy!

- Ấy, tôi có biết nấu ăn, ít nhất là biết dọn một bữa cơm có đủ món mặn và canh! Khi tôi sống ở Bangkok hay Vientiane, tôi rất thích nấu canh tom yum (canh chua) kiểu Thái - Lào. Nói chung khẩu vị tôi khá đa dạng nên tôi cũng thích thử tự phục vụ. Nấu ăn xả stress khá tốt đấy!

Bìa hai bản nhạc Tình nghệ sĩ  và Cô hàng cà phê
Bìa hai bản nhạc Tình nghệ sĩ và Cô hàng cà phê

* Cuối cùng, nếu để yêu hoặc lập gia đình, anh có ý định tìm một người Hà Nội không?

- Với tôi, người tôi yêu hoặc sống cùng ắt sẽ yêu Hà Nội của tôi.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Codet Hà Nội

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI