NGƯT Đinh Thị Hỏi: “Người mẹ” của những đứa con khuyết tật

20/11/2015 - 11:15

PNO - Vì những cống hiến cho phong trào giáo dục, bà được phong tặng Nhà giáo ưu tú. Sau khi về hưu, bà vẫn âm thầm lo cho các trẻ em khuyết tật.

Người mẹ tần tảo của trẻ em mồ côi, khuyết tật

Đã gần 70 tuổi, thế nhưng Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Hóc Môn, TP.HCM, vẫn còn rất nhanh nhẹn, linh hoạt. Nhìn nhà giáo này, ít ai có thể đoán được số tuổi thật của bà. Bà chia sẻ bí quyết: “Tôi nghĩ, được làm việc, công hiến, nhất là làm việc trong môi trường giáo dục đặc biệt với các em tàn tật, mồ côi, tôi thấy cuộc đời mình ý nghĩa và trẻ ra nhiều hơn”.

NGUT Dinh Thi Hoi: “Nguoi me” cua nhung dua con khuyet tat
Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi (mang áo dài hoa) đang ân cần giảng dạy cho những "người con" tật nguyền của mình

Ngược thời gian, Nhà giáo ưu tú chia sẻ, sau thời gian dài miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đến năm 2005, bà nghỉ hưu. Thế nhưng, đến năm 2006, Hội bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi TP.HCM ngỏ ý mời bà về trung tâm làm phó giám đốc phụ trách chuyên môn, đào tạo nghề cho các em. Bà lập tức nhận lời.

Đó cũng là cơ duyên gắn kết bà với các em mồ côi, khuyết tật. Ban đầu tiếp xúc với các em tàn tật bà cũng “sợ” lắm. Thứ nhất, trước đây, hằng ngày, bà chỉ tiếp xúc với những thanh niên bình thường. Bà hướng nghiệp, dạy nghề cho những nam thanh nữ tú. Nhưng ở trung tâm, bà tiếp xúc, dạy nghề cho những người tàn tật. Ban đầu, nhìn các em được bố mẹ đưa đến lăn lóc cả một góc nhà, bà nhìn mà rùng mình. Nhưng dần già tiếp xúc, bà “yêu” họ lúc nào không hay. Bà yêu cái nghị lực vượt lên số phận bản thân và yêu cả cái dễ thương trong con người không toàn mỹ của họ.

NGUT Dinh Thi Hoi: “Nguoi me” cua nhung dua con khuyet tat
Chăm sóc từng bữa cơm cho các trẻ em tàn tật

Đến năm 2011, khi trung tâm gặp khó khăn về nhân sự quản lý, bà được cử làm giám đốc “Là giám đốc trung tâm, tôi phải định hướng đào tạo nghề sao cho phù hợp với tình tạng bản thân tật nguyền của các em. Ban đầu tôi thử nghiệm dăm ba nghề, nhưng đến nay, trung tâm có thể đào tạo 12 nghề cho các học viên của mình như: Khởi sự doanh nghiệp, điện dân dụng, may công nghiệp, kim hoàn, thêu, tin học, mát-xa, làm hoa đất, tranh ghép gỗ, vẽ tranh sơn dầu, móc len, sửa điện thoại di động”.

Không chỉ có đào tạo nghề, bà cùng ban điều hành còn phải nghiên cứu tìm “đầu ra” công việc cho các em, tìm hướng giải quyết công việc để sau khi bế giảng khóa học, các em có nơi để làm việc. Thế nên, ngoài chuyện công tác nhiệm vụ, các em tàn tật với bà có một sự gắn bó tình cảm vô cùng đặc biệt.

Bà chia sẻ một tin vui khác, Hội bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi TP.HCM đã xin được 2 hec-ta xây dựng cơ sở thực hành, rèn luyện tay nghề cho các em. Cơ sở này hiện đang bắt đầu được khởi công và đang nhờ sự chung tay của quý vị ân nhân.

Hạnh phúc khi “các con” thành nghề

Niềm hạnh phúc đó thì không có từ nào mô tả được. Bà chia sẻ, người tàn tật, họ không chỉ tàn tật về mặt thể xác, đa phần các em còn bị tàn tật về mặt tinh thần. Họ bị mặc cảm với những người xung quanh, e dè với xã hội. Thế nên, nhiệm vụ của bà và những cộng sự là phải làm sao đào tạo để các em nhận ra được mình là một phần chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Làm sao để các em hòa nhập xã hội một cách nhanh chóng mà không e dè, đó là cả một vấn đề.

NGUT Dinh Thi Hoi: “Nguoi me” cua nhung dua con khuyet tat
Niềm vui khi thấy "các con" thành nghề

Thế nhưng bà đã làm được. Những trẻ em mồ côi, tật nguyền đến đây từ mọi miền đất nước nước, sau thời gian ba tháng, sáu tháng hoặc dài hơn, tùy theo nghề đào tạo, hầu hết các em đều thành nghề và có việc làm ổn định. Những em nào còn yếu tay nghề, kém chuyên môn, trung tâm sẽ cho ở lại thêm thời gian để đào tạo thêm. Trong khi, một số em đạt kết quả xuất sắc trong khóa học được bà gợi ý ở lại làm cộng tác viên phụ giúp các giáo viên trong việc hướng dẫn các em khóa dưới thực hành.

“Từ một người tưởng chừng như bỏ đi, sau thời gian đào tạo, các em có nghề nghiệp, được xã hội công nhận, các em không những không phải là gánh nặng của xã hội mà còn có khả năng giúp đỡ gia đình, người thân. Đó thực sự là một động viên tinh thần vô giá với các em”, bà chia sẻ.

NGUT Dinh Thi Hoi: “Nguoi me” cua nhung dua con khuyet tat

Ngoài việc đào tạo thành nghề, bà chia sẻ một niềm vui khác, từ năm 2006 đến nay, đã có 50 cặp học nên duyên vợ chồng từ mái nhà tình thương này. Tất cả họ đều sống hạnh phúc với nhau. Có nhiều cặp đã có con cái, có mái ấm gia đình đề huề. Đó là niềm vui không thể tả đối với một nhà giáo đang cống hiến âm thầm trong sự nghiệp giáo dục đặc biệt như bà.

Thành Giáp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI