Nhà thuốc mặc sức tư vấn, bán thuốc điều trị COVID-19

21/12/2021 - 06:29

PNO - Việc các nhà thuốc tham gia tư vấn, bán thuốc cho bệnh nhân COVID-19 giúp người bệnh tiếp cận nhanh với thuốc điều trị khi y tế phường, xã đang quá tải. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý lo sợ của người bệnh, nhiều nhà thuốc đang bán thuốc vô tội vạ.

Ra nhà thuốc, "bay" 3,6 triệu đồng

Cả nhà bị mắc COVID-19 (F0), gọi điện đến trạm y tế phường nhiều lần nhưng không được cấp thuốc, chị Nguyễn Thị Duyên Anh (TP.Thủ Đức, TPHCM) đành phải lên mạng tìm kiếm toa thuốc A, B theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM và ra nhà thuốc mua theo toa. Sau 10 ngày điều trị, xét nghiệm lại, chị đã khỏi bệnh. Nhưng không phải ai cũng suôn sẻ như trường hợp chị Duyên Anh.

Anh Phạm Thanh Bình (Q.Bình Thạnh, TPHCM) kể, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh COVID-19, do không được trạm y tế phường cấp thuốc nên anh chạy ra nhà thuốc kể các triệu chứng bệnh, được nhân viên nhà thuốc bán cho một bịch thuốc lớn, trong đó có các loại vitamin, thuốc bổ não, thuốc trợ phổi, tổng cộng 1,6 triệu đồng: “Người bán thuốc còn hỏi có muốn dùng thêm thuốc đặc trị Favipiravir Tablets 400mg (2 triệu đồng/hộp) để phòng tránh bệnh chuyển nặng hay không, và hướng dẫn liều dùng. Tôi ngập ngừng một lúc rồi gật đầu vì lỡ khi bệnh chuyển nặng, nhà thuốc không còn loại thuốc này thì nguy. Cuối cùng, tôi phải trả tiền cho toa thuốc 3,6 triệu đồng”.

Việc bán các gói thuốc điều trị F0 ở các nhà thuốc mỗi nơi mỗi khác
Việc bán các gói thuốc điều trị F0 ở các nhà thuốc mỗi nơi mỗi khác

Tại tỉnh Đồng Nai, dù ngành y tế chưa cho phép các nhà thuốc tham gia tư vấn, bán thuốc điều trị COVID-19 nhưng nhiều nhóm trên mạng xã hội vẫn chia sẻ tên, địa chỉ các nhà thuốc bán thuốc điều trị COVID-19, có người còn nhận mua thuốc hộ. 

Nghe tôi trình bày rằng muốn mua thuốc để phòng khi mẹ mắc COVID-19, chủ nhà thuốc M.A. ở P.Tân Phong, TP.Biên Hòa tư vấn: “Chị không nên mua trước mà cứ đưa số điện thoại này cho bà. Nếu bà bị thì gọi điện, tụi em sẽ căn cứ vào triệu chứng cụ thể của bà để lên đơn. Giờ chị chỉ nên mua thuốc bổ cho bà uống để nâng cao sức đề kháng và xịt họng, mũi mỗi ngày một lần.

Chị mua về mà bảo quản không tốt cũng hỏng”. Tôi hỏi thêm: “Nếu mắc COVID-19 thì có cần uống kháng sinh ngay không?”. Chủ nhà thuốc tư vấn: “F0 sốt, mệt, ho và sổ mũi mới cần uống kháng sinh, còn chỉ sốt, mệt mỏi thì không cần. Bình thường mình ho, cảm thì uống kháng sinh, F0 cũng vậy nhưng thuốc đắt hơn, tốt hơn. Bên em có dịch vụ ship tận nơi cho những người không đi lại mua thuốc được”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - việc các nhà thuốc tự ý kê đơn, bán thuốc điều trị COVID-19, nhất là cho trẻ em, đang ngoài tầm kiểm soát của ngành y. Nhiều nhà thuốc bán các gói thuốc A và B theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, gói A chỉ là thuốc hạ sốt, vitamin tổng hợp, oresol, nước muối sinh lý súc miệng; gói B có cả thuốc kháng sinh và kháng viêm.

“Nhưng không phải ai cũng sử dụng kháng sinh và kháng viêm được. Gói B và C được dùng khi nhập viện hoặc chờ nhập viện, bệnh nhân chỉ sử dụng khi có triệu chứng rõ, SpO2 tụt. Việc sử dụng kháng sinh, kháng viêm sớm chưa chắc có lợi vì thuốc có chứa corticoid, ức chế sản sinh kháng thể, không diệt được virus” - bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền cho hay.

Tùy tiện bán thêm cả thuốc kháng sinh mạnh

Khi mắc COVID-19, anh Trịnh Văn Cương (Q.12, TPHCM) cầm toa thuốc do bạn bè giới thiệu ra nhà thuốc mua. Toa thuốc có paracetamol, vitamin C, kẽm farzincol, augmentin (10 viên), methylprednisolone, desloratadine. Mặc dù trong toa thuốc có kháng sinh augmentin (10 viên) không dùng khi bệnh nhân không bị nhiễm trùng nhưng nhân viên bán thuốc vẫn bán.

 

Nhìn toa thuốc do nhà thuốc bán cho bệnh nhân COVID-19,  bác sĩ giật mình vì có thuốc kháng sinh nên bác sĩ yêu cầu bệnh nhân ngưng uống
Nhìn toa thuốc do nhà thuốc bán cho bệnh nhân COVID-19, bác sĩ giật mình vì có thuốc kháng sinh nên bác sĩ yêu cầu bệnh nhân ngưng uống

Một bác sĩ đang điều trị cho các F0 tại nhà cho biết, có bệnh nhân gọi đến hỏi: “Sao con uống thuốc 10 ngày vẫn chưa âm tính?”. Bác sĩ hỏi đã uống thuốc gì thì bệnh nhân gửi hình toa thuốc và cho biết, đang uống toa thuốc B do một tổ chức từ thiện mua từ nhà thuốc phát cho, trong đó có thuốc kháng sinh. Nhìn toa thuốc, bác sĩ giật mình, yêu cầu bệnh nhân ngưng uống thuốc kháng sinh. 

Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), toa thuốc cho F0 điều trị tại nhà khi trở nặng chỉ gồm thuốc kháng viêm và chống đông máu, trong khi toa thuốc do nhà thuốc bán gồm cả thuốc kháng sinh, thuốc chống kết tập tiểu cầu. Theo vị bác sĩ trên, khi F0 trở nặng - tức có tình trạng suy hô hấp (SpO2 dưới 95%, nhịp thở trên 20 lần/phút) - do có hiện tượng đông máu ở các mao mạch phổi và phản ứng viêm mạnh ở phổi nên cần uống ngay thuốc kháng đông và kháng viêm như khuyến cáo của HCDC chứ không phải kháng sinh hay aspirin hoặc thuốc nào khác.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Vũ Minh Phúc - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Nhi, Trường đại học Y Dược TPHCM - nhận định, lâu nay, các nhà thuốc vẫn kiêm luôn việc tư vấn và bán thuốc, không chỉ với bệnh COVID-19 mà với các bệnh khác. Ở Mỹ, dược sĩ được đào tạo để điều trị một số bệnh phổ biến và tư vấn cách dùng thuốc. Ở Việt Nam, nhà thuốc chỉ có dược tá, cũng tư vấn loại thuốc, cách dùng thuốc nhưng không được đào tạo. Trong dịch COVID-19, người dân gọi y tế phường nhiều khi không được, đi bác sĩ tư thì không có khả năng nên chỉ còn cách ra tiệm thuốc tây. Để giúp dân nghèo, Sở Y tế nên ra tài liệu và tổ chức huấn luyện online cho các nhà thuốc, giám sát ngẫu nhiên, chứ y tế phường hiện làm không xuể. 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TPHCM - cho rằng, rất nhiều F0 đang lạm dụng thuốc kháng đông, kháng viêm. Ví dụ như với gói thuốc B, bệnh nhân phải mệt, khó thở thì mới cho uống kháng viêm, kháng đông nhưng nhiều người vẫn uống cho chắc để phòng bệnh trước. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đang dùng kháng sinh mạnh dẫn đến kháng thuốc, rất nguy hiểm vì khi bệnh chuyển nặng, sẽ không chữa được. 

Theo bác sĩ Đỗ Văn Dũng, việc cho nhà thuốc tham gia tư vấn và bán thuốc điều trị COVID-19 giúp cung cấp thuốc nhanh cho người bệnh, nhưng vấn đề là không phải nhà thuốc nào cũng có dược sĩ giỏi, hiểu biết trong điều trị COVID-19 và kê toa đúng, nhất là với bệnh nhân mắc kèm bệnh nền. 

Từ khi cho phép người mắc COVID-19 tự cách ly, điều trị tại nhà, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã ban hành hướng dẫn về hai túi thuốc điều trị tại nhà cho F0 là trẻ em.

Theo đó, túi thuốc A sử dụng trong bảy ngày gồm thuốc hạ sốt paracetamol (viên, gói bột hoặc cốm pha hỗn hợp dịch uống, hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg, 250mg, 325mg, liều dùng dựa theo cân nặng); thuốc giảm ho (ưu tiên sử dụng thảo dược); vitamin tổng hợp và khoáng chất hỗ trợ nâng cao sức khỏe; oresol; dung dịch natri clorua 0,9% súc miệng, rửa họng, rửa mũi hằng ngày.

Túi thuốc B sử dụng trong ba ngày cho F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp như khó thở (có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khí), SpO2 dưới 95%. Nếu gia đình trẻ chưa liên hệ được với bác sĩ thì có thể tự cho trẻ sử dụng một trong ba loại thuốc kháng viêm dexamethason, methylprednisolon hoặc prednisolon.

Hoàng Nhung - Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI