Người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cần được điều trị tâm lý

29/12/2022 - 16:38

PNO - Việc lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ, ngoài khát khao được đẹp hơn, đôi khi còn ẩn chứa biết bao lý do. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Xuân Long - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng, TPHCM - sẽ chia sẻ cùng bạn điều này.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Xuân Long
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Xuân Long

Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là chiếc đũa thần 

Phóng viên: Theo bác sĩ, ngoài nhu cầu chính là làm đẹp, có yếu tố tâm lý nào trong các quyết định phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) không? 

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Xuân Long: Tôi thường dành rất nhiều thời gian để nói chuyện, tư vấn cho các khách hàng có nhu cầu PTTM. Tôi chưa hiểu rõ chữ tâm lý bạn dùng trong câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi thường nói chuyện với khách hàng của mình ở góc độ sự ổn định về tâm lý của người tham gia phẫu thuật. Tôi sẽ hỏi thật chi tiết từng lý do, ngọn nguồn mọi điều để giúp họ tránh các quyết định bồng bột, các ham muốn đẹp bất chấp. Thực sự, PTTM không phải là giải pháp; không phải là chiếc đũa thần mà hễ gõ lên là lập tức trở nên xinh đẹp như kỳ vọng của mọi người. Các khách hàng của tôi phải trả lời được hết các câu hỏi một cách thành thật với chính họ: Điều gì khiến bạn quyết định PTTM? Bạn PTTM là vì chỉ muốn đẹp hơn hay vì lý do nào khác nữa?

* Có khi nào bác sĩ khuyên khách hàng đừng nên phẫu thuật? 

- Tôi đã khuyên rất nhiều khách hàng của tôi không PTTM. Chẳng hạn nếu chỉ số BMI của họ quá cao hoặc cân nặng theo ngưỡng béo phì thì tôi không thể để họ hút mỡ, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng và không thể làm cho họ có số cân nặng hợp lý. Khi không tự chăm sóc cơ thể, việc hút mỡ không thể giúp bạn hạnh phúc hơn. Thay vì vậy, hãy tập luyện, chọn chế độ ăn uống hợp lý. Bạn phải giảm cân về mức cân nặng chấp nhận được rồi mới có thể quay lại hút mỡ sau. 

Tôi từng từ chối các khách hàng muốn phẫu thuật mũi giống một ngôi sao nào đó vì mỗi người có một dáng mũi, khuôn mặt riêng. Hoặc với các khách hàng muốn phẫu thuật thẩm mỹ với lý do yếu tố xã hội, do vừa chia tay người yêu, do bị chồng phản bội… tôi cũng thường khuyên họ trở về, suy nghĩ thật kỹ, thật đầy đủ về quyết định của mình xem có cần thiết PTTM hay không… 

* Thông thường, các trường hợp nào nên cân nhắc việc PTTM, thưa bác sĩ?

- Theo tôi, trước tiên là đúng chỉ định. Nếu như quá trình sinh đẻ khiến phụ nữ gặp cảnh da bụng chùng nhão, chảy xệ, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày, đến thẩm mỹ… thì nên làm phẫu thuật, định hình lại vòm bụng để lấy lại sự tự tin.

Hay trường hợp ngực phì đại quá lớn ảnh hưởng đến tâm sinh lý hay sinh hoạt thường nhật, từ việc lựa chọn quần áo đến vui chơi giải trí; đặc biệt, nếu tình trạng đó ảnh hưởng đến cột sống, sức khỏe… thì chắc chắn tôi sẽ khuyên nên PTTM.

Hãy tự chăm sóc bản thân 

* Một số người dường như rất thích “điều chỉnh” gì đó trên cơ thể. Họ chỉnh đi chỉnh lại, thậm chí cho người khác cảm giác họ bị “nghiện thẩm mỹ”. Có thật là có tình trạng nghiện PTTM không, thưa bác sĩ? 

- Với kinh nghiệm của tôi, câu trả lời là có. Có 2 loại nghiện: nghiện thay đổi cơ thể và nghiện thuốc gây mê. Các bác sĩ thẩm mỹ có tâm sẽ nhanh chóng nhìn thấy vấn đề này và không ngần ngại khuyên khách hàng của mình nên đi trị liệu tâm lý. Nơi những người nghiện PTTM cần đến không phải bệnh viện thẩm mỹ mà là các nơi trị liệu, khoa tâm lý, bệnh viện tâm thần… để được tư vấn và xem xét các vấn đề, đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Tình trạng nghiện PTTM không hề ít, chiếm khoảng 5% khách hàng từng PTTM.

* Có cách nào hạn chế những “cơn nghiện” này?

- Thường rất khó để khuyên họ nhận ra vấn đề này. Tất cả phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ xã hội, công việc, các yếu tố bên ngoài, những yếu tố xung quanh thúc đẩy họ… ảnh hưởng đến các quyết định. 

Quan trọng nhất chính là môi trường sống. Nếu có các tương tác xã hội tích cực, một cuộc sống lành mạnh, nhiều việc để nghĩ đến, quan tâm đến… thì chúng ta tin yêu vào bản thân nhiều hơn và thường không có cơ hội nghĩ đến PTTM.

Như tôi đã nói, với những trường hợp này, nơi họ cần đến là các bác sĩ tâm lý để có những liệu pháp hợp lý. Thực tế đây cũng là một cuộc chiến không hề dễ dàng, tốn nhiều thời gian mới có thể dứt ra được. 

* Ngoài những trường hợp bắt buộc phải PTTM hoặc điều chỉnh một chút, còn cách nào khác để tự tin hơn? 

- Tôi nghĩ điều này thực ra đơn giản. Ngày nào chúng ta cũng có thể tự nói với chính mình đấy thôi: hãy tự chăm sóc bản thân. Chỉ khi chúng ta tự chăm sóc bản thân thật tốt, có cuộc sống lành mạnh, bình an, tâm hồn được tưới tắm bởi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ tự tin.

Ngoài ra, những gì xung quanh cuộc sống của bạn cũng góp phần vào sự tự tin. Khi định nghĩa sát thực nhất giá trị bản thân, bạn sẽ tìm được cách chăm sóc mình đúng và đủ. Những trường hợp tôi từ chối PTTM cũng vậy. Họ chọn PTTM chỉ vì không tự tin; thấy mình xấu xí, thấp kém… trong khi trên thực tế không phải vậy. Đó là do họ tự ti, hay so sánh mình với người khác…

* Nếu phải PTTM, làm sao để chọn những nơi có tay nghề cao và uy tín?

- Đứng trước quyết định PTTM, theo tôi, việc chọn bác sĩ có tay nghề cao là quan trọng nhất. Phải biết chính xác họ có phải là bác sĩ hay không, bởi hiện có rất nhiều người không phải là bác sĩ nhưng vẫn mạo danh và phẫu thuật cho khách một cách bình thường. 

Qua cuộc tư vấn trực tiếp với bác sĩ, thông thường chúng ta sẽ cảm nhận được tay nghề bác sĩ, kinh nghiệm của họ. Chúng ta có thể hỏi trực tiếp bác sĩ được đào tạo ở đâu, bao nhiêu năm kinh nghiệm hoặc chúng ta tham khảo trực tiếp ở sở y tế để xem chứng chỉ hành nghề của họ. Thông thường, với một bác sĩ được đào tạo tạo hình thẩm mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học, họ phải có từ 1-3 năm học thêm về ngoại khoa, sau đó học thêm 1-3 năm về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại các trường đại học y khoa lớn. Đa số các bác sĩ giỏi sẽ đi sâu vào các chuyên khoa nhỏ hơn để có thể là chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi. 

* Như vậy, có các tiêu chí nào để chọn được nơi uy tín, an toàn khi những thông tin quảng cáo thật khó kiểm chứng và cũng bởi hiện nay có quá nhiều địa điểm PTTM “chui” gây nên những biến chứng đau lòng?

- Trước hết, đừng nên đặt niềm tin quá nhiều vào quảng cáo, vào những lời giới thiệu trên mạng xã hội. Như tôi đã nói, phải tìm hiểu kỹ bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho mình (bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm…). Đó cũng là cách chúng ta hạn chế những tai biến y khoa.

Ngoài ra, bạn đừng ham rẻ mà rước họa vào thân (tại những nơi kém chất lượng, chi phí PTTM rẻ hơn rất nhiều so với các ca thẩm mỹ được thực hiện tại bệnh viện, do bác sĩ chính quy đảm nhiệm). Nên nhớ, với mọi phẫu thuật từ nhỏ đến lớn, từ gây tê tại chỗ cho đến đại phẫu, chúng ta đều cần chọn các bệnh viện đạt tiêu chuẩn, có đầy đủ bác sĩ gây mê hồi sức, có đội ngũ bác sĩ khám tiền phẫu, có bác sĩ tạo hình thẩm mỹ được bệnh viện đăng ký. 

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Tạ Khánh Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI