Người trẻ ẩn cư

18/12/2020 - 12:01

PNO - Những chiêu trò du lịch sinh thái giờ đây có vẻ đã không còn thời thượng. “Hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng”, khung cảnh thiên nhiên qua bàn tay nhân tạo ấy, dù vẫn là khoảng không gian đáng mơ ước của bao thị dân quanh năm chen chúc nhà bê-tông máy lạnh, nhưng chẳng đủ giữ chân lữ khách quá lâu.

Con hổ trong bài thơ Nhớ rừng nức tiếng của Thế Lữ hoài nhớ thuở tự do kiêu hãnh giữa thiên nhiên hoang dã bao nhiêu, thì có lẽ con người hiện đại hôm nay cũng đau đáu cơ hội được trở về núi xanh rừng thẳm bấy nhiêu. Chính hang động, núi rừng mà loài người quyết tâm giã từ để đi “dựng xây cuộc đời mới”, giờ đây, lại là nơi có sức hút không hề nhỏ đối với thế giới văn minh. 

Chia tay vườn địa đàng chưa chắc đã là một ý tưởng khôn ngoan, và chỉ khi quá thấm thía nhọc nhằn chốn trần ai, con người mới ngộ ra mình đã nóng vội thế nào.

Bỏ phố về rừng, gần đây, không chỉ là một khẩu hiệu, mà đang dần thành trào lưu ở Việt Nam. Những người chủ trương lối sống này không ngừng tìm về thiên nhiên hoang sơ để bắt đầu “làm lại cuộc đời”, chấp nhận những khó khăn, thách thức và mạo hiểm sinh kế để được thỏa mãn đam mê trồng cây gây rừng, thuận theo tự nhiên, ngắm mây, hít gió, tắm suối, trèo đèo, lội sông…

Bốn mùa, mùa nào cũng mát. Quanh năm, tháng nào cũng trong lành. Sự khác biệt, hay chính xác hơn, sự đối lập với đô thị ngột ngạt, bon chen và áp lực chính là một điểm quyến rũ để nhiều người dứt khoát dấn thân núi rừng. Dáng vẻ an nhiên, tự tại, cộng thêm một chút phiêu lưu y hệt Robinson Crusoe trên đảo hoang càng làm cho hình ảnh cuộc sống nơi sơn dã thêm phần khí phách.

Trút hết các bộ cánh thị thành sặc sỡ, từ biệt nhà sang xế xịn, về rừng là về với khởi nguyên lao động chân tay, không rìu đá nhưng phần nhiều tự mình cày cuốc, không bùi nhùi đánh lửa nhưng đôi khi cũng phải tích trữ từng giọt đèn dầu. Dĩ nhiên, người bỏ phố nhanh chóng nhất, thường là người dư sức mua vài héc-ta đất đồi, ngoại trừ vài chiến lợi phẩm từ thiên nhiên, thì họ cũng sẵn sàng dự trữ một chút đồ ăn thức uống có dán mác phố xá. Vì thế, đáng ngưỡng mộ nhất vẫn là những người trẻ khiêm tốn tiền bạc nhưng dư dả sức lực, ý chí, lẫn niềm tự tin kiểu Mai An Tiêm “bàn tay ta làm nên tất cả”.

Ẩn cư núi rừng thôn dã không phải là một phát kiến của thời đại kim tiền. Văn hóa Việt đã quá dày dạn kinh nghiệm xuất thế và nhập thế tùy thời. Nhưng ngay cả những nhà Nho thất bại cay đắng trên con đường quan lộ, thì họ vẫn chỉ loanh quanh nơi xóm thôn làng mạc. Ở đó, ít ra, họ dạy học và bốc thuốc, còn bí bách quá, làm thầy địa lý bói toán, tệ hại hơn thì bám víu gánh chợ buôn bán vặt của vợ. Chưa thấy cơn cuồng hứng nào đổ xô về núi rừng, san đồi, bạt cây, cắm nhà hoặc dựng lều trại để mai danh ẩn tích.

Lối diễn đạt hoa mỹ “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” mà khá nhiều người trẻ hôm nay tự mãn nhắc lại, thực chất, chỉ mang giá trị tượng trưng chứ không phải là một thực tiễn phổ quát. Chẳng bậc thức giả có hiểu biết nào lại nhăm nhăm cát cứ sở hữu bằng được những sườn đồi đỉnh núi. Thiên nhiên núi rừng, cho đến đầu thế kỷ XX, vẫn là không gian mà người Việt tạo ra những huyễn hoặc, hoang đường để kính trọng và có phần sợ hãi, chứ không phải để xâm chiếm hay bỗ bã chuyển khẩu về cư trú. 

Núi rừng không đáng bị xem là một bãi đáp cho những thất bại thích nghi đời sống hiện đại. Đành rằng có người về núi rừng là muốn cho núi rừng xanh lại, muốn chim chóc muông thú không quá kinh sợ con người. Một số người trẻ ẩn cư trên núi còn để núi rừng có thêm hào quang giá trị khởi nghiệp. Song hầu hết và thực tế đang cho thấy thiên nhiên, núi rừng vẫn ở thế bị động đón nhận, còn con người thì luôn chủ động tìm đến và gán các ý niệm, quan điểm sống của mình.

Núi rừng vẫn bị sử dụng hơn là được tôn trọng, đền đáp. Chúng ta chỉ biết và khuếch trương điều chúng ta tin là tốt cho mình, mẫu mực cho số đông và ý nghĩa cho xã hội. Nhưng chúng ta không thực sự hiểu biết những tiếng nói, phản ứng của núi rừng cho đến khi phải đối mặt, chịu đựng các thiên tai, thảm họa. Ranh giới giữa thiên nhiên tươi đẹp và giận dữ, xét cho cùng, là bất khả phân biệt đối với con người. Sống ẩn cư an nhàn nơi rừng núi, vì thế, chỉ tạm thời xoa dịu cho nỗi lo lắng, hoang mang không dễ nói bằng hết của chúng ta mà thôi. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI