Vượt khó để khẳng định bản thân và lưu giữ văn hóa Khơ Me

17/04/2023 - 06:31

PNO - Tại buổi họp mặt cán bộ, hội viên phụ nữ Khơ Me nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây, chị Trịnh Thị Mỹ Lệ - Phó chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM - đã thu hút sự quan tâm của nhiều người nhờ múa hay, mặc trang phục đẹp, vừa là diễn viên lại vừa là biên đạo.

Đó là một cô gái Khơ Me vừa bước qua tuổi 30 với ước mơ lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ước mơ đó bắt đầu từ những ngày còn là sinh viên, khi Mỹ Lệ nhận thức được rằng: đồng bào Khơ Me có hẳn một kho tàng văn hóa độc đáo từ ngôn ngữ, các tác phẩm văn học, lễ hội cho đến nghệ thuật trình diễn dân gian… Từ một sinh viên xa nhà, Lệ lân la rồi gắn bó sinh hoạt với các hoạt động văn hóa dân gian ở các chùa Khơ Me tại TPHCM để học hỏi và mơ ước giữ gìn và phát triển nền văn hóa đó. Tham gia tập luyện, Lệ đã trở thành một diễn viên múa.

 

Trịnh Thị Mỹ Lệ (thứ hai từ phải sang) tại buổi họp mặt hội viên phụ nữ Khơ Me nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây
Trịnh Thị Mỹ Lệ (thứ hai từ phải sang) tại buổi họp mặt hội viên phụ nữ Khơ Me nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây

Niềm đam mê và tình yêu đối với văn hóa dân tộc khiến Lệ được tin tưởng bầu làm Chi hội phó Chi hội Khơ Me, thuộc Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM. Trách nhiệm đó buộc chị phải tìm hiểu xem văn hóa dân tộc mình có gì và chị có thể đóng góp ở khía cạnh nào. Biết múa, Mỹ Lệ tiếp tục tìm tòi, học hỏi để dàn dựng, biên đạo các tiết mục múa sao cho bài bản để kêu gọi, tập hợp các bạn trẻ cùng tham gia. Tuy nhiên, việc lưu giữ và phát huy văn hóa đã gặp không ít khó khăn, vì các bạn trẻ Khơ Me cũng đều bận rộn với việc học, việc làm thêm kiếm sống; kinh phí và trang phục cũng thiếu thốn nên mỗi lần diễn là mỗi lần phải thuê mướn… Nhưng chị không xem đó là trở ngại lớn và từng bước vượt qua. 

Không chỉ giỏi múa hát, hành trình chinh phục tri thức của Lệ còn khiến nhiều người ngưỡng mộ. Lệ cho biết, chị xuất thân trong một gia đình nông dân 3 đời mù chữ - mù cả ngôn ngữ dân tộc mình lẫn tiếng Việt. Nhà nghèo nên từ nhỏ Lệ đã phải lao động cực khổ để phụ giúp ba mẹ lo cho các em. “Những ngày vất vả đó khiến tôi ý thức rằng, việc ngậm ngùi trách phận như ba mẹ không thể khiến cuộc sống tốt hơn và chỉ có học mới cải thiện được bản thân và thay đổi số phận” - chị tâm sự. Nhưng việc học tập của Lệ cũng gặp không ít khó khăn khi không có người định hướng. Lệ chỉ dám nghĩ, sẽ cố gắng tốt nghiệp cấp III, nhưng sự nỗ lực đã đưa chị đi xa hơn khi đậu vào Đại học Trà Vinh. “Những ngày rời quê nghèo ra tỉnh học, tôi nhận thấy cuộc sống có nhiều điều cần phát triển hơn nữa, nên xin bảo lưu kết quả ở Đại học Trà Vinh để thi vào Đại học Luật TPHCM với lời khẩn cầu “ba mẹ cho con cơ hội để con minh chứng mình sẽ làm được” - Lệ chia sẻ. 

Trịnh Thị Mỹ Lệ trở thành biên đạo múa với ước mơ lưu giữ các nét đẹp  văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Me
Trịnh Thị Mỹ Lệ trở thành biên đạo múa với ước mơ lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Me

Khoảng 10 năm xa gia đình lên học tập tại TPHCM, để bớt nhọc nhằn cho ba mẹ, ngoài giờ học, Lệ đi rửa chén thuê ở các quán ăn, phục vụ quán cà phê, lúc rảnh thì ghé chùa phụ lau dọn để được ăn cơm chùa. Lệ chắt chiu từng chút thời gian ít ỏi để tập múa rồi đi biểu diễn, kiếm thêm tiền chi tiêu. 

“Là người dân tộc thiểu số, gia đình lại khó khăn khiến tôi hạn chế nhiều thứ, đặc biệt là tiếng Anh. Tôi bị lưu ban 1 năm vì trình độ tiếng Anh không đáp ứng. Tuy nhiên, tôi dặn lòng chỉ cần cố gắng thêm một chút, nhờ vậy mà tôi chinh phục được tấm bằng cử nhân luật” - Lệ cho biết. Không dừng lại, năm 2018, Lệ tiếp tục học cao học ngành luật song song với văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Là người nhỏ nhất, địa vị xã hội thấp nhất, không có kinh nghiệm chuyên môn nhiều như các anh chị học chung lớp, nhưng với nỗ lực không ngừng, năm 2020, Lệ trở thành thủ khoa của chương trình thạc sĩ luật hành chính và cùng lúc, tốt nghiệp loại giỏi ngành ngôn ngữ Anh. Bên cạnh những thành tích về học tập, Lệ cũng đạt giải Nhất Hội thi tuyên truyền chính sách pháp luật bằng tiếng dân tộc, trở thành biên đạo giỏi trong các điệu múa truyền thống dân tộc khi đạt được rất nhiều giải thưởng ở các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Hiện nay, ngoài công việc Phó chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, Lệ còn là phiên dịch viên tiếng Anh, diễn viên, biên đạo múa và giáo viên dạy tiếng Khơ Me, mỗi tối vẫn đến từng nhà để dạy tiếng dân tộc mình cho con em người Khơ Me đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI