Nhà chồng chê ỏng eo quà tôi tặng, cho rằng đó không phải đồ tốt

24/07/2022 - 14:47

PNO - Nhà chồng em ăn nói bỗ bã. Các anh chị, thậm chí các cháu bên chồng cũng hay đùa theo kiểu suồng sã. Và em luôn là nạn nhân của trò đùa.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 35 tuổi mới lấy chồng. Hai vợ chồng em đều là trí thức, sống ở thành phố. Em biết quê chồng ở nông thôn, bố mẹ và các anh chị chồng đều làm nông. Từ ngày còn yêu nhau em vẫn hay theo anh về thăm bố mẹ. Nhưng khi cưới nhau rồi, em mới "sốc" văn hóa nhà nông chị ạ.

Nhà chồng em ăn nói bỗ bã. Các anh chị, thậm chí các cháu bên chồng cũng hay đùa theo kiểu suồng sã. Em thì quen thật thà nên mọi người đùa gì em cũng... tin. Ngay cả khi em hỏi "con heo một ngày ăn mấy bữa", mọi người cũng trả lời kiểu đùa cợt, rồi cùng cười to lên, khiến em đỏ mặt tía tai. 

Cả gia đình chồng đều là nông dân, ăn nói suồng sã khiến nàng dâu bị sốc văn hóa - Ảnh minh họa - Internet
Cả gia đình chồng đều là nông dân, ăn nói suồng sã khiến nàng dâu bị "sốc văn hóa" - Ảnh minh họa - Internet

Khi em nói với chồng thì anh bảo mọi người chỉ đùa thôi, vì thân nên mới đùa, em nên thả lỏng.

Nhưng kiểu xuề xòa của mọi người thực sự làm em thấy không thoải mái, thậm chí em phát mệt mỗi lần chuẩn bị về thăm quê. 

Tuy là nhà nông, thu nhập thấp, nhưng nhà chồng em lại có xu hướng xài đồ xịn. Ví dụ đã không mua sắm thì thôi, còn đã sắm là phải sắm "đồ tốt". Và tiêu chuẩn đồ tốt chính là đồ dùng của gia đình giàu có nhất làng.

Ví dụ, nhà tạp hóa đầu làng (cũng là nhà giàu nhất) mua một chiếc xe đạp Nhật, thì chính loại ấy trở thành "chuẩn mực" về xe đạp ở nhà chồng em. 

Điều này làm phát sinh những chuyện dở khóc dở cười. Khi em mua tặng cháu của chồng một chiếc máy vi tính cũ, cả nhà liền xúm lại hỏi máy tính hiệu gì. Em nói chỉ là máy cũ tặng cháu dùng đỡ, thì mọi người lại nói: "Biết là máy cũ rồi, nhưng hiệu gì", làm em thấy rất khó chịu. Nếu hiệu đó khác với thương hiệu mà mọi người biết, thì sẽ lập tức bị nói: "Vậy không phải đồ tốt".

Em mới lấy chồng được sáu tháng nhưng đã muốn trốn nhà chồng vì những chuyện như vậy. Mong chị cho em lời khuyên để em đỡ khổ tâm mỗi lần về thăm quê chồng.

Trúc Hương (Dĩ An, Bình Dương)

Trúc Hương mến,

Những gì em kể không hẳn là văn hóa nhà nông, mà có thể là văn hóa riêng của gia đình chồng em. Hẳn là gia đình chồng em sống với nhau rất vui vẻ, bởi họ giống nhau ở điểm chất phác, lại thích đùa vui. Và những điều này không có gì tiêu cực, đáng trách.

Nhưng đúng là văn hóa ấy sẽ khá "chỏi" với người thành phố quen sống khép kín. Và dường như em lại thuộc típ người nghiêm túc, chuẩn mực. 

Vậy vấn đề ở đây là sự khác biệt, và ta cần tìm cách để hòa hợp, giảm thiểu những tác động tiêu cực lên tâm lý của em.

Hạnh Dung nghĩ, ta không có lý do cũng như tư cách để thay đổi văn hóa của một gia đình. Vậy, sự hòa hợp chỉ có thể bắt đầu từ chính em. 

Thứ nhất, em cần nhìn nhận đó là văn hóa tự thân của một gia đình, không thể hiện mức độ tôn trọng của họ với em. Tức là, tất cả những đùa giỡn kia chỉ thể hiện thói quen của họ chứ không có nghĩa rằng họ muốn chọc quê hay bày tỏ sự xem thường em.

Ngược lại, có thể chồng em nói đúng, vì đã xem em là người nhà nên họ mới suồng sã. Và vì không đề phòng với em, nên họ mới không buồn giấu giếm những nhận xét về một món đồ - dù là món đồ do em tặng. (Tất nhiên, trong giao tiếp tinh tế thì điều này là tối kỵ, nhưng ta không nên đánh giá người thân qua những chuyện như vậy, đúng không em?).

Thứ hai, em hãy bỏ xuống những kỳ vọng về thái độ của nhà chồng, để có thể mở lòng với những khác biệt. Kỳ vọng ấy có thể là mong muốn được trả lời lịch sự, được cảm ơn, được khen ngợi, được giao tiếp một cách tinh tế...

Tất cả những mong muốn ấy đều chính đáng, nhưng khi nó không phù hợp với đối tượng mà mình mong muốn (cụ thể là nhà chồng em), thì sẽ chỉ khiến em đau khổ. Vậy, hãy bỏ những kỳ vọng ấy xuống và hiểu rằng cách mọi người giao tiếp sẽ chỉ phụ thuộc vào thói quen, tập quán của họ mà thôi.

Cuối cùng, mọi sự hòa hợp đều có giới hạn. Sau khi em mở lòng, nếu vẫn thấy có một hành vi/lời nói nào đó của nhà chồng mà em không thể hiểu/không thể chấp nhận được, thì hãy chia sẻ suy nghĩ của mình. Em có thể chia sẻ thông qua chồng, hoặc nếu thuận lợi, có thể nói với chính người đó.

Nói một cách nghiêm túc nhưng cũng với giọng điệu chia sẻ. Và sự chia sẻ đó nằm trong giới hạn chia sẻ cảm giác của em - có nghĩa là mọi người cần biết em buồn/em tổn thương vì lời nói đó để họ điều chỉnh giao tiếp với em - điều này khác với việc em khẳng định rằng bản thân hành vi/lời nói đó là sai trái.

Tất cả những điều trên đều là các cách để mở lòng. Chắc chắn, những điều đó sẽ giúp em gần gũi hơn, bớt đi những lần "sốc" văn hóa với nhà chồng.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI