Ngủ hơn 10 tiếng mỗi ngày là dấu hiệu của những bệnh gì?

02/09/2020 - 07:20

PNO - Nếu ngủ hơn 10 tiếng/ngày, bạn nên chú ý đến sức khỏe vì có thể đang gặp phải vấn đề nào đó.

Ngủ là nhu cầu của tất cả mọi người, bạn không thể tỉnh táo và khỏe mạnh nếu không được ngủ. Theo các chuyên gia sức khỏe, chúng ta nên ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm để giúp cơ thể phục hồi năng lượng và có thêm nguồn nhiên liệu mới để làm việc cho hôm sau.

Tuy nhiên, có một số người thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, thậm chí có thể ngủ hơn cả 10 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng ngủ nhiều như vậy, hãy chú ý đến việc cơ thể đang gặp một số vấn đề về sức khỏe như dưới đây:

1. Hội chứng Hypersomnia

Hypersomnia là một rối loạn giấc ngủ rất hiếm gặp, trên thế giới chỉ ghi nhận 200 trường hợp mắc hội chứng này. Rối loạn Hypersomnia khiến giấc ngủ có thể kéo dài tới 18 tiếng/ngày, từ ngày này sang ngày khác, thậm chí cả tuần. Trước khi mắc chứng bệnh này, người bệnh thường có triệu chứng như cúm, đau đầu kéo dài.

Người mắc bệnh này thường dễ bị buồn ngủ nhiều vào ban ngày, ngay cả khi đang lái xe hay làm việc, họ cũng có thể ngủ gật. Tình trạng này khiến người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và không đủ tỉnh táo làm bất kỳ việc gì.

2. Bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một chứng bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra tình trạng thèm ngủ nhiều hơn mức bình thường. Do đó, bạn cũng không nên bỏ qua dấu hiệu ngủ nhiều, nhất là với những người có tiền sử mắc bệnh trầm cảm.

3. Các bệnh lý về tim

Theo một tuyên bố gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ngủ thất thường có liên quan đến một loạt các nguy cơ về tim mạch. Những người thường xuyên ngủ từ 9 tiếng trở lên mỗi đêm có nhiều canxi tích tụ trong thành động mạch tim và các động mạch ở chân sẽ bị cứng hơn so với những người thường ngủ bảy tiếng mỗi đêm.

Do đó, ngủ quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh tim, đặc biệt là khi bạn không làm việc quá sức mà lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ. Nhiều người mắc bệnh tim nhưng vẫn không hề biết mình đang mắc bệnh vì dấu hiệu ngủ nhiều thường dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường của cơ thể.

4. Bệnh tuyến giáp

Mệt mỏi là một triệu chứng đầu tiên trong bệnh rối loạn tuyến giáp. Nếu người bệnh thấy lúc nào cũng buồn ngủ, hoặc ngủ nhiều hơn bình thường nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, thiếu năng lượng, đây có thể là bệnh nhân đang mắc chứng suy giáp.

5. Rối loạn cảm xúc theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là một loại trầm cảm liên quan đến sự thay đổi theo mùa. Các triệu chứng của người bệnh thường bắt đầu vào mùa thu và tiếp tục vào những tháng mùa đông, làm hao mòn năng lượng, luôn cảm thấy ủ rũ, mệt mỏi dẫn đến tình trạng buồn ngủ thường xuyên.  

6. Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm
Việc ngủ không đủ giấc mỗi đêm cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn ngủ nhiều hơn vào ban ngày. Thời gian ngủ hàng đêm được các chuyên gia khuyên nên từ 7 - 8 tiếng, vì vậy nếu ngủ ít hơn 6 tiếng thì cơ thể sẽ mệt mỏi, kiệt sức và thèm ngủ nhiều hơn, dẫn đến những giấc ngủ ngắn xuất hiện.

7. Mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng xảy ra khi hơi thở của một người bị gián đoạn trong khi ngủ. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị sẽ ngừng thở liên tục trong khi ngủ, có khi hàng trăm lần trong một đêm. Điều này khiến cơ thể, đặc biệt là não, không nhận đủ oxy.

Tình trạng ngưng thở khi ngủ thường xảy ra vào ban đêm, từ đó làm xáo trộn cơ thể và khiến người bệnh phải ngủ nhiều hơn để bù đủ số thời gian ngủ bị "gián đoạn" do ngưng thở.

Thu Vân (theo Brightside)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI