Người chăn nuôi cần được hỗ trợ nếu muốn bình ổn giá thịt

25/07/2022 - 10:26

PNO - Trước tình hình giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng, Chính phủ đã yêu cầu triển khai các biện pháp bình ổn giá mặt hàng này. Các nhà chuyên môn đã góp nhiều ý kiến trong đó nhấn mạnh cần hỗ trợ người chăn nuôi giữ đàn, tái đàn.

 

Các nhà chuyên môn cho rằng việc bình ổn giá thịt heo cần giải pháp tổng thể, đặc biệt là bình ổn giá thức ăn chăn nuôi  (ảnh chụp tại chợ đầu mối Hóc Môn) - ẢNH: N.CẨM
Các nhà chuyên môn cho rằng việc bình ổn giá thịt heo cần giải pháp tổng thể, đặc biệt là bình ổn giá thức ăn chăn nuôi (ảnh chụp tại chợ đầu mối Hóc Môn) - Ảnh: N.Cẩm

Ông Lê Hoàng Phong - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TPHCM) - cho biết, giá heo hơi tăng khá nhanh từ đầu tháng đến nay đã đẩy giá thịt heo sỉ (heo mảnh) tăng cao. Giá heo hơi trong nước chịu tác động của tình hình tăng giá heo hơi ở một số nước láng giềng. Thêm vào đó, nguồn cung heo trong nước giảm mạnh do người nuôi giảm đàn sau thời gian dài thua lỗ. Để có thể bình ổn giá heo hơi, ông Phong cho rằng cơ quan nhà nước cần có chính sách đảm bảo nguồn cung heo; kiểm soát dịch bệnh trên đàn heo, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi; đảm bảo con giống; bình ổn giá thức ăn chăn nuôi (TACN). 

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - sau 20 ngày tăng giá liên tục, hiện giá heo hơi đã chững lại. Chính phủ chỉ đạo có biện pháp bình ổn giá heo hơi để góp phần kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng cả nước nhưng cũng cần tạo điều kiện để người chăn nuôi tái đàn, bảo đảm nguồn cung heo cho thị trường, nhất là dịp cuối năm. Trong suốt hai năm qua, người nuôi heo lỗ nặng khi giá TACN tăng cao trong khi giá heo hơi thấp.

“Giá TACN đã tăng sáu lần (mỗi lần 400 đồng/kg) từ đầu năm đến nay và tăng 16 lần tính từ tháng 11/2020 đến tháng 7/2022 (chi phí tăng thêm 1,6 triệu đồng/tạ heo). Giá heo hơi mới tăng gần đây và chỉ người chăn nuôi nào còn heo mới bắt đầu có lời. Việc siết chặt giá heo hơi có thể khiến người nuôi hạn chế việc tái đàn. Chính phủ cũng nên nghĩ đến việc để người tiêu dùng chia sẻ với người chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi heo hồi phục. Muốn bình ổn giá thịt heo, phải bình ổn giá TACN để giảm chi phí chăn nuôi” - ông Nguyễn Kim Đoán nói.

Ông Trầm Quốc Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi an toàn Tiên Phong - phân tích: tiền mua TACN chiếm 70% tổng chi phí chăn nuôi. Khi giá TACN tăng trên 30% thì giá thành tăng hơn 20%, nâng chi phí nuôi một con heo lên hơn 1 triệu đồng, trong khi giá heo hơi không tăng trong thời gian dài, chỉ mới tăng gần đây. 

Giá thành chăn nuôi heo hiện trên 60.000 đồng/kg nhưng suốt thời gian dài, giá heo hơi dưới 60.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ. Với giá heo hơi quanh mức 70.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi mới có lời. Ông Trầm Quốc Thắng dự đoán, mức giá này sẽ “neo” một thời gian, có thể đến cuối năm. Khi có lời, người chăn nuôi mới tái đàn, nguồn cung ổn định trở lại thì giá heo hơi sẽ “hạ nhiệt”. Theo ông, hiện nay, các công ty, tập đoàn lớn cung cấp 70% lượng thịt heo cho thị trường trong nước. Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất là các doanh nghiệp chăn nuôi vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế, giá heo hơi trên thị trường do các công ty, tập đoàn lớn quyết định, chi phối. Để bình ổn nguồn cung, giá heo và giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn, các cơ quan nhà nước cần nhìn rõ thực tế này và tính giải pháp lâu dài để hỗ trợ người chăn nuôi, từ đó giữ vững ngành chăn nuôi trong nước. 

Về lâu dài, ông Trầm Quốc Thắng cho rằng, cơ quan nhà nước cần hoạch định lại ngành chăn nuôi, tạo điều kiện về vốn để phát triển những trang trại lớn. Quan trọng hơn nữa là thiết kế thị trường, duy trì sự ổn định cung cầu, tránh tình trạng người nuôi ồ ạt tái đàn khi giá tăng và đồng loạt bỏ nuôi khi giá giảm. Với nền tảng công nghệ hiện nay, có thể quản lý được lượng heo trên cả nước. Hiện đã có dự án chi tiết về điều tiết, phát triển ngành chăn nuôi bền vững nhưng quan trọng là cần sự quan tâm, quyết tâm của các bộ, ngành liên quan.

Ông Thắng nói: “Nếu Nhà nước không tái cấu trúc ngành chăn nuôi Việt Nam thì không bao lâu nữa, các tập đoàn có vốn nước ngoài sẽ thôn tính ngành này và người chăn nuôi trong nước trở thành người nuôi gia công. Nhà nước cần có giải pháp tổng thể quản lý chuỗi, quy trình chăn nuôi tự động hóa, nhất quán và phân phối đa kênh. Cần khoảng 3 - 5 tỷ USD để có thể tái cấu trúc ngành chăn nuôi trên nền tảng số”. 

Giá bán lẻ thịt heo tăng

Giá heo hơi và thịt heo bán sỉ tăng mạnh trong gần một tháng qua đã khiến giá thịt heo bán lẻ trên thị trường tăng nhanh. Ngày 24/7, tại một số chợ lẻ ở TPHCM, sườn non có giá 180.000 đồng/kg, ba rọi giá 140.000 đồng/kg, thịt đùi 110.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 17.000 đồng/kg tùy loại so với một tháng trước đó. 

Lượng heo mảnh về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn ngày 23/7 là 4.540 con. Giá heo hơi các tỉnh phía Nam hiện dao động từ 62.000 - 70.000 đồng/kg. Giá thịt heo sỉ loại 1 là 88.000 đồng/kg, loại 2 là 81.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, giá heo hơi tăng khoảng 10.000 đồng/kg nhưng sau khi qua các khâu trung gian, người tiêu dùng đang phải mua các loại thịt heo bán lẻ với mức tăng trên 20.000 đồng/kg. Nếu muốn bình ổn giá thịt heo, Bộ Công thương cần phải xem xét giá thịt heo từ khâu trung gian đến tay người tiêu dùng. 

Nguyễn Cẩm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong