Nguyên lý thiết yếu chứ không phải “cái gì là thiết yếu”

03/08/2021 - 07:12

PNO - Việc đòi hỏi một hướng dẫn vừa nhất quán, vừa chi ly để trả lời “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là gì” sẽ ít khả thi...

Ngay đầu đại dịch COVID-19, khái niệm “hàng hóa thiết yếu” đã được các doanh nghiệp đặt ra, và kiến nghị các bộ ngành có hướng dẫn cụ thể “thiết yếu” bao gồm những hàng hóa, dịch vụ gì.

Điều 4 và Điều 15 Luật Giá 2012 đã giải thích hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những mặt hàng, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông, và các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người… Nhưng về phạm vi điều chỉnh, các quy định này được lập ra để xác định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá, doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

việc đòi hỏi một hướng dẫn vừa nhất quán, vừa chi ly để trả lời “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là gì” sẽ ít khả thi. Trong ảnh: Khách hàng đang chọn mua hàng hóa trong siêu thị
Việc đòi hỏi một hướng dẫn vừa nhất quán, vừa chi ly để trả lời “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là gì” sẽ ít khả thi. Trong ảnh: Khách hàng đang chọn mua hàng hóa trong siêu thị

Vì vậy, tại Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục hướng dẫn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bao gồm lương thực; thực phẩm; dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu… các dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…); chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa; khám cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, chữa bệnh; tang lễ…

Tuy nhiên, từ Luật Giá vốn chỉ có thể áp dụng trong điều kiện bình thường, không thể làm căn cứ để thực hiện trong các trường hợp khẩn cấp, cho đến Công văn số 2601 hướng dẫn Chỉ thị 16 đều xuất hiện những dấu ba chấm sau mỗi thành tố được liệt kê. Điều này khiến không ít bộ ngành lúng túng, kéo theo sự thiếu thống nhất giữa các địa phương về cách hiểu, áp dụng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trong công văn hỏa tốc ngày 21/7, Bộ Công thương còn lưu ý “căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tập quán tiêu dùng tại địa phương” mà Sở Công Thương đề xuất, tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho phù hợp. Và sự tất yếu “lúng túng, thiếu thống nhất” đã dẫn đến nhiều sự việc gây bức xúc trong dư luận, như vụ “đi mua bánh mì”, “giao tủ lạnh cho khách”… 

Đưa ra quy định hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là một yêu cầu hợp lý, nhằm hạn chế việc đi lại, thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc đòi hỏi một hướng dẫn vừa nhất quán, vừa chi ly để trả lời “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là gì” sẽ ít khả thi. Bởi dù cụ thể cỡ nào, nó vẫn không tránh khỏi “thói quen” cứng nhắc của các cấp thực thi, trong khi nhu cầu đời sống luôn chuyển động theo từng nhịp khó lường của dịch bệnh.

Mới nhất, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ “nới lỏng” danh mục hàng hóa thiết yếu. Cụ thể, bộ này kiến nghị ban hành danh mục các hàng hóa “cấm lưu thông”, thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông, tránh tình trạng mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về danh mục hàng hóa thiết yếu khi thực hiện Chỉ thị 16.

Để tồn tại trong đại dịch COVID-19, rõ ràng chính quyền và người dân phải thấy sự cần thiết cân bằng giữa nhu cầu gia tăng và áp lực từ điều kiện giãn cách xã hội. Các nhu cầu thiết yếu của một người đang ở trong hoặc ngoài khu phong tỏa, của dân thường hay nhân viên y tế, công vụ… sẽ khác nhau, và thay đổi theo thời gian thực hiện các chỉ thị giãn cách.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng cái gì thiết yếu sẽ phụ thuộc vào thời gian cách ly xã hội. Nếu tham dự cuộc họp một tiếng, thì ăn không phải là nhu cầu thiết yếu, nhưng cuộc họp hơn bốn tiếng thì ăn là vấn đề thiết yếu. Một người dân trong khu phong tỏa mà bếp điện bị hư thì nhu cầu mua hoặc sửa bếp lại là thiết yếu. Như vậy các dịch vụ bán, sửa chữa, vận chuyển mặt hàng này cũng trở nên thiết yếu với nhu cầu của người đó.

Có thể thấy, khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, các biện pháp giãn cách vẫn còn duy trì, câu trả lời khả dụng nhất cho câu hỏi “thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu?”, chính là hiểu và áp dụng nguyên lý về hai chữ “thiết yếu” như trên. Và có lẽ phương châm này đã được lãnh đạo một số tỉnh, thành áp dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo không kiểm tra hàng theo danh mục hàng hóa thiết yếu nữa, vì biết rằng nhu cầu mỗi người khác nhau, trong các điều kiện khác nhau. Bên cạnh vắc xin đang gấp rút triển khai, thì vũ khí căn bản trong phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là chấp hành tốt 5K, chứ không phải là sự rạch ròi hàng thiết yếu hay không thiết yếu!

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI