Nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ những “vầng trăng khuyết”

19/04/2023 - 07:11

PNO - Tham dự chương trình giao lưu “Phụ nữ truyền cảm hứng”, cả ba cô gái khuyết tật đều mang đến cho mọi người nguồn năng lượng tích cực, nghị lực vượt qua khiếm khuyết và sống cuộc đời có ích.

Vượt lên khiếm khuyết 

Do ảnh hưởng của chất độc da cam từ người cha, 37 năm trước Huỳnh Thanh Thảo (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) sinh ra trong hình hài không bình thường, nhỏ bé và mắc căn bệnh xương thủy tinh. Cứ vận động mạnh là xương lại bị gãy nên mọi sinh hoạt của Thảo đều gắn với chiếc xe lăn.  Cũng vì thế mà thuở nhỏ Thảo không được đến trường, nhưng lại khát khao biết chữ. Chị nhớ: “Biết tôi thích học, mẹ mua cho tôi cuốn sách đánh vần lớp Một rồi ngày ngày dạy tôi. Sau 1 tháng, tôi đã biết đánh vần, làm toán. Từ đó, tôi tự tìm học qua sách, báo”.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng bằng khen cho bà Huỳnh Huệ Liên - ở phường 6, quận 4, TPHCM ẢNH: THIÊN ÂN
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng bằng khen cho bà Huỳnh Huệ Liên - ở phường 6, quận 4, TPHCM ẢNH: THIÊN ÂN

Trường hợp của chị Đào Thị Lệ Xuân cũng tương tự. Chị Xuân bị khiếm thị từ năm 3 tuổi. Đến năm 18 tuổi, Xuân một mình từ quê nhà ở tỉnh Bắc Giang khăn gói vào TPHCM để tiếp tục việc học. Hiện chị đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM và văn bằng 2 ngành tiếng Anh. Trong khoảng thời gian theo học tại Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Xuân được học chơi cờ vua, thể hiện năng khiếu vượt trội nên được chọn vào đội tuyển, thường xuyên tham gia các giải đấu khu vực và châu lục như Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á, Đông Nam Á. Đến nay, Đào Thị Lệ Xuân đã đạt 1 huy chương Đồng Châu Á (2018) và 1 huy chương Vàng Đông Nam Á dành cho người khuyết tật. 

Giúp phụ nữ khuyết tật tự khẳng định bản thân, hòa nhập và phát triển

Trong thời gian qua, các cấp hội rất quan tâm đến hoạt động tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật nhằm giúp các chị tự khẳng định giá trị bản thân, thay đổi hành vi, có cơ hội để hòa nhập và phát triển. 

Cụ thể, hội ưu tiên giúp đỡ kinh phí sửa chữa nhà, xây dựng mái ấm tình thương cho 39 phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 1.052 lượt hội viên được vay vốn với tổng số tiền 8 tỉ 778 triệu đồng, định hướng, giúp đỡ đào tạo nghề cho 536 chị, giới thiệu việc làm 886 chị...

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân

Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

 

Xuân chia sẻ: “Ở mỗi ván đấu, sẽ có những phút giây mình có thể bị sao nhãng, không sáng suốt, đó là thời điểm mình gặp nhiều thử thách, phải tự điều chỉnh tâm lý bằng cách hít thở sâu, nắm chặt hai tay để lấy lại thăng bằng và tiếp tục ván đấu”. 

Nhân vật thứ ba là nghệ nhân làm tranh giấy xoắn Trần Thị Thúy Vy (phường 4, quận 4). Vy bị teo cơ chân phải sau một cơn sốt nặng khi còn bé. Thế nhưng, chị không cảm thấy mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết mà lấy đó làm động lực để vượt khó trong học tập, lao động và trở thành một nghệ nhân có đôi tay tài hoa trong sáng tác tranh giấy xoắn. 

Hồi còn trẻ, Vy đi làm công nhân để kiếm tiền học thiết kế đồ họa. Rồi sau đó, chị xin làm nhiều việc như vẽ thiết kế hoạt hình, làm việc cho công ty tổ chức sự kiện. Mãi đến năm 30 tuổi, chị mới quyết định đi học đại học, chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp và có cơ duyên tiếp xúc với nghệ thuật tranh giấy xoắn. Lần đầu chạm đến những sợi giấy đủ màu sắc, biến chúng thành hoa lá, chị đã cảm thấy bị cuốn hút và muốn sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Truyền cảm hứng 

Nhiều người gọi chị Huỳnh Thanh Thảo là “Con én nhỏ” mang trái tim nhân ái, bởi không chỉ vượt qua khiếm khuyết bản thân mà khi vừa tròn 14 tuổi, chị đã mở lớp học tình thương, trở thành cô giáo dạy chữ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn với lượng kiến thức tự học được của mình.   

Năm 2009, Thảo ấp ủ ước mơ có một tủ sách nhỏ cho mình và các bạn thiếu nhi có nơi đọc sách. Để thực hiện ước mơ, ban đầu Thảo gom khoảng 20 quyển sách mình có và được tặng. Sau đó, Thảo tham gia các chương trình giao lưu và chia sẻ mơ ước của mình. Sau những chương trình đó, Thảo nhận được rất nhiều sách từ các bạn nhỏ và phụ huynh. Chị vẫn nhớ như in, thư viện được mở vào ngày 7/3/2009. Hôm đó là ngày cuối tuần, dù trời mưa rất to nhưng các bạn nhỏ trong xóm vẫn đến đọc sách. Niềm vui sướng ấy đã tiếp thêm động lực và quyết tâm để thư viện của chị được duy trì liên tục cho đến hôm nay. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TPHCM và bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - biểu dương những tấm gương phụ nữ khuyết tật truyền cảm hứng
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TPHCM và bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - biểu dương những tấm gương phụ nữ khuyết tật truyền cảm hứng
Huỳnh Thanh Thảo (ngồi xe lăn) luôn giữ được niềm lạc quan
Huỳnh Thanh Thảo (ngồi xe lăn) luôn giữ được niềm lạc quan

Đến năm 2010, Thảo được kết nối và một đạo diễn phim nước ngoài đã xây dựng lại thư viện khang trang hơn. “Thư viện mini Cô Ba” ra đời và duy trì hoạt động đến nay với hơn 2.000 đầu sách các loại, trở thành nơi kết nối nhiều bạn trẻ ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Thảo tâm sự: “Tôi nghĩ, mỗi người đều có cách riêng để đóng góp cho cuộc đời này. Bản thân tôi không có gì, đến sức khỏe cũng không. Tôi chỉ có tinh thần lạc quan, nên tôi chọn làm người kết nối cộng đồng, để người có cho người không có. Cũ người mới ta”.

Gần 500 triệu đồng chăm lo, hỗ trợ phụ nữ

Ngày 18/4, Hội LHPN TPHCM tổ chức chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2023. Chương trình diễn ra với các hoạt động: tổ chức 18 gian hàng giới thiệu các sản phẩm do phụ nữ khuyết tật làm ra; triển lãm ảnh phụ nữ vượt khó tiêu biểu và giao lưu với các phụ nữ khuyết tật vượt khó. Hội LHPN thành phố cũng đã tuyên dương 25 phụ nữ vượt khó tiêu biểu năm 2023, tặng quà cho 200 phụ nữ khuyết tật... Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 500.000 triệu đồng. 

Dịp này, Hội LHPN Việt Nam đã tặng 4 phương tiện sinh kế cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thuộc quận 11 và 12.

 

Nói về những dự định, Thảo cho biết đang phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức cuộc thi viết “Cảm nhận sách/truyện/nhân vật yêu thích” và lên kế hoạch tổ chức thư viện sách hoạt động cả online và offline để lan tỏa những câu chuyện hay nhiều hơn nữa.

Với mong muốn chia sẻ công việc sáng tạo của mình đến nhiều bạn khuyết tật, nghệ nhân làm tranh giấy xoắn Trần Thụy Thúy Vy quyết định mở lớp dạy nghề cho nhiều người. Cho đến nay, đã có gần 200 bạn được dạy nghề. Tại cơ sở làm tranh giấy xoắn của chị Vy hiện có 5 lao động thường trực và một số ít lao động nhận về nhà làm. Người lao động làm việc tại đây đều được chị dạy nghề miễn phí, bao ăn ở và được trả một khoản lương ổn định. “Khó khăn là không chỉ làm vì đam mê mà còn lo thu nhập cho nhiều bạn khác, tôi phải tự thay đổi, ngoài các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao thì tôi thiết kế thêm các mẫu thiệp đơn giản, giá thành thấp để dễ tìm đầu ra” - chị Vy chia sẻ. 

Báo Phụ nữ TPHCM trao vốn không lãi cho 19 phụ nữ

Trong khuôn khổ chương trình, Báo Phụ nữ TPHCM đã trao vốn không lãi suất cho 19 phụ nữ khuyết tật. Mỗi chị được vay từ 5-10 triệu đồng theo hình thức góp vốn hằng tháng. Tổng nguồn vốn hỗ trợ là 155 triệu đồng. 

Báo Phụ nữ TPHCM rất mong, với số vốn được trao, các chị có thể vượt qua khó khăn, tự tin hơn để vươn lên làm chủ cuộc sống. 

 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI