Hoạ sĩ Trịnh Lữ: Nghề sống của một kẻ "phong trần" tài hoa

27/02/2022 - 13:58

PNO - Suốt nhiều năm ở nhiều nơi trên thế giới và làm qua nhiều nghề, từ phát thanh viên tiếng Anh cho đài VOV, truyền thông cho các dự án giáo dục của Liên Hiệp Quốc hay làm thợ mộc, kỹ sư mỏ… Trịnh Lữ chưa bao giờ thôi vẽ.

Nếu công việc dịch thuật văn chương đến với Trịnh Lữ từ một dịp tình cờ thì hội họa với ông là sự tiếp nối tự nhiên được nuôi dưỡng từ cái nôi của gia đình. Trịnh Lữ đi nhiều, vẽ nhiều và từng có vài triển lãm, từ cá nhân đến nhóm tại Mỹ và Việt Nam, để lại không ít dấu ấn. Thế nhưng, mãi đến đầu năm 2022, ông mới giới thiệu đến độc giả “bảng tóm tắt” con đường đến với hội họa của mình, từ năm 1963, qua cuốn Vẽ gì cũng là tự họa.

Nếu như trong cuốn Ghi chép (2021), Trịnh Lữ viết về chuyện đời, chuyện nghề, những nghĩ suy của ông trong hơn nửa thế kỷ làm việc ở lĩnh vực chữ nghĩa, đôi bức tranh sen được đưa vào cuối sách như một quà tặng thêm cho độc giả thì trong cuốn sách mới này có cả tranh cũ, tranh mới và “dăm ba điều về việc vẽ nên chúng” - như cách nói của ông. Đây là cuốn sách thứ tư Trịnh Lữ thực hiện, sau cuốn về cuộc đời, sự nghiệp của bố ông - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, cuốn ghi chép những ngày đi vẽ bên Mỹ và cuốn Ghi chép.

Điều duy nhất khiến họa sĩ Trịnh Lữ hạnh phúc là giờ đây, hơn 70 tuổi, ông thấy mình đã chỉ vẽ những gì mình yêu và vẽ bằng tình cảm chân thực, giản dị của chính mình, suốt từ nhỏ đến giờ
Điều duy nhất khiến họa sĩ Trịnh Lữ hạnh phúc là giờ đây, hơn 70 tuổi, ông thấy mình đã chỉ vẽ những gì mình yêu và vẽ bằng tình cảm chân thực, giản dị của chính mình, suốt từ nhỏ đến giờ

“Vẽ gì cũng là tự hoạ”

Thực tế, Trịnh Lữ chưa khi nào ngừng vẽ, từ khi ông còn là một cậu bé được bố là họa sĩ mỹ thuật Đông Dương - Trịnh Hữu Ngọc dạy cho tới những tháng năm tuổi trẻ không thể theo học trường mỹ thuật vì lý lịch. Cần nói rõ hơn một chút: ông Trịnh Hữu Ngọc không chỉ có tài trong lĩnh vực hội họa mà còn có gu thẩm mỹ độc đáo và đầu óc kinh doanh nhạy bén.

"Thật ra, đời chỉ là những mẩu chuyện tản mạn tưởng chừng ngẫu nhiên. Đọc chúng với thái độ nào thì đời thành ra thế mà thôi”.

Trịnh Lữ 

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là người Việt Nam đầu tiên khai phá lĩnh vực thiết kế nội thất. Những năm 1940 - 1954, ông mở xưởng thiết kế đồ gỗ, nội thất có tên MÉMO Ébénisterie ở Hà Nội với khoảng 20 thợ thủ công lành nghề và nhập toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất từ Pháp về, nổi tiếng nhất nhì thời bấy giờ. Sau này, khi biến xưởng mộc thành xưởng vẽ, bên cạnh những bức tranh được chọn làm quà tặng các chính khách, bạn bè quốc tế, ông Ngọc còn được mời làm thiết kế nội thất cho nhiều khách sạn, nhà nghỉ và chuyên cơ AN24 của Chính phủ.

Tranh của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thường chọn những đề tài cực kỳ gần gũi với cuộc sống thường nhật hoặc hoa cỏ thiên nhiên, làng mạc. Ông quan niệm tranh không cần lạ mà chỉ cần đẹp và tưới tắm trong tình yêu, sự rung động của người vẽ. Bác Hồ từng khen ngợi và ví von ông là “Claude Monet Việt Nam”.

Trong một bài báo cách đây hơn 15 năm, họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ, bố ông xem việc học vẽ là học quan sát, rèn luyện tính trung thực và phải luyện tập thường xuyên thì đôi tay mới theo kịp khối óc. “Ông luôn coi thiên nhiên là một người thầy và tìm thấy ở thiên nhiên sự mẫu mực. Ông luôn dạy chúng tôi “vẽ như một cách tu thiền”. Sự tu luyện trong hội họa cũng giống như sự tu luyện trong thiền. Có như vậy mới mở được “tuệ nhãn” của người họa sĩ” - Trịnh Lữ kể. Quan điểm trên của ông Trịnh Hữu Ngọc ảnh hưởng vô cùng lớn đến các con sau này, đặc biệt là Trịnh Lữ.

Trong gia đình, ông Ngọc đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục con cái, cũng như giữ gìn cốt cách sống của một gia đình trí thức. Trong những năm tháng ngặt nghèo khó khăn, ông vẫn mời một nghệ sĩ piano, một giáo viên người Anh về dạy đàn và ngoại ngữ cho các con. Chính môi trường ấy đã tạo nền tảng vững chắc và tâm thế an nhiên cho các con ông sau này trong cuộc sống cũng như cách thức lựa chọn nghề nghiệp.

Suốt nhiều năm ở nhiều nơi trên thế giới và làm qua nhiều nghề, từ phát thanh viên tiếng Anh cho đài VOV, truyền thông cho các dự án giáo dục của Liên Hiệp Quốc hay làm thợ mộc, kỹ sư mỏ, làm tượng, khung tranh giả cổ hay dịch sách, viết truyện… Trịnh Lữ chưa bao giờ thôi vẽ. Bởi lẽ, vẽ là dịp để ông bày tỏ, sẻ chia tâm sự. “Mình vẽ theo lối “mắt thấy, tay vẽ”, mà phải yêu cái gì thì mới vẽ được cái đấy. Sau vẽ nhiều thì nhận ra là cái mình vẽ chính là cách mình nhìn, cách mình cảm thấy và do đó chính là con người mình. Thành ra, vẽ ngoại cảnh cũng thực là vẽ cái thế giới nội tâm và vẽ chính mình” - ông bộc bạch.

Điều đáng nói, Trịnh Lữ làm mọi việc trong tâm thế an nhiên, không gượng ép, vui vẻ và làm đến nơi đến chốn, tận tâm. Có lẽ vì vậy mà lĩnh vực nào ông ghé qua cũng đều ghi dấu ấn rực rỡ. Chỉ riêng lĩnh vực dịch sách, ông đã đóng góp cho văn học dịch Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị như: Đại gia Gatsby, Con nhân mã ở trong vườn, Hội họa Trung Hoa qua lời của các vĩ nhân và danh họa của Lâm Ngữ Đường, Cuộc đời của Pi, đồng dịch giả với Hoàng Hưng trong Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ đương đại

Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi bạn bè và nhiều thế hệ hậu bối đều dành cho ông sự trân trọng, quý mến cùng những lời khen tặng có cánh như tài hoa, nho nhã còn ông vẫn rất mực khiêm tốn, tự nhận là một kẻ “phong trần”. Trong buổi ra mắt sách cách đây không lâu tại Hà Nội, ông bảo dù ở bất cứ ngành nghề nào, ông đều luôn tìm thấy niềm vui trong đó và biết ơn những nghề đã nuôi sống mình.

“Vẽ gì thì cũng là tự họa. Tâm trạng người vẽ thế nào thì nhìn ra loại dung mạo thế nấy. Tôi vẫn tin rằng có yêu đời, yêu người, có con mắt và tấm lòng hướng thiện thì sẽ nhìn thấy dung mạo đẹp đẽ, tử tế ở tất cả mọi người. Người xưa coi trọng việc vẽ tranh chân dung là vì vậy”.

Trịnh Lữ

Tâm thế này gần như là nhất quán khi cách đây không lâu, trong một bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, phóng viên hỏi nên định danh ông là họa sĩ, dịch giả hay một người làm truyền thông, ông nhẹ nhàng đáp: “Tôi chỉ có một nghề, là nghề sống thôi”. Và, ông nói thêm: “Sống sót qua mọi thứ, mình vẫn là mình”.

Ông lý giải: “Không ai sống được một mình, người ta chỉ sống với thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm. Thế giới bên ngoài gồm có thiên nhiên, vũ trụ và những đồng loại với mình, là muôn vàn hình thức sống khác của vũ trụ. Hai cái sống này phải giao đãi nhau mới có ý nghĩa. Nếu mình chỉ sống với cá nhân mình, không để ý đến những thứ bên ngoài thì mình sẽ rất nghèo nàn, sẽ mất hết những cơ hội giao tiếp, những hạnh phúc lớn hơn cá nhân mình.

Cho nên sống, với tôi, là mình phải rất tò mò về tất cả mọi thứ trong thế giới này và phải để ý đến chúng một cách rất tử tế, thì đó là nghề sống. Cái nghề chỉ để nuôi sống mình dễ lắm, làm gì cũng có thể sống được nhưng đời sống tinh thần thì khó hơn nhiều, mình phải chăm chú hơn”.

“Chẳng nơi nào thân thuộc bằng quê hương"

Phóng viên: Thưa ông, sau Ghi chép đến Vẽ gì cũng là tự họa, những người yêu mến ông đã không cần đợi lâu như trước để có thể cầm trên tay những ghi chép mới, dẫu như ông tự nhận là vụn vặt. Nhìn ở khía cạnh nào đó, COVID-19 phải chăng cũng có tác động tích cực để một người thường rong ruổi đây đó như ông ngồi xuống và “nhặt nhạnh” những mẩu ký ức vụn về bản thân?

Họa sĩ Trịnh Lữ: Vâng, nếu đã sống khá lâu và ba chìm bảy nổi thì ta sẽ thấy tai họa nào cũng ẩn chứa một cơ hội nào đó. Từ thời đi học, tôi đã biết câu “biến nhà tù thành trường học” trong những bài về lịch sử cách mạng của ta. Khi dịch Cuộc đời của Pi, tôi gặp ngay câu mở đầu của tác giả: “Cuốn sách này ra đời khi tôi đói”.

Đến nay, họa sĩ Trịnh Lữ đã có hơn nửa thế kỷ làm việc trong lĩnh vực chữ nghĩa
Đến nay, họa sĩ Trịnh Lữ đã có hơn nửa thế kỷ làm việc trong lĩnh vực chữ nghĩa

Từ đầu năm 2021, cuốn Ghi chép vừa ra mắt thì mọi sự kiện văn hóa liền bị đình chỉ vì COVID-19. Tôi bắt đầu chuẩn bị cho triển lãm cá nhân ở Bảo tàng Mỹ thuật đã có lịch vào nửa sau tháng 11. Thế nhưng, sang thu thì COVID-19 bùng phát, chẳng biết triển lãm có mở cửa được không nên tôi chợt nghĩ “hay là làm một cuốn sách, có cả tranh cũ tranh mới cùng dăm câu ba điều về việc vẽ nên chúng trong hơn sáu chục năm qua” để thay thế triển lãm; chứ không phải chỉ để “nhặt nhạnh những mẩu ký ức vụn về bản thân”.

"Mọi tranh luận về nghệ thuật, suy cho cùng, chỉ là do khác nhau về cái mà tiếng ta gọi là “thị hiếu”. Mà tự diễn đạt không thôi thì không phải là nghệ thuật”.

Trịnh Lữ

* Trong cuộc đời mỗi người, bồi hồi và xúc động nhất có lẽ là lúc nhìn lại những chặng đường đã qua. Ông đã nhớ về điều gì nhiều nhất khi lần giở lại những ký ức tươi đẹp ấy?

- Có vẻ như cuốn Vẽ gì cũng là tự họa đã được bạn đọc coi như một tự truyện bằng tranh của tôi. Cũng không sai. Chỉ có điều tự truyện ấy chỉ bao gồm những ký ức và cảm xúc được lưu giữ trong những bức tranh may mắn còn lại, phần lớn là ở dạng ảnh chụp và được tôi chọn lọc vào sách.

Tôi đã nhớ về điều gì nhiều nhất khi soạn sách này ư? Cho phép tôi được trả lời câu hỏi này với điều duy nhất khiến tôi hạnh phúc. Ấy là giờ đây, đã sang tuổi 70 hơn, tôi thấy mình đã chỉ vẽ những gì mình yêu và vẽ bằng tình cảm chân thực giản dị của chính mình, suốt từ nhỏ đến giờ.

*Những tháng ngày sống nơi xứ người, ông nhớ gì về Hà Nội để vẫn chọn trở về an trú trên quê hương rồi lại ra đi trong những chuyến ngắn ngày để được trở về?

- Tôi đi xa chỉ vì tò mò. Cuộc tò mò ấy đã khiến tôi vỡ lẽ ra hai điều quan trọng: rằng mình may mắn được ra đời và nuôi dưỡng bằng tình yêu, khi Hà Nội còn như một khu vườn cổ tích và rằng chả có nơi nào thân thuộc bằng quê hương mình, nơi mình được nằm mơ bằng tiếng mẹ đẻ, không còn thấy lạc đường khi “tiếng người người nói, lòng mình mình nghe”.

* Hà Nội trong ký ức ông và Hà Nội của hiện tại, đâu là những giá trị bất biến theo năm tháng?

- Hà Nội trong ký ức của tôi giống như một khu vườn thanh vắng trong cổ tích. Hà Nội hiện tại khác nhiều. Giá trị là do mình gán cho mọi sự mà có nên chẳng có gì bất biến theo năm tháng.

Mọi thứ đều tuỳ duyên 

* Với ông, vẽ, viết hay dịch đều phản ánh những khía cạnh khác nhau trong nội tâm cũng như mối tương quan giữa bản thân và thế giới xung quanh. Ông có sắp xếp giai đoạn nào sẽ ưu tiên cho công việc nào?

-Mọi việc đều để tùy duyên. Hệt như trong tình yêu thôi. Không phải như trong quản trị kinh doanh.

"Tôi đã không nỡ lấy sen làm mô-típ, làm cái cớ, để vẽ những riêng tư phần lớn là những khao khát hoang tưởng hoặc thắc mắc của mình. Tôi vẽ sen chỉ để ghi lại tình yêu sen đã có từ thuở bé nhờ những bức tranh của mẹ, của cha và để tự nhủ rằng cuộc đời luôn đẹp đẽ, an lạc nếu mình nhìn ra chúng”.

Trịnh Lữ

* “Từ nhỏ đến giờ, mỗi khi cầm bút hoặc gõ phím ra chữ, tôi chỉ có hai ý định. Một là ghi lại những gì đang khiến mình bồi hồi hoặc mông lung, khiến chúng hiện ra có hình hài tên gọi ở những con chữ mình chọn, để có được cảm giác là chúng có thật. Hai là chép lại những đoạn đọc được nghe được của thiên hạ, để học hỏi, ngẫm nghĩ hoặc khẳng định cái tâm đắc của mình, như người tự học thường làm”, ông từng chia sẻ. Đã lúc nào ông cảm thấy bất lực khi không thể diễn tả được những gì ông cảm nhận, suy nghĩ?

- Nhiều chứ! Nhưng lần nào rồi tôi cũng thấy rằng đó không phải là do bất lực trong cách diễn đạt; mà là do cái mình định diễn đạt vẫn còn chưa định hình. Khái niệm còn mông lung. Cảm xúc cũng chưa rõ ràng. Sự vật chưa có hình tướng để hiển lộ.

Những bất lực trong diễn đạt, theo tôi, là do lỗi nhận thức chứ không phải lỗi diễn đạt. Nhận thức càng sáng rõ thì diễn đạt càng giản dị dễ hiểu.

* Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ rằng sau hơn 50 năm, nét bút của ông vẫn không già đi theo năm tháng. Phải chăng tâm thế ông cũng vẫn luôn giữ được sự thơ trẻ và ánh nhìn tò mò với mọi thứ xung quanh?

- Đấy là nhận xét của anh Thượng thôi. Tôi thì thấy mình đã mất đi cái nhìn trong veo và nét vẽ chẳng biết sợ là gì của tuổi thơ rồi. Tò mò thì vẫn còn nhưng là tò mò “tại sao” chứ không phải tò mò “cái gì” nữa. Tuổi tác mà!

Tôi có học được một điều sau nhiều năm giao lưu với giới học thuật Âu - Mỹ: khi viết bài về một ai đó, có tính khảo cứu chứ không phải kiểu “phê bình thù tạc”, người ta thường phân bua ở cuối bài rằng “tất cả những cứ liệu phong phú mà chúng tôi có về ông/bà A. như đã trình bày vẫn có thể khiến chúng ta hiểu nhầm về họ, cho dù có thể khiến họ có vẻ quen thuộc với chúng ta hơn”. Chính tôi đọc bài anh Thượng viết mà còn thấy cái anh chàng Trịnh Lữ ấy chỉ mới hơi quen quen thôi đấy! Mà tôi nghĩ thế mới hay!

* Lâu rồi không thấy ông dịch sách…

- Thì tình yêu mà. Chưa biết duyên xưa rồi có mặn nồng nữa chăng?

*Có điều gì cho đến bây giờ ông muốn làm mà chưa thực hiện được?

- Có nhiều điều như vậy lắm. Lúc nào cũng có. Nhưng, từ sau tuổi 50, tôi đã tự hứa sẽ không bao giờ nói đến những gì mình muốn hoặc định làm nữa. Tại sao ư? Vì cứ nói rồi sẽ chẳng làm được nữa.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh: Diệu Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI