Người già tự nhiên nứt, gãy xương do đâu?

21/09/2023 - 06:42

PNO - Loãng xương diễn tiến thầm lặng, chỉ khi người bệnh cảm thấy nhiều cơn đau dai dẳng, hoặc vô tình được phát hiện khi đi khám bệnh khác, tầm soát sức khỏe.

* Cha tôi 82 tuổi. Cách đây 6 tháng, cha bị đau lưng, đi khám bác sĩ chẩn đoán bị chèn ép dây thần kinh, gãy lún đốt sống lưng do loãng xương và đã được điều trị. Gần đây, cha tôi lại bị đau khớp gối, đi lại rất khó khăn. Xin hỏi bác sĩ lần này có phải cũng do bệnh loãng xương gây ra? Điều trị có phục hồi được không?

Lê Thành Trung (TPHCM)

Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - trả lời: Loãng xương là sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và quá trình hủy xương. Trong đó, quá trình hủy xương chiếm ưu thế. Đây là một trong những bệnh lý đáng báo động, nhưng có khoảng 80% người bị loãng xương vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị.

Có nhiều nguyên nhân gây loãng xương như di truyền, hút thuốc lá, nghiện bia rượu, bị té ngã, hoặc loãng xương do bệnh lý như cường giáp, suy thận, người sử dụng thuốc có thành phần corticoid nhiều, trong thời gian dài… Người từ sau 30 tuổi cũng dễ bị loãng xương. Loãng xương diễn tiến thầm lặng, chỉ khi người bệnh cảm thấy nhiều cơn đau dai dẳng, hay bị biến dạng xương, đau cột sống do gãy lún đốt sống, giảm chiều cao, gù… hoặc vô tình được phát hiện khi đi khám bệnh khác, tầm soát sức khỏe tổng quát. Lúc này, mật độ xương đã giảm nhiều, việc điều trị cũng khó khăn hơn.

Gãy xương do loãng xương thường xuất hiện ở các vị trí xương xốp, các khớp chịu lực như cột sống, xương vùng hông, cẳng tay, cẳng chân… khiến cơn đau kéo dài. Nếu bệnh nhân không điều trị, chỉ uống thuốc giảm đau, nguy cơ mất chức năng vận động, tàn phế. 

Tình trạng của cụ ông có thể bị loãng xương nặng, gặp sự cố nhẹ gây nứt xương. Anh nên đưa cha đến cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhằm sớm hồi phục.

Phạm An (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI