Mùa hè “cho đi” của sinh viên TPHCM

23/07/2025 - 06:15

PNO - Gia sư áo xanh là chương trình tình nguyện do Thành đoàn TPHCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Chương trình nhằm hỗ trợ kiến thức cho con em công nhân, người lao động.

9g ngày 19/7, gần 30 trẻ từ mẫu giáo đến lớp Tám lần lượt kéo đến Khu lưu trú văn hóa số 51 (xã Tân Nhựt). Em nào cũng đem theo sách giáo khoa, tập vở, bút viết, thước kẻ… để tham gia lớp học hè của những gia sư áo xanh.

Lớp học đa trình độ

Vừa bước vào lớp, em Nhã Văn - chuẩn bị lên lớp Bốn - vội đặt tập vở lên bàn, hớn hở hỏi các gia sư áo xanh: “Hôm nay, mình học gì vậy anh chị? Học kỹ năng hay sẽ giải bài tập ạ?”. Nghe anh chị trả lời sẽ học kiến thức, Văn liền lấy sách tiếng Việt ra, cẩn thận dò lại từng chữ trong bài Những ngày hè tươi đẹp.

Lớp học tại Khu lưu trú văn hóa số 51, xã Tân Nhựt được chia theo nhóm để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức - ẢNH: NGỌC BỘI
Lớp học tại Khu lưu trú văn hóa số 51, xã Tân Nhựt được chia theo nhóm để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức - Ảnh: Ngọc Bội

Để bắt đầu lớp học, 8 gia sư áo xanh là những sinh viên chia học sinh thành nhiều nhóm theo độ tuổi. Lê Mai Quỳnh Như - sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM, cũng là điểm trưởng - phụ trách học sinh từ lớp Ba đến lớp Năm. Tùy theo khả năng của từng trẻ, Như giao nội dung bài tập môn tiếng Việt dài ngắn khác nhau. Sau đó, Như đến xem từng bạn đọc, viết, nhận xét và sửa lỗi.

Phía đối diện, Nguyễn Duy Tân - sinh viên Trường đại học Văn hóa TPHCM - say sưa giảng bài cho 1 học sinh chuẩn bị lên lớp Bảy: “Số hữu tỉ là bất kỳ số nào có thể viết được dưới dạng phân số, trong đó cả mẫu số và tử số đều là số nguyên và mẫu số là một số khác 0. Nhắc đến số hữu tỉ là mình phải nhớ ngay đến phân số nha”. Thấy trẻ còn hoang mang, Tân tiếp tục: “Ví dụ, các em có 1 chiếc bánh, sau đó chia làm 4 phần bằng nhau và ăn 3 phần. Như vậy, số bánh đã ăn là 3/4. Số này chính là 1 số hữu tỉ, vì nó là phân số với tử số (3) và mẫu số (4) đều là số nguyên, và mẫu số khác 0”. Lúc này, em mới “à” lên một tiếng rồi viết những điều thầy vừa nói vào tập.

Lớp học này được tổ chức từ đầu tháng 7/2025, vào sáng thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, từ 9g đến 11g. Năm thứ ba tham gia lớp học, em Lê Nhã Thi - học sinh lớp Sáu - bộc bạch: “Các anh chị dạy rất dễ hiểu vì hay lấy ví dụ gần gũi, giảng lại nhiều lần khi em chưa hiểu. Em thấy mình học tốt hơn, có ý thức ôn lại bài cũ và làm bài tập về nhà. Khi đến lớp, anh chị giảng bài mới em cũng tiếp thu nhanh hơn”.

Tại Khu lưu trú văn hóa số 01 (xã Đông Thạnh), 1 lớp học gia sư áo xanh khác cũng diễn ra vào cuối tuần cho khoảng 12 học sinh. Chị Kiều Vy - phụ huynh của lớp - chia sẻ: “Các bạn ở đây rất kiên nhẫn. Khi các bé quên bài thì giảng lại tận tình. Con gái tôi rất thích khi được học tại đây, hôm nào về nhà cũng ríu rít kể lại bài học cho ba mẹ nghe”.

Gia sư áo xanh là chương trình tình nguyện thường niên do Ban Công nhân lao động Thành đoàn TPHCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức. Chương trình nhằm hỗ trợ phụ đạo, ôn tập kiến thức cho con em công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM. Ngoài ra, hoạt động còn trang bị các kỹ năng thực hành xã hội, năng khiếu thông qua những trò chơi sáng tạo, ngoại khóa…

Cá nhân hóa bài học

Rời khỏi vai trò thành viên tại Khu lưu trú văn hóa số 51, Nguyễn Duy Tân trở thành đội trưởng đội hình tại Khu lưu trú văn hóa số 48 (phường Tân Tạo). Tân kể: “Ngay buổi dạy đầu tiên, 1 bé đến gần tôi và nói: Thầy ơi, bữa sau thầy dạy con nha, con muốn thầy dạy con. Từ hôm đó trở đi, ngày nào bé cũng tìm đến tôi để học. Có hôm, tôi bận không đến được, hôm sau bé liền chạy lại hỏi: Thầy đi đâu mà không đến dạy con? Được một đứa trẻ tin tưởng như vậy là điều không dễ, nên tôi thật sự cảm thấy rất hạnh phúc”.

Học sinh tại Khu lưu trú văn hóa số 01, xã Đông Thạnh tham gia hoạt động xé giấy dán tranh - ẢNH: NGỌC BỘI
Học sinh tại Khu lưu trú văn hóa số 01, xã Đông Thạnh tham gia hoạt động xé giấy dán tranh - Ảnh: Ngọc Bội

Cũng theo Duy Tân, lúc mới tiếp nhận công việc, nhóm khá lo lắng vì sự khác biệt giữa chương trình mới và những gì các thành viên từng học. Do đó, nhóm dành ngày đầu tiên để vừa tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của các bé, vừa lắng nghe kỳ vọng của phụ huynh thông qua trò chơi “Ước mơ - Chúng ta của ngày xưa và chúng ta của bây giờ”. Từ đó, nhóm nghiên cứu chương trình học mới, soạn các nội dung trọng tâm và đặc biệt là chuẩn bị thật nhiều ví dụ thực tế, dễ hiểu.

“Chương trình mới đổi mới về mặt hình thức như số liệu, hình ảnh trực quan sinh động hơn, còn nền tảng kiến thức, công thức tính toán thì căn bản vẫn giữ nguyên. Mỗi ngày, nhóm tập trung ôn kỹ kiến thức cũ cho các em, rồi từng bước lồng ghép thêm kiến thức mới để các em không bị bỡ ngỡ khi bước vào năm học sắp tới” - Tân chia sẻ bí quyết.

Nguyễn Ngọc Hùng Duy - sinh viên Trường đại học Sài Gòn - cũng đang phụ trách 2 lớp học tại 2 phường khác nhau. Ban đầu, Duy nghĩ việc dạy cho các em nhỏ sẽ không mấy khó khăn, chỉ cần chuẩn bị một bài giảng thật hay là được. Nhưng rồi, sau vài ngày đi dạy, Duy nhận ra trình độ của các em không đồng đều. Kiến thức vì thế phải điều chỉnh lại, không bó hẹp trong nội dung sách giáo khoa mà bám sát khả năng tiếp thu của từng em. “Tôi muốn các em nhỏ không bị tụt lại phía sau, được học đầy đủ và có động lực vươn lên. Nếu có cơ hội, tôi sẽ tiếp tục tham gia trong những năm tới” - Duy chia sẻ thêm.

Nói về những giá trị nhận được sau hành trình “cho đi”, Nguyễn Ngọc Anh Hiếu - sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho biết, đã được trải nghiệm việc đứng lớp, học cách truyền đạt kiến thức và làm quen với tính cách của từng học sinh. Những buổi dạy tuy ngắn ngủi nhưng chỉ cần 1 ánh mắt chăm chú hay một lời cảm ơn từ học trò cũng đủ tiếp thêm động lực cho Hiếu. Còn đối với Lê Mai Quỳnh Như, lớp học gia sư áo xanh không khác gì 1 kỳ thực tập sớm. Những câu hỏi hồn nhiên, những chia sẻ thật lòng từ học trò và phụ huynh khiến cô sinh viên sư phạm càng thêm yêu nghề giáo.

Ngọc Bội - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI