Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) - Ngôi nhà ấm tình người của thương bệnh binh:

Bài 1: Gửi tuổi đôi mươi lại chiến trường

23/07/2025 - 08:29

PNO - Trong căn phòng tươm tất hay trên chiếc xe lăn, câu chuyện về ý chí kiên cường và những ước mơ giản dị của thương bệnh binh vẫn tiếp tục được viết, như một bản hùng ca thầm lặng giữa đời thường.

3 người nhưng chỉ còn 2 chân

Ngồi tựa lưng vào tường, bà Thạch Thị Lâm (75 tuổi) đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Căn phòng rộng chừng 30m2 của bà sạch sẽ, tươm tất, đầy đủ tiện nghi. Trên bàn, bức ảnh Bác Hồ và những bức ảnh chụp bà trong bộ quân phục được đặt trang trọng. Là người năng động và lạc quan, bà cùng chiếc xe lăn rảo khắp khuôn viên rộng gần 4ha của Trung tâm Nuôi dưỡng thương bệnh binh và người có công Long Đất. Khách đến đều được bà đón tiếp niềm nở.

Nhìn bà Lâm, ít ai hình dung được những điều bà đã trải qua. Năm 1968, 17 tuổi, Thạch Thị Lâm đã xin cha mẹ khai tăng 1 tuổi để được tham gia cách mạng. Sau 3 tháng huấn luyện ở binh trạm 11, tiểu đoàn 2, trung đoàn 17, Binh trạm Công binh, cuối năm 1968, bà được phân công sang chiến trường Lào, làm đường, khai thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa bộ đội vào căn cứ, tải thương binh. Căn cứ hoạt động ở rừng núi nên nhiều ngày, bà không nhìn thấy dân, không nghe tiếng chó sủa hay tiếng trẻ con khóc.

Trung tâm Nuôi dưỡng thương bệnh binh và người có công Long Đất rộng gần 4ha, hiện nuôi dưỡng 46 thương bệnh binh nặng - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Trung tâm Nuôi dưỡng thương bệnh binh và người có công Long Đất rộng gần 4ha, hiện nuôi dưỡng 46 thương bệnh binh nặng - Ảnh: Nguyễn Quang

Đầu năm 1971, trên đường đưa bộ đội vào căn cứ, một tiếng nổ vang ngay dưới chân bà. Dưới ánh trăng mờ lúc 5g sáng, bà dùng tay nâng chân phải lên thì nhìn thấy máu phụt ra từng dòng. Bà bóp chặt cẳng chân vừa đạp phải mìn để tránh mất máu quá nhiều rồi gọi đồng đội hỗ trợ. Tỉnh lại trong trạm xá, bà thấy bàn chân của mình đã nát qua khỏi mắt cá. Bà được các y, bác sĩ thông báo phải cắt bỏ không chỉ bàn chân bởi trong lúc được đồng đội cõng trên lưng băng rừng chạy về trạm xá, đôi chân bà thõng xuống quệt vào đất, bụi khiến vết thương nhiễm trùng nặng.

Nghe nói phải cắt bỏ chân, bà dặn các y, bác sĩ để lại đầu gối để sau này còn bò được. Bà kể: “Khi tỉnh lại sau ca mổ, nhìn xuống không thấy đầu gối đâu, tôi khóc um lên. Tôi không biết mình sẽ sống thế nào với 1 chân còn lại ở tuổi 20. Các anh chị trong trạm xá dỗ dành, an ủi tôi gắng điều trị để sau này đi chân giả. Không thể thay đổi được gì thì phải chịu, chứ tôi vẫn cứ tiếc mãi cái đầu gối”.

Chiều chiều, ở phòng điều trị, nhìn ra cửa sổ, thấy các nữ y sĩ tung tăng trong bộ quân phục, bà nhìn xuống chân mình rồi tủi thân khóc. Đôi lần, bà có ý định ráng lết ra ngoài, nhảy xuống giếng quyên sinh, nhưng chưa kịp làm gì thì được đưa về nơi điều trị mới. Ở đó, nhìn xung quanh toàn thương binh, có người mất cả 2 mắt, có người cụt cả 2 tay 2 chân, bà thấy mình vẫn còn may mắn hơn rồi tự động viên mình sống lạc quan.

Ở căn phòng kế bên, ông Phạm Quốc Chính (73 tuổi) còn đủ 2 chân nhưng không thể tự đi đứng được do chấn thương cột sống. Ông kể, thời thanh niên, ông tham gia ban hậu cần may mặc. Sau đó, ban này giải tán, ông chuyển sang bộ binh. Tháng 4/1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng tàn quân của địch rút về Tây Nguyên đầu quân cho Fulro phá rối chính quyền. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ truy quét địch. Trong một đợt truy kích địch ở núi Voi gần chân đèo Prenn (tỉnh Lâm Đồng), ông bị đạn bắn từ ngực xuyên trúng cột sống, liệt 2 chi dưới và cánh tay phải. Năm đó, ông mới 23 tuổi.

Tiếng hát hoà trong tiếng khóc, cười

Cùng với bà Lâm, ông Chính, nhiều cựu chiến binh ở Trung tâm Nuôi dưỡng thương bệnh binh và người có công Long Đất cũng đang sống với vết thương không thể chữa lành. Khi tôi hỏi có gì vui không, ông Nguyễn Văn Khả buột miệng hỏi: “Em ca bản Tuyết lạnh mùa đông cho chị nghe được không?”. Mặc dù đã 60 tuổi, ông vẫn xưng “em” với mọi người. Dường như ký ức của ông dừng lại vào thuở đôi mươi như khi còn ở chiến trường.

Bà Thạch Thị Lâm trò chuyện cùng các anh em thương bệnh binh ở trung tâm - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Bà Thạch Thị Lâm trò chuyện cùng các anh em thương bệnh binh ở trung tâm - Ảnh: Nguyễn Quang

Nhận được tràng vỗ tay hưởng ứng từ những vị khách lạ đến thăm trung tâm, ông Khả cố đứng cho thẳng thớm rồi bắt đầu cất tiếng ca ngay tại hành lang phòng bếp. Giai điệu bi hùng của khúc ca chiến trận vang lên xóa tan sự yên ắng của khoa chăm sóc thương bệnh binh tâm thần. Ở những băng ghế đá ngoài sân, dưới tán xoài mát rượi, các thương bệnh binh khác cũng quay mặt hướng về phía ông Khả với vẻ mặt vô hồn, ngơ ngác. Thỉnh thoảng, tiếng khóc, cười bất chợt vang lên. Có vẻ như đó là điều rất bình thường ở nơi này, bởi câu vọng cổ của ông Khả không bị những tiếng khóc, cười làm ngắt quãng, và các nhân viên trung tâm vẫn tiếp tục công việc đang làm.

Khoa Tâm thần của Trung tâm Nuôi dưỡng thương bệnh binh và người có công Long Đất đang chăm sóc và điều trị cho 14 người. Những vết thương nơi sọ não khiến họ không nhớ rõ chuyện đã qua. Thậm chí, có người không thể nhớ nổi tên mình. Trong 14 người, ông Khả còn tỉnh táo nhất bởi còn nhớ rõ quê hương, tên tuổi mình và còn nhớ chính xác mình đã ở trung tâm gần 25 năm.

“Bây giờ bác Khả mong ước điều gì nhất?”. Nghe hỏi, ông Khả vừa nói, vừa lắc đầu ra vẻ bất mãn: “Muốn cưới vợ mà bà má không cho. Bao nhiêu lần rồi, em xin về quê giăng lưới kiếm tiền cưới vợ mà bả nhất định không cho. Không biết má em nghĩ gì nữa”. Đã quen nghe bệnh binh Khả phàn nàn chuyện cưới vợ, hộ lý Lê Thị Hạnh nhìn ông, cười hiền: “Thương tật khiến các cô chú nhớ nhớ quên quên, mà quên nhiều hơn nhớ, nên có khi hành động như những đứa trẻ”.

Nghe chị Hạnh nói, bà Trương Thị Mong - cựu chiến sĩ biệt động - buông một câu triết lý bằng giọng Huế đặc sệt: “Thương tật khiến tôi là người khổ, nhưng cũng là người sướng nhất. Sướng vì tôi đã quên đi rất nhiều chuyện. Những vui buồn sướng khổ của cuộc đời, tôi chẳng nhớ mô”.

Đưa tay sờ vết thương, bà Lâm hài hước: “Nhiều khi sáng mấy anh chị em thương binh chúng tôi ngồi lại uống trà với nhau, tôi ngồi đếm, trời ơi, 3 chị em mà có 2 cái chân. Chú Minh cụt cả 2 chân, còn tôi và chú Thắng mỗi người mất 1 chân”.

Mái nhà chung của thương binh

Trung tâm Nuôi dưỡng thương bệnh binh và người có công Long Đất được thành lập từ năm 1977, đang nuôi dưỡng 46 thương binh nặng (xếp hạng 1/4, giảm khả năng lao động từ 81 - 96%) đến từ 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là nơi duy nhất ở phía Nam chăm sóc thương binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Ông Tống Đức Bình - Giám đốc trung tâm - cho hay, ngoài nuôi dưỡng 46 thương binh nặng, trung tâm còn có nhiệm vụ đón, điều dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và những người có công của các tỉnh, thành phía Nam theo chế độ nhà nước. Ông nói: “Trung tâm là mái nhà chung mà các bác sẽ gắn bó cho đến khi qua đời. Điều mà lãnh đạo trung tâm và các bác thương bệnh binh mong mỏi nhất là nhận được sự quan tâm của thế hệ trẻ. Những chuyến thăm hỏi, chuyện trò, động viên sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau và khoảng trống trong cuộc sống của họ”.

Kỳ cuối: Tình người xoa dịu vết thương chiến tranh

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI