Người cuối cùng trổ hoa cho khuôn bánh Trung thu ở Hà thành

03/10/2020 - 10:57

PNO - Khuôn bánh Trung thu bằng nhựa đang lấn dần khuôn gỗ truyền thống. Song không vì thế mà gia đình ông Bản ngơi tay đục, trổ tài hoa vào từng thớ gỗ.

Sáng tạo từ truyền thống

Chúng tôi không dám hồ đồ khẳng định ở phạm vi rộng, chỉ dám chắc chắn rằng, cả Hà Nội hiện nay chỉ còn hai cơ sở làm khuôn bánh Trung thu theo cách đục, đẽo gỗ truyền thống. Một ở phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm), một ở ngoại thành (thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín). Cơ sở trên phố cổ của ông Phạm Văn Quang, vốn cũng có gốc tích từ làng Thượng Cung. Nên xét về giữ nghề làng, sống giữa làng, thì cơ sở sản xuất khuôn bánh Bản Tâm của ông Trần Văn Bản là trọn vẹn.

Sát ngày Trung thu, ông Bản hì hụi hoàn thành nốt mấy khuôn bánh để giao cho khách theo đơn đã đặt. Gỗ để ngoài tự nhiên đến độ không thể co ngót thêm được nữa, sau đó đưa vào máy cưa thành những khối chữ nhật vuông thành sắc cạnh; lại tiếp tục để gỗ dãi sự khắc nghiệt của thời tiết rồi mới kẻ vẽ và lượn lưỡi cưa để tạo hình dáng cơ bản ban đầu.

Ông Trần Văn Bản bận rộn với những khuôn bánh.
Ông Trần Văn Bản bận rộn với những khuôn bánh

Ông Bản ngồi bệt xuống sàn nhà, tay dùi, tay đục, một chân chận lên khúc gỗ - như thế khi đục đẽo, gỗ sẽ không bị trượt đi. Bên cạnh ông, có đến trăm cái dùi đủ loại, đủ kích cỡ. Trên giá, treo rất nhiều khuôn bánh, hầu hết mỗi khuôn là một mẫu riêng.

Khi thấy chúng tôi trầm trồ trước sự sáng tạo của mình, ông Bản buông đục, xua tay: "Ấy ấy, không phải tất cả các mẫu đều do tôi nghĩ ra đâu. Rất nhiều mẫu trong số này là nơi khác chuyển cho tôi và nhờ tôi làm đấy". 

Ông Bản học nghề từ bé, bởi làng ông vốn có nghề mộc lâu đời, nên trẻ con, từ khi sinh ra đã quen với những tiếng lạch cạch, lách cách. Ông kể: "Thấy các cụ làm khuôn bánh Trung thu thì tôi cũng học làm theo thôi. Khó. Nhưng dần dần cũng vỡ ra được và quen. Khi đã quen, đã thạo nghề rồi, thì bất cứ ai, chuyển cho ông bất kỳ mẫu nào, ông đều làm được". 

Sau gần 40 năm duy trì làm khuôn bánh, đến giờ ngoài những mẫu truyền thống như hoa cúc, hoa sen, cá chép…, ông Bản còn "trổ" khuôn hình rùa, hình hoa xếp tầng, thậm chí cả hình chùa Một Cột.

Nhiều loại khuôn gỗ được treo tại nhà ông Bản, không chỉ là khuôn bánh nướng, bánh dẻo.
Nhiều loại khuôn gỗ được treo tại nhà ông Bản, không chỉ là khuôn bánh nướng, bánh dẻo

Nhìn những nhát dùi vạy xuống, từng thớ gỗ bung ra, cong cong như những cánh hoa. Chúng tôi thắc mắc mãi: “Làm thế nào để ông đục được cái khuôn đúng với trọng lượng của bánh”. Ông Bản giải thích: "Có công thức hết chứ, ví dụ bánh hình vuông, nặng 400g thì đục sâu bao nhiêu cm. Bánh cá chép phần vảy sâu nhất sẽ là bao nhiêu, rồi đục nông dần về phía đuôi cá để khi cá thành hình sẽ có độ cong, đẹp". 

Lại hỏi quen tay như ông thì mới đục thẳng và "đo" theo kinh nghiệm được, chứ những người mới làm thì thế nào? Con gái ông Bản thuộc thế hệ 9X - một trong ba đứa con đang nối nghề làm khuôn của ông - cười giòn tanh tách: "Chưa quen thì vừa đục vừa dùng thước đo, làm không nhanh được. Chứ khi đã quen tay, thì em cứ thế đục thôi".

Người dùng ít hơn nhưng kén và tinh hơn

Bà Phạm Thị Tâm - vợ ông Bản xé giấy ráp để đánh cho mịn từng họa tiết dưới khuôn. Có chỗ hoa văn mảnh, sâu, bà phải gấp nhỏ mảnh giấy, cẩn thận đẩy xuống và đánh. Bà Tâm vừa đánh giấy ráp vừa giải thích: Khuôn bánh nướng và khuôn bánh dẻo làm khác nhau đấy. Bánh nướng phải làm đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều không bị cháy hay vàng không đều.

Bà Phạm Thị Tâm cũng thường giúp đỡ chồng làm khuôn bánh.
Bà Phạm Thị Tâm cũng thường giúp đỡ chồng làm khuôn bánh

Năm ngoái, một thương hiệu đặt ông Bản làm khuôn cho chiếc bánh Trung thu nặng đến 1,5 tạ. Đường kính lớn quá, chẳng thân gỗ nào đủ để làm nguyên khối, ông Bản phải làm từng phần rồi ghép lại với nhau. Nhắc đến chiếc khuôn kỉ lục đó, ông Bản nhăn trán: "Làm khuôn ghép khó lắm, vì yêu cầu các đường nét "trổ" phải khớp với nhau đến mức khi ghép lại, không ai nghĩ đó là khuôn ghép".

Cuối buổi, bà Tâm hì hụi dọn lại những khuôn bánh đủ kích cỡ, đủ các mẫu chạm trổ. Thoăn thoắt đôi tay, bà bảo: "Trước đây làm khuôn bánh Trung thu quanh năm. Quanh làng cũng nhiều người làm lắm. Nhưng mấy năm nay khuôn nhựa tràn gập, các nhà bỏ nghề hết, chỉ còn lại nhà tôi".

Quần xắn móng lợn, xếp những khuôn gỗ đã ngả màu thời gian vào thùng, bà Tâm thật thà: "Dọn chỗ này đi để làm những thứ khác, đóng cũi trẻ em, đóng ghế cũng không hết việc đâu. Làm khuôn bánh Trung thu bây giờ chỉ theo thời vụ. Trước làm quanh năm, sau làm từ tháng Giêng đến đầu tháng Tám âm lịch. Mấy năm nay thì chỉ làm từ tháng Năm, mà đấy là có mỗi nhà tôi làm. Mà những cái khuôn cũ rỉnh như này có khi bán lại được giá hơn các khuôn mới đấy. Hôm vừa rồi có người về hỏi mua cả trăm khuôn bánh Trung thu cũ, càng cũ càng tốt. Lạ nhỉ!"

Những mẫu khuôn lớn, khuôn cổ được treo tại nhà ông Bản. Có những chiếc có tuổi đời lên tới hàng chục năm.
Những mẫu khuôn lớn, khuôn cổ được treo tại nhà ông Bản. Có những chiếc có tuổi đời lên tới hàng chục năm.

Hỏi làng bỏ nghề hết rồi, sao ông bà vẫn kiên trì đến thế, mỗi ngày làm được ba chiếc cỡ phổ thông, thì sống làm sao? Ông Bản bảo: "Còn người đặt thì tôi còn làm. Ngoài những lúc làm khuôn bánh thông thường, làm được những mẫu đặc biệt cho khách xong, thấy vui lắm".

Bà Tâm có vẻ "ham vui" hơn, bà khoe: "Như năm ngoái làm xong cái khuôn bánh 1,5 tạ, người ta cứ mời hai vợ chồng - tác giả khuôn bánh lên. Thỉnh thoảng tận trong Sài Gòn cũng mời chúng tôi vào đấy. Bây giờ người dùng khuôn gỗ truyền thống giảm rất nhiều. Nhưng những người đã dùng, hình như người ta cũng tinh hơn, kén hơn". 

Nghe người phụ nữ quanh năm phụ chồng làm mộc, chăn lợn, trồng rau màu ấy gật gù nói vậy, chúng tôi chợt nhận ra, giá trị của chiếc bánh Trung thu truyền thống, không chỉ bởi người làm bánh, mà còn bởi đôi tay những người thợ đặc biệt như ông Bản và gia đình ông đã trổ vào khuôn bánh những nét tài hoa của mấy trăm năm làng nghề.

Uông Ngọc - An Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI