Nghệ sĩ gian truân nối nghiệp cha mẹ

19/06/2018 - 11:17

PNO - Sinh ra trong những gia đình có truyền thống nghệ thuật, các nghệ sĩ thường sớm được rèn nghề và có lợi thế nhất định. Tuy nhiên, chặng đường lập nghiệp của họ không phải lúc nào cũng trải hoa hồng.

Tống Hạo Nhiên: Hát hội chợ bị khán giả chọi đá, xúc phạm

Ca sĩ Tống Hạo Nhiên tên thật là Đặng Hoàng Minh, con trai của nghệ sĩ cải lương, diễn viên Kim Phương. Bố mẹ ly thân từ năm học lớp Năm cùng việc nghệ sĩ Kim Phương phải gánh vác thêm trách nhiệm cho gia đình ngoại nên khi lớn lên, Tống Hạo Nhiên không học đại học mà nhận việc giữ xe để có tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống.

Nghe si gian truan noi nghiep cha me
Tống Hạo Nhiên và mẹ - nghệ sĩ Kim Phương

Để theo đuổi con đường ca hát, Tống Hạo Nhiên gặp không ít khó khăn vì không được đào tạo bày bản. Thời gian đầu, anh cùng những người bạn lập ra nhóm nhạc FMF. Tuy nhiên, ở thời điểm đầu những năm 2000, nhóm không có sức cạnh tranh với những cái tên đình đám như 1088, AXN, Mây Trắng, Mắt Ngọc… Chỉ sau 3 tháng hoạt động, nhóm trưởng bỏ ra nước ngoài, ba thành viên còn lại, trong đó có Tống Hạo Nhiên, phải gánh số nợ đặt làm trang phục, thu nhạc, dựng bài, vũ đạo mà lại không có show.

Năm 20 tuổi, Tống Hạo Nhiên trở thành kỹ thuật viên phòng thu của nhạc sĩ Yên Lam. Sau 4 năm, anh mới chính thức theo nghề ca hát nhân dịp phòng thu tìm người để đào tạo thành ca sĩ mới. Tống Hạo Nhiên được giới thiệu đi hát ở các tỉnh xa. Và cũng chính nơi đây, nam ca sĩ đối diện khá nhiều khó khăn.

Nghe si gian truan noi nghiep cha me
Nam ca sĩ từng đi hát hội chợ và đối diện nhiều khó khăn để có thể trụ được với nghề

“Tôi từng là ca sĩ hát lót. Hát một bài khán giả còn nghe nhưng nếu hát thêm, khán giả sẽ quá khích, chọi đá, dùng lời lẽ nặng nề xúc phạm. Đêm nào được lên sân khấu hát thì mới có tiền. Còn nếu cứ trang điểm mặc quần áo mà ngồi đợi thì chỉ được tiền cơm, chứ không đủ tiền lương”, nam ca sĩ tâm sự. Tuy nhiên, trong quãng thời gian này, Tống Hạo Nhiên cho rằng anh may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác bởi mỗi đêm lên sân khấu sẽ có cát-sê 500 nghìn đồng, trong khi đó mức thu nhập của những người khác chỉ từ 250 nghìn đến 300 nghìn.

Đến hiện tại, sau 7 năm đi hát, Tống Hạo Nhiên vẫn còn buồn và tiếc nuối khi đã ra một số sản phẩm nhưng vẫn chưa định hướng được dòng nhạc và chưa ghi được dấu ấn với khán giả.       

Video clip Tống Hạo Nhiên hát Cha yêu:

 

Huyền Trâm: Nỗi niềm cô đào hát tỉnh lẻ

Huyền Trâm được khán giả biết đến rộng rãi khi chính thức xuất hiện ở chương trình Sao nối ngôi mùa thứ ba. Huyền Trâm là con gái của nghệ sĩ cải lương Đằng Giao. Với thân hình mũm mỉm nhưng chất giọng đầy nội lực pha chút hài hước, cô gái này đã tạo được ấn tượng tốt sau 3 đêm trình diễn trên sân khấu lớn. Hiện tại, Huyền Trâm và gia đình vẫn sống và hoạt động chủ yếu tại TP. Cần Thơ.

Nghe si gian truan noi nghiep cha me
Huyền Trâm có thân hình mũm mỉm, gây ấn tượng khi xuất hiện trên sân khấu lớn. Dẫu vậy, giọng hát của cô vô cùng nội lực.

Với vẻ ngoài tươi tắn, giọng nói như luôn chứ đựng niềm vui, sự phấn khởi, Huyền Trâm cho biết nếu nói bản thân có nỗi buồn thì chẳng ai tin. Được theo nghề từ bé nên cô gái này có được nền tảng khá tốt. Tuy nhiên, Huyền Trâm vẫn luôn tồn tại nỗi buồn, sự nuối tiếc khi không được phát huy bản thân trên một sân khấu đúng nghĩa.

“Trước khi lên truyền hình, tôi chỉ đi hát ở quán, không được đóng tuồng, đóng tích và có những vai diễn rõ ràng. Tôi và cha chưa có cơ hội để làm nghề một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng đi hát ở đám cưới, đám ma và những đám tiệc mà khách yêu cầu, miễn có cơ hội sống tiếp tục với nghề và được có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Tôi từng xem Sao nối ngôi 2 mùa trước và mơ ước được đứng trên sân khấu lớn để đến gần với khán giả hơn. Tuy nhiên, mẹ tôi cũng khuyên phận mình là nghệ sĩ tỉnh lẻ nên cũng rất khó khăn để được chú ý. Nhưng may mắn, cuối cùng Tổ nghiệp đã soi sáng và cho tôi cơ hội”, Huyền Trâm bộc bạch.

Video clip Huyền Trâm trình diễn vở tuồng Tấm Cám được làm mới:

 

Đi hát là thu nhập chính của Huyền Trâm và gia đình nên đắp đầu này, bù đầu kia cũng chỉ đủ sống. Cô cho biết ngày trước khi thân hình còn ốm, chưa tăng cân như hiện tại thì việc đi hát dễ dàng hơn. Trong khi đó, khán giả vẫn chuộng người có ngoại hình bắt mắt nên cách tốt nhất là phải trau dồi giọng hát để khi cất lên họ phải nhìn Huyền Trâm với ánh mắt khác.

Cuộc sống hiện tại của Huyền Trâm vẫn còn một số khó khăn nhất định do nghề hát cũng có mùa vụ: “Mỗi năm đều có những tháng làm được, nhưng cũng có thời gian hầu như không có show gì cả. Việc đi hát ở quán cũng thế, có hôm cả ngày vẫn không có khách đến để yêu cầu hát”. Dẫu vậy, với Huyền Trâm, niềm đam mê ca hát vẫn chưa bao giờ bị dập tắt. Cô luôn muốn gắn bó và tận tâm để luôn có cơ hội phục vụ khán giả.                                                             

Hoàng Hải: Nghệ sĩ trẻ chưa được mọi người tin tưởng

Hoàng Hải là con trai của nghệ sĩ cải lương Ngọc Dung, ông ngoại là bầu gánh đoàn cải lương Thăng Long. Dù còn khá trẻ, Hoàng Hải đã sớm ý thức được việc gìn giữ, nối nghiệp mẹ để tiếp tục đóng góp cho bộ môn nghệ thuật truyền thống. Trong những năm qua, Hoàng Hải hoạt động và nhận được sự giúp đỡ từ mẹ cũng như các cô, chú, anh, chị trong đoàn hát Trần Hữu Trang. Tuy nhiên, không thoát khỏi vòng xoay của những nghệ sĩ trẻ khi lập thân, lập nghiệp, Hoàng Hải cũng đối diện không ít khó khăn.

Nghe si gian truan noi nghiep cha me
Hoàng Hải sớm theo đuổi nghệ thuật cải lương để giữ nghề cho gia đình

“Là một nghệ sĩ trẻ, chưa thể hiện được bản thân nhiều nên nhiều lúc tôi chưa được mọi người tin tưởng, chưa được giao vai nhiều. Nhiều lúc tôi cảm thấy tủi thân, có khi cả tháng không có vai để hát. Có thời điểm, tôi chán nản đến mức không muốn cố gắng nữa, suy nghĩ cứ yên phận tìm một công việc tay trái rồi lâu lâu đi hát một lần”, Hoàng Hải tâm sự.

Trong những lúc khó khăn đó, gia đình, đồng nghiệp là những người bên cạnh ủng hộ, khuyên giải để Hoàng Hải có thêm suy nghĩ tích cực tiếp tục hoạt động. Tìm cách trụ lại với nghề, Hoàng Hải lấn sân tham gia các gameshow. Tuy nhiên, việc làm này lại tiếp tục tạo ra những khó khăn mới cho anh: “Sau khi tham gia các gameshow, quay lại hát cho đoàn, theo thói quen, tôi vẫn chú trọng cảm xúc của khán giả hơn là kịch bản. Dù được khán giả khen nhưng việc tự ý sửa kịch bản, thêm thoại không phù hợp là không đúng. Sau suất hát đó, tôi bị nhắc nhở rất nhiều. Tôi hầu như suy sụp vì cảm thấy chênh vênh, không tìm được con đường đúng cho mình. Mất một thời gian dài tôi mới định hướng được mình nên làm gì”.

Video clip tiết mục Ký ức học trò của Hoàng Hải:

 

Trong những năm tháng khó khăn, Hoàng Hải cho biết anh vẫn chưa thể quên một ký ức khá đau đớn khi bị đàn anh trong nghề nhận xét thẳng thừng tại một cuộc thi mà Hoàng Hải tham gia suốt 4 năm liền để đáp ứng kỳ vọng của cha và ông. “Sau khi trình bày xong phần thi của mình, một người anh trong nghề nói với tôi rằng: “Hát không hay thì bỏ nghề đi”, “Em không có giọng”. Tôi cảm thấy rất tổn thương và như bị xúc phạm. Tôi lại nghĩ đến việc bỏ nghề nhưng nếu như thế gia đình phải làm sao? Suy nghĩ đó cứ lẩn quẩn trong đầu”, Hoàng Hải chia sẻ. Được khuyên nhủ, Hoàng Hải nhận ra rằng đôi lúc nên nghĩ những lời chê cũng như sự khích tướng để bản thân biết cố gắng nhiều hơn, chứ không phải nghĩ đến sự từ bỏ.

Hiện tại, nhận xét về chính mình, Hoàng Hải tự thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong giọng ca và diễn xuất, cần phải học hỏi nhiều hơn để hoàn thiện. Áp lực mà nam nghệ sĩ trẻ phải gánh lấy chính là việc duy trì nghề của gia đình và danh tiếng của cha ông, gắn với đoàn hát cải lương Thăng Long một thời.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI