Nhà quay phim Hữu Tuấn "gọi đò" trong cuốn sách đầu tiên về nhiếp ảnh

05/06/2022 - 07:55

PNO - Trong buổi ra mắt cuốn sách ảnh "Tiếng gọi đò" của nhà quay phim, NSND Hữu Tuấn (do Nhà xuất bản Thế giới, Omega+ ấn hành) diễn ra ngày 4/6 tại Hà Nội, một độc giả lớn tuổi đã khóc và chia sẻ, bà phải chờ đến hôm nay mới biết có một nghệ sĩ đã chụp lại những người gọi đò.

60 năm trước, bà cũng là một người gọi đò. Ngày ấy, vào một buổi sớm mù sương, tại một bến đò ở huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, bà đứng gọi khản cả cổ mà không thấy người lái đò đâu.

Bà kể, giá như có một nhiếp ảnh gia nào ghi lại khoảnh khắc đó thì sung sướng vô cùng, để biết thời đó, gọi đò vất vả như thế nào.

Độc giả lớn tuổi chia sẻ về ký ức gọi đò 60 năm về trước - Ảnh: BTC cung cấp
Độc giả lớn tuổi chia sẻ về ký ức gọi đò 60 năm trước - Ảnh: BTC cung cấp

“Khi đọc tên cuốn sách, nước mắt tôi trào ra. Nó khiến tôi nhớ về một thời xưa cũ đã qua đi rất lâu của mình”, bà chia sẻ.

Cuốn sách Tiếng gọi đò dày 147 trang, gồm 85 bức hình được NSND Hữu Tuấn tuyển chọn từ kho ảnh hàng ngàn bức trong hơn 30 năm (1987 - 2018).

Con đò là nhân vật xuyên suốt 147 trang sách ảnh, để từ đó, nó kể chuyện người, chuyện đời và năm tháng. “Trên đò không chỉ có nắng, có gió, có vị ngọt của dòng sông mà còn có vị mặn của dòng đời”, tác giả viết.

Mở trang sách, mỗi bức ảnh đều được tác giả ghi chú một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Đôi khi là vài dòng thông tin hết sức ngắn gọn về nơi chốn, thời gian chụp. Đôi khi là vài trạng huống của nhân vật, hoặc của chính người cầm máy.

Thông qua hình ảnh con đò chuyên chở bao phận người đi qua những khúc sông đời người, tác giả dường như ký thác một nỗi niềm thương nhớ đồng quê, một thời sống chậm, và cảnh sắc Việt Nam trong ký ức.

Nhà quay phim Hữu Tuấn - Ảnh: BTC
Nhà quay phim Hữu Tuấn - Ảnh: BTC

“Bến đò, tiếng gọi đò, người dân đi lại qua sông là phần hiện hữu của văn minh lúa nước Việt Nam trong quá khứ, còn kéo dài đến bây giờ, dù tính chất của con đò và bến đò bây giờ cũng đã rất khác, ngay cả canh tác nông nghiệp cũng thay đổi hoàn toàn, làng xã cố truyền cũng tan vỡ theo nhiều nghĩa. Chính những bức ảnh này làm người ta nhớ nhung, đôi khi lưu luyến một quá khứ không lặp lại - một kỷ niệm của bất kỳ ai từng đi đò, chờ đò và sống trong sự yên bình của làng xã sông nước Việt”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá.

Dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ cho rằng Hữu Tuấn "không chụp ảnh bằng đôi mắt của một người nghiên cứu hay một người ngoại quốc dạo chơi miền quê Việt Nam mà bằng một tâm thức “tự họa”, hòa trong văn hóa đó, trong đời sống đó để mình gặp mình”.

NSND Hữu Tuấn nói ông yêu sự chân thực: “Cuộc đời đầy màu sắc, vẻ chân thực của cuộc đời chính là những màu những sắc ấy. Tôi nhìn các bạn, tôi thấy màu sắc nhưng khi tôi cầm máy lên, tôi thấy đen - trắng”.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhiếp ảnh hiện thực là phần chính của nhiếp ảnh thế giới, khi ở đó, bằng những bức ảnh đen trắng ngưng đọng được thời gian và những khoảnh khắc điển hình của cuộc sống.

NSND Hữu Tuấn là nhà quay phim nổi tiếng, tác giả của những “đường quay” kinh điển trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Xem ảnh của ông, thấy cái “nết làm phim ăn sâu vào bố cục ảnh một cách sâu sắc”.

“Tiếng gọi đò” là cuốn sách đầu tiên của NSND Nguyễn Hữu Tuấn về chủ đề Nhiếp ảnh. Trước đó, ông từng ra mắt cuốn truyện ký Những thước phim trong suốt - Ảnh: Omega+
Tiếng gọi đò là cuốn sách đầu tiên của NSND Nguyễn Hữu Tuấn về chủ đề nhiếp ảnh. Trước đó, ông từng ra mắt cuốn truyện ký Những thước phim trong suốt - Ảnh: Omega+

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hỏi, liệu NSND Hữu Tuấn có đem cái sự “biên tập”, dàn dựng, bài binh bố trận, cắt cúp của nghề quay phim sang lĩnh vực nhiếp ảnh, để có được một bức ảnh đẹp, tác giả nói một cách hài hước: “Tôi tuổi gì mà chỉnh sửa cuộc đời”.

Theo dịch giả Trịnh Lữ, Hữu Tuấn không chụp ảnh theo lối báo chí. Ông “không bị trôi lăn theo dòng thời sự mà sống với những mảng khác của cuộc đời. Có khi đó là những hình ảnh trước hoặc sau cơn bão, lúc mà ta đủ điều kiện để nhìn mình, nhìn đời”.

Bầu trời, không khí trong ảnh Hữu Tuấn không vần vũ theo một cách kịch tính nhưng đặc biệt ở những phút lặng lẽ, suy tư. Theo Trịnh Lữ, đây cũng là những mảng miếng cần phải có ở đời bên cạnh những phút giây dữ dội, hoành tráng.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn sinh năm 1949 tại Hà Nội. Ông đoạt giải dành cho quay phim tại LHP Việt Nam lần VI năm 1983 với hai tác phẩm, Hy vọng cuối cùng (1981) và Thị xã trong tầm tay (1983). 

Một số bộ phim tiêu biểu ông phụ trách hình ảnh: Duyên nợ (1987), Anh và em (1988), Chuyện tình trong ngõ hẹp (1992), Trở về (1994), Thương nhớ đồng quê (1995), Bến không chồng (2000), Lạc lối (2013).

Ông còn tham gia nhiều dự án phim hợp tác với nước ngoài thực hiện tại Việt Nam như Đông Dương (1992), Người tình (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002), Hai con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa (2006).

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI