Ngoại giao vắc-xin: Người đi nhanh hơn sẽ giành phần thắng

28/05/2021 - 17:47

PNO - Sau khi Ấn Độ “hụt hơi” vì làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đang hoành hành thì Mỹ bất ngờ tuyên bố gửi 80 triệu liều vắc-xin cho thế giới. Điều này đã làm ảnh hưởng tham vọng dẫn đầu trong cuộc đua ngoại giao vắc-xin toàn cầu của Trung Quốc.

Khi Gayle Smith, điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo kế hoạch phân phối 80 triệu liều vắc-xin của Mỹ, câu hỏi được đặt ra là liệu có liều nào đến các nước châu Á hay chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX hay không? Liệu Washington có đi ngược lại các nguyên tắc đảm bảo công bằng vắc-xin không? Smith nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ phân bổ dựa trên nhu cầu của các quốc gia và hoàn toàn vì cộng đồng. “Chúng tôi không có ý định sử dụng vắc-xin làm phương tiện gây ảnh hưởng hoặc áp lực, và các quyết định của chúng tôi sẽ được đưa ra trên cơ sở nhu cầu, dữ liệu sức khỏe cộng đồng”, Smith nói.

Công nhân đang vận chuyển vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc được  Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia
Công nhân đang vận chuyển vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia

Thời gian gần đây, Mỹ phải đối mặt với áp lực chia sẻ nguồn cung vắc-xin dư thừa vì các trường hợp nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này giảm mạnh. Gần 60% người Mỹ trưởng thành trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi. Ở châu Á, Mỹ cùng các nước Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã kỳ vọng hồi tháng 3 rằng, họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vắc-xin toàn cầu.

Trong một phiên họp trực tuyến, họ tuyên bố sẽ mở rộng sản xuất vắc-xin bằng cách Mỹ, Nhật Bản và Úc tài trợ cho Ấn Độ - nhà sản xuất vắc-xin số 1 toàn cầu để sản xuất và phân phối đến châu Á, chủ yếu là Đông Nam Á - vào cuối năm tới. Nhưng làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ đã làm cho kế hoạch này bị ảnh hưởng.

Chính phủ Ấn Độ đóng băng xuất khẩu vắc-xin để ưu tiên tiêm chủng cho người dân trong nước. Viện Huyết thanh Ấn Độ đã không thể thực hiện cam kết sản xuất vắc-xin AstraZeneca cho COVAX. Đến nay, COVAX chỉ mới xuất xưởng 68 triệu liều đến các quốc gia đang phát triển, còn cách rất xa mục tiêu 2 tỷ liều trong năm nay.

Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất xưởng khoảng 265 triệu liều vắc-xin COVID-19 và cam kết cung cấp thêm 440 triệu liều nữa. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu vào cuối tuần qua, Trung Quốc cho biết ngoài việc cung cấp thêm vắc-xin, họ sẽ viện trợ thêm 3 tỷ USD trong ba năm tới để hỗ trợ ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Nga đã ký các thỏa thuận sản xuất 700 triệu liều vắc-xin Sputnik V ở nước ngoài. Nhưng tính đến ngày 12/5, họ mới sản xuất 33 triệu liều và xuất khẩu ít hơn 15 triệu liều. Moscow được cho là đang đàm phán với các công ty dược phẩm Ấn Độ và 20 nhà sản xuất khác ở 10 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Kazakhstan để sản xuất vắc-xin.

Yury Yarmolinsky, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược Belarus, cho biết trong cuộc đua ngoại giao vắc-xin, người chiến thắng sẽ là người đi nhanh hơn từ tuyên bố và thực hiện các bước cụ thể. Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc đua hiện tại chỉ còn là Trung - Mỹ, bởi Ấn Độ đã bị làn sóng COVID-19 thứ hai nhấn chìm.

Giáo sư Bakshi Hardeep Vaid, Đại học Khoa học thông tin và Công nghệ Nam Kinh, cho biết Ấn Độ đã ghi nhận hơn 26 triệu ca nhiễm và đang đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng, với chỉ khoảng 13% trong số 1,4 tỷ người được tiêm - sẽ không có thể giúp cung cấp vắc-xin cho thế giới vào thời điểm này. Tờ The Hindu đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao S.Jaishankar dự kiến ​​sẽ đến Mỹ trong tuần này để cố gắng mua thêm vắc-xin.

“Delhi thậm chí đã cho phép các bang của Ấn Độ nhập khẩu vắc-xin từ các nhà sản xuất quốc tế”, Vaid nói, đồng thời cho biết thêm Nhật Bản và Úc cũng đang ưu tiên tiêm chủng cho người dân của nước này. 

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép vắc-xin do Tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc sản xuất, mở đường cho việc phân phối vắc-xin của Trung Quốc thông qua chương trình COVAX. Tuy nhiên, những lo ngại về hiệu quả các mũi tiêm của Trung Quốc - vốn cho thấy tỷ lệ bảo vệ thấp hơn so với các loại vắc-xin khác - có thể làm ảnh hưởng đến sự dẫn đầu của Bắc Kinh, nhất là ở một số quốc gia, người dân phản đối các mũi tiêm do Trung Quốc sản xuất.

Thảo Nguyễn (theo AFP, SCMP, AP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI