Người hùng cũng khóc!

11/04/2020 - 08:04

PNO - Bác sĩ đâu chỉ sống một mình, họ thường là trụ cột các gia đình. Chúng ta cần sẻ chia những mệt mỏi rất con người. Bác sĩ cũng là người.

 

1. Mấy ngày qua, các diễn đàn mạng truyền đi clip nhóm bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận vỡ òa trong nước mắt khi tất cả bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện đã khỏi bệnh. “Được về nhà rồi, mừng quá!”, những tiếng reo trên hành lang của điều dưỡng trẻ, những nụ cười ngập trong nước mắt của bác sĩ già. Họ đã có hai tuần chiến đấu cân não bên nhau để giành lại sức khỏe cho bệnh nhân.

Niềm vui của các bác sĩ Bình Thuận trong thời điểm các ca nhiễm tăng liên tiếp là liều doping tinh thần cho toàn thể nhân viên y tế, là niềm tin, hy vọng của các bệnh nhân dương tính đang điều trị, của các F1, F2 đang trong những khu cách ly và hàng triệu người Việt đang tuân thủ giãn cách xã hội. Nhưng đó cũng là niềm vui của những cá thể đang khát khao một bữa cơm gia đình. Họ đã xa nhà quá lâu.

Các y bác sĩ đã bật khóc khi bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ở Bình Thuận đã âm tính
Các y bác sĩ đã bật khóc khi bệnh nhân COVID-19 cuối cùng ở Bình Thuận đã âm tính

Khi thấy mắt tôi ngấn nước, hai cô con gái tuổi mầm non bu lấy mẹ, nhìn vào clip bác sĩ Bình Thuận rồi nức nở theo. Những đứa trẻ như các con tôi, èo uột lớn lên, hở một chút là viêm hô hấp. Tuổi thơ chúng gắn liền với những phòng khám, bệnh viện lớn nhỏ. Hồi 1-2 tuổi thì tuần nào cũng gặp bác sĩ, lớn hơn thì gặp hằng tháng, chưa tính những đợt nhập viện dài ngày. Con gặp bác sĩ nhiều, được bác sĩ cười đùa, cho kẹo, nhưng đúng là bé chưa từng thấy bác sĩ khóc. 

Mà chính tôi cũng vậy. Đây là lần đầu tôi nhìn thấy các bác sĩ bíu tay, ôm chầm lấy nhau, reo vang bên nhau. Ở một vài góc trong clip, có người đứng gạt nước mắt lặng lẽ. Trên hành lang bệnh viện này, có thể là nơi họ từng chuyển những cái xác; trong cánh cửa phòng trực kia, có thể là nơi họ ký giấy báo tử hay báo cho người nhà bệnh nhân “rất tiếc, chúng tôi đã cố gắng hết sức”. Những khi ấy, bác sĩ thường không khóc, dù lòng họ cũng cuồn cuộn những cơn sóng buồn đau.

Trong vài ca phẫu thuật của đời mình, tôi nằm với trạng thái gây tê nhưng trí óc tỉnh táo nên hay chăm chú nhìn ê-kíp y bác sĩ. Tôi mong thấy gì đó trên vùng mặt ít ỏi không bị chiếc khẩu trang và nón chụp che khuất, song không thể nắm bắt nét biểu cảm nào rõ rệt từ đôi mắt họ. Họ dành cả sự tập trung vào công việc, tránh mọi phân tán, cũng không được bộc lộ bất cứ vui buồn nào vì có thể ảnh hưởng tới tinh thần bệnh nhân. 

Nhưng hôm qua, tôi đã thấy đôi mắt một nữ bác sĩ Italia đầy âu lo, ám ảnh bên trên chiếc khẩu trang. Trong bộ hình của hãng tin Reuters, nữ bác sĩ đầy vẻ can trường trộn với lo âu, dù khoảnh khắc mệt nhoài nằm bò ra ghế hay phút suy tư, giằng xé nội tâm bên tấm gương soi. Mỗi ngày vào bệnh viện, theo chân nữ bác sĩ là nỗi lo lây nhiễm cho người thân. Mỗi khuya về nhà, dù khử trùng nghiêm cẩn, chị không được gần con, phải giữ khoảng cách với chồng. Chị ở trong phòng riêng, dùng toilet riêng và chỉ gỡ khẩu trang khi rửa mặt hay ngủ. 

Đang là vợ, là mẹ, điều gì sẽ xảy ra nếu chị nhiễm bệnh hay tệ hơn nữa là hy sinh như bao nhiêu bác sĩ Italia, Trung Quốc, Iran… đã ngã xuống? Rồi cũng chính nội tâm nữ bác sĩ tự trả lời rằng, chị đi làm mỗi ngày là vì bệnh nhân cần, vì nghề nghiệp đã chọn và chị sẽ chiến đấu như một người lính trên chiến trường - một người lính lo lắng nhưng không sợ hãi lùi bước.

2.  Những ngày này, hơn 80 bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bắt đầu 14 ngày cách ly, 45 y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cũng vào khu vực “nội bất xuất ngoại bất nhập” do có bệnh nhân dương tính trong bệnh viện. Cộng đồng y khoa lại dấy lên những nỗi lo. Bác sĩ cũng nhiễm bệnh, cũng đi cách ly, thì ai sẽ chữa trị bệnh nhân, vì theo lý thuyết, lá chắn đầu, tuyến phòng thủ đầu không được phép suy yếu. 

Phía sau đôi mắt của người thầy thuốc là những nỗi lo rất đỗi đời thường - ảnh: lê việt hùng
Phía sau đôi mắt của người thầy thuốc là những nỗi lo rất đỗi đời thường - Ảnh: Lê Việt Hùng

Những bác sĩ tôi quen, từ đầu mùa dịch đã chuẩn bị sẵn một túi đồ để sẵn sàng đi cách ly bất cứ lúc nào. Các chị còn đùa nhau “như chuẩn bị đồ sẵn sàng đi đẻ”. Thế nhưng bác sĩ đâu chỉ sống một mình, họ thường là trụ cột các gia đình, là người tranh thủ sau ca trực ghé mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho mẹ già, con nhỏ. Đi cách ly là ôm theo bề bộn nỗi lo. Nhắn cho gia đình cái tin phải cách ly trong đêm mà chưa biết những ngày tới sẽ ra sao, cũng chẳng thể hứa khi nào thì có thể về cầm bàn tay bé xinh của con mà hít hà, vì hết đợt cách ly này có thể là đợt cách ly khác hay nhiệm vụ khác.

Hôm trước, người bạn bác sĩ của tôi nói trong nhóm chát bạn phổ thông rằng cô phải ra chợ gom áo mưa tiện lợi, loại mỏng tang chỉ mặc một lần, để khi bệnh viện có ca nhiễm, toàn bộ y bác sĩ sẽ phải tự sáng tạo cách bảo vệ mình. 

Việc thiếu khẩu trang y tế và đồ bảo hộ trong các bệnh viện đang rất trầm trọng. Nhiều bệnh viện không thể trang bị cho nhân viên, nên mạnh ai nấy xoay xở. Người thì đeo khẩu trang y tế kém chất lượng mua ngoài nhà thuốc, người dùng cả khẩu trang vải không rõ nguồn gốc. Một bác sĩ từng lên tiếng kêu gọi dành khẩu trang y tế cho bác sĩ giải thích rằng: khẩu trang vải kháng khuẩn được cấp phép trên thị trường vẫn quá mỏng manh với người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiễm, vừa không thể chặn giọt bắn, vừa dính vào da, nhanh chóng ướt sũng bởi hơi thở, khiến điều kiện làm việc của bác sĩ rất tệ. Song chia sẻ của anh không hoàn toàn nhận được sự đồng cảm. Nhiều người la ó, cho rằng bác sĩ không được phép đòi hỏi cho mình, đổi sự thiếu an toàn cho cộng đồng, vì bất cứ ai lúc này cũng cần được bảo vệ.

3. Khi anh họa sĩ cho tôi xem bức phác thảo nhân viên y tế ôm bản đồ Việt Nam, tôi không ngờ bức vẽ ngẫu hứng ấy lại nổi tiếng, thành avatar của nhiều người, kêu gọi người với người hãy dựa vào nhau cùng vượt qua khó khăn.

Đó là một bức tranh đượm vẻ lo âu, mệt mỏi, có phần yếu đuối của cả nhân viên y tế lẫn tấm bản đồ đất nước, không hề giống các bức hình bác sĩ là siêu nhân hay người hùng đang truyền cảm hứng trên mạng. Có biên tập viên nọ đã góp ý tác giả sửa cho gương mặt bác sĩ “bớt buồn”, bớt vẻ lo lắng, để tấm hình có tinh thần cổ động tốt hơn. Tuy nhiên, anh họa sĩ từ chối. 

Bức biếm họa của tác giả Tuấn Anh
Bức vẽ của tác giả Tuấn Anh

Anh nói với tôi rằng, anh không sửa “vui hơn”, vì anh nghĩ cảm xúc chân thật sẽ chạm tới trái tim. Và anh đúng. Ngoài những bức vẽ, dòng thông tin để vơi bớt lo lắng, chúng ta cần sẻ chia những mệt mỏi rất con người. Bác sĩ cũng là người. 

Những ngày này, follow các bác sĩ nổi tiếng, tôi thấy nam bác sĩ nọ nức nở cả buổi khi nghe tin con mèo thân thiết đã chết. Anh cũng bần thần “nương tay” một nam bệnh nhân không chịu cách ly với con gái 8 tuổi. Vì cô bé là người chăm sóc bệnh duy nhất và nếu ra khỏi cổng bệnh viện, bé cũng chẳng còn nơi nào để về. Một anh bác sĩ viết về người thân bệnh nhân bị kẹt lại trong khuôn viên bệnh viện đang bị cách ly, “cô gái ấy không còn việc gì ở đây cả, chỉ còn tờ giấy báo tử trong tay. Người cô chăm sóc đã về khu nhà xác…”. Những dòng chữ của anh bác sĩ rất buồn…

Điện thoại của tôi, phần danh bạ có những cái tên bắt đầu bằng chữ “Bs”, có lẽ danh bạ của bạn cũng thế. Chúng ta trải nghiệm tiêu chuẩn sống hiện đại không thể tách rời với các dịch vụ y tế, sức khỏe. Nhưng chưa thời điểm nào, chúng ta thấy sức khỏe và tinh thần của họ quan trọng như lúc này. 

Hoàng Hương

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI