Người giỏi... chạy khỏi trường công

27/07/2018 - 06:15

PNO - Hàng loạt giáo viên, cán bộ quản lý giỏi đã bỏ trường công sang trường tư. Dòng chảy này đang trở thành xu hướng khiến nhiều trường công tại TP.HCM hoang mang.

Cuộc "di cư" của những giáo viên giỏi

Mới đầu hè, thầy T., giáo viên (GV) môn văn nổi tiếng của trường THCS V.L. (Q.1) nộp đơn xin nghỉ việc để chuyển về một trường tư thục. Thầy T. nổi lên trong giới GV trẻ vì sự cá tính, dám đổi mới, dám dấn thân. Những tiết học văn thoát ra khỏi sách vở không chỉ thu hút học trò mà còn được rất nhiều thầy cô giáo ở các trường bạn thỉnh giáo. Thầy được xếp vào diện hạt giống sáng giá cho quy hoạch nhân sự kế cận, cho nên sự mời gọi từ bên ngoài lại càng tha thiết. Sau thời gian dài cân nhắc, cuối cùng thầy quyết định ra đi.

Nguoi gioi... chay khoi truong cong
Học sinh trường Vinschool

Giữa hè, hiệu trưởng một trường THCS lớn tại Q.1 cũng xin nghỉ. Thông tin này trở thành cú sốc đối với làng giáo, bởi vị hiệu trưởng này năng động, sáng tạo từ hoạt động chuyên môn cho đến các hoạt động ngoài giờ, đoàn thể. Sự “máu lửa” của cô đã thúc đẩy GV phải xông xáo. Bất kể môn học nào từ văn, sử, địa đến tiếng Anh, công nghệ… cô hiệu trưởng luôn đòi hỏi GV và học sinh phải vượt ra khỏi “vùng an toàn”.

Dân trong nghề  đánh giá cô là nhân sự mà cả trường công hay tư đều khao khát. Cô đang là người đứng đầu ngôi trường mà nhiều người mơ ước, nhưng vẫn muốn ra đi. 
Cuộc “di cư” rầm rộ nhất phải kể đến Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) hồi đầu năm học vừa qua. Hai phó hiệu trưởng, bốn GV là khối trưởng khối 1, 2, 3, 5 và hai nhân viên của trường này đồng loạt xin nghỉ để chuyển sang trường tư thục.

Cùng năm học, cô L., Phó hiệu trưởng trường THCS Đ.T. (Q.1), một chuyên gia giáo dục được Microsoft công nhận, cũng nói lời chia tay trường công để về với một trường quốc tế. Những cuộc ra đi hàng loạt, lại toàn những người giỏi, khiến các nhà quản lý nhân sự choáng váng. 

Sự “chảy máu chất xám” này đã âm thầm diễn ra trong nhiều năm. Hễ một cán bộ quản lý hay GV nào nổi lên, lập tức sẽ bị các trường quốc tế, trường tư săn đón. Năm học 2016-2017, cô H., GV dạy địa lý Trường THPT T.K.N. cũng đầu quân về trường THPT Đinh Thiện Lý. Trước khi rời môi trường công lập, cô H. từng đoạt giải nhất GV sáng tạo cấp quốc gia, tham gia các cuộc thi sáng tạo của Microsoft, là một trong những GV tiên phong cho hoạt động dạy học sáng tạo. Nhiều học trò do cô hướng dẫn nghiên cứu khoa học đều giành giải quốc gia. Thiếu cô, hoạt động nghiên cứu khoa học của trường này trở nên yên ắng. 

Đi vì nhiều lẽ

Những người ra đi thừa nhận là họ vì thu nhập và nhiều thứ khác nữa. Ở môi trường công lập không quan tâm nhiều đến chuyện giữ chân người giỏi, cũng hiếm có cơ chế sa thải người không làm được việc. Sự cào bằng tạo ra môi trường bất công, dẫn đến thiếu động lực cạnh tranh, phấn đấu là những lý do khiến những người giỏi ra đi.

Loại hình trường nào cũng có ưu, khuyết

Cô N.Đ. - người có nhiều năm làm hiệu trưởng ở bậc tiểu học và từng kinh qua cả hai môi trường công lập và tư thục - nhận xét: loại hình trường nào cũng có ưu và khuyết điểm. Khi ở trường công, tôi phải lo mọi thứ, từ lương thưởng GV đến ngoại giao, chuyên môn. Và hiệu trưởng ở trường công cũng “bất lực” khi GV cứ ì ra vì cơ chế không cho phép định đoạt về nhân sự. Ở trường tư, hiệu trưởng chỉ lo chuyên môn, chỉ lo làm sao để đảm bảo chất lượng và chỉ số hài lòng của phụ huynh, còn lại mình không phải lo gì, nhưng cường độ làm việc thì rất cao. Làm không được việc, sếp sẽ mời bạn “get out” ngay. 

Sự cứng nhắc cộng với thái độ chủ quan của nhà quản lý đã đánh mất hàng loạt nhân sự giỏi ở trường công lập. Trong khi ở hệ thống trường tư, ngoài chuyện có tiềm lực kinh tế, họ còn có ưu thế đối đãi sòng phẳng, đánh giá và trả lương theo đúng năng lực cống hiến của từng người. 

Theo thầy T., thu nhập ở trường công rất thấp, chưa kể lương còn cào bằng, không có sự phân hóa, khích lệ đối với GV giỏi. “Nhiều năm nay, lương chính thức của tôi chỉ hơn bốn triệu đồng và thêm hai triệu đồng tiền chéo buổi. Dạy thêm nữa thì được hơn 10 triệu đồng. Nhưng đồng nghiệp của tôi, cũng môn chính nhưng không có tiết dạy chéo buổi thì thu nhập chưa đến bốn triệu đồng. Với mức thu nhập đó, dù nhu cầu chi tiêu không cao cũng không thể xoay xở được với cuộc sống chứ chưa dám bàn đến việc đầu tư, cống hiến cho nghề nghiệp”, thầy T. nói.

“GV muốn làm gì phải phụ thuộc “sắc mặt” của ban giám hiệu. Không phải hiệu trưởng nào cũng cởi mở, tâm lý và đồng hành với cấp dưới. Nhiều lúc, những cố gắng đổi mới của GV không được ban giám hiệu ủng hộ mà còn bị cho là “muốn nổi tiếng”. Đó là chưa kể, ở môi trường công lập làm việc quá tải, học sinh quá đông mà cơ sở vật chất không hỗ trợ nhiều cho giảng dạy theo phương pháp mới”- một cô giáo đã rời trường công sang trường quốc tế cho biết. 

Lại có không ít hiệu trưởng không được lòng cấp trên vì… quá giỏi. Ai cũng biết cô T., hiệu trưởng một trường THCS, nổi tiếng là giỏi giang, năng động, là một nhân vật sáng giá. Nhưng cũng vì thế mà cô bị cấp trên e dè và o ép đủ điều.

Trong khi đó, các trường quốc tế, tư thục liên tục tuyển dụng nhân sự với chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Chẳng hạn như hệ thống trường V., ngoài mức lương 20-40 triệu đồng/tháng đối với GV, trường còn có rất nhiều chế độ như ăn trưa, đưa đón, thưởng, đào tạo, du lịch...

“Đào tạo một GV tiềm năng mất từ 2- 4 năm, còn bồi dưỡng cán bộ quản lý phải mất quá trình lâu hơn và tùy thuộc vào điều kiện đơn vị công tác có thuận lợi hay không. Nhưng mình đào tạo xong, nhân sự nổi bật là trường ngoài họ trải thảm đỏ rước về. Đặc biệt, đội ngũ GV tiếng Anh hiện đang rời trường công rất nhiều, khiến các trường thiếu triền miên. Để giữ chân GV giỏi, TP.HCM cũng từng đề xuất thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với năng lực, trách nhiệm của nhà giáo, không cào bằng. Tuy nhiên, cũng mới chỉ là đề xuất…”, một cán bộ quản lý của ngành giáo dục TP.HCM cho hay. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI