Nghề nuôi cá sấu ở TP.HCM có thể biến mất vì COVID-19

06/07/2021 - 06:24

PNO - Phía sau vụ cá sấu sổng chuồng là ngành nuôi cá sấu ở TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì đại dịch.

Vừa qua, nhiều người dân ở H.Bình Chánh vô tình bắt gặp cá sấu xuất hiện ngoài tự nhiên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cá sấu sổng chuồng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phía sau vụ cá sấu sổng chuồng là ngành nuôi cá sấu ở TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì đại dịch.

Cá sấu ở hộ nuôi nhỏ lẻ … mất tích

Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã có văn bản gửi Công an H.Bình Chánh, đề nghị điều tra thông tin cá sấu xuất hiện tại xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh ngoài tự nhiên. Theo Chi cục Kiểm Lâm, từ ngày 23/4 đến 11/5 vừa rồi, người dân xã Phạm Văn Hai phát hiện tổng cộng năm con cá sấu, nhưng chỉ bắt được bốn con. Trong đó, hai con giao nộp cho Trạm Cứu hộ động vật hoang dã, một con bị người dân xẻ thịt tại chỗ, một con bị bắt đưa đi đâu không rõ, còn một con vẫn chưa bắt được. 

Cá sấu ở nhiều trại nuôi trên địa bàn TP.HCM hiện đang bị đói, nhiều con rất ốm do người nuôi cá sấu phải kinh doanh cầm cự - ẢNH: T.D.
Cá sấu ở nhiều trại nuôi trên địa bàn TP.HCM hiện đang bị đói, nhiều con rất ốm do người nuôi cá sấu phải kinh doanh cầm cự - ẢNH: T.D.

Kỳ lạ là, qua kiểm tra các chuồng trại nuôi cá sấu tại xã Phạm Văn Hai, đoàn kiểm tra nhận thấy các chuồng nuôi đều đảm bảo an toàn. Với hạ tầng bê tông cốt thép, tường gạch, phía trên có rào lưới B40, đáy chuồng đổ bê tông đạt tiêu chuẩn chuồng trại, đoàn kiểm tra quả quyết, cá sấu nuôi trong chuồng không thể thoát được ra ngoài. Sau đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra lần hai đối với một số trại nuôi cá sấu nhỏ lẻ. Cụ thể, tại trại của ông Bùi Văn Đa (ấp 7, xã Phạm Văn Hai) với số lượng 59 con cá sấu, đoàn phát hiện trại này đã bán hết số lượng cá sấu nhưng không báo cho Chi cục Kiểm lâm làm hồ sơ xác nhận. “Qua rà soát các đợt kiểm tra trước đó về số lượng cá sấu của trại này, chúng tôi nhận thấy có sự bất nhất về số lượng cá sấu nuôi tại trại” - một cán bộ thuộc Chi cục Kiểm lâm cho biết.

Cũng theo kết quả của đoàn kiểm tra, một người tên N.T.D. làm thuê cho trại cá sấu của ông Đa nhờ một người rao bán cá sấu và trứng cá sấu trên mạng. Chi cục Kiểm lâm đã không thể liên lạc được với ông N.T.D. để làm rõ nghi vấn bắt cá sấu trong trại của chủ nhằm bán kiếm tiền, cũng như việc mua bán không làm thủ tục theo quy định pháp luật. Trong hồ sơ chuyển cho Công an H.Bình Chánh, Chi cục Kiểm lâm đề nghị điều tra việc ông N.T.D. có hành vi mua, bán, giết mổ cá sấu (thuộc nhóm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm) trái phép. 

Chi cục Kiểm lâm còn đề nghị xem xét có hay không trường hợp người làm công cấu kết với bên ngoài để đem cá sấu đi bán. Khi không có người mua, họ giải quyết bằng cách thả cá sấu ra kênh rạch. Nhận định chung trước câu chuyện cá sấu sổng chuồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc tiêu thụ, xuất khẩu cá sấu bị ngưng trệ, người nuôi cá sấu càng nuôi càng lỗ, dẫn đến có khả năng người ý thức kém đã cố tình thả cá sấu ra ngoài tự nhiên.

Cá sấu ở trại lớn đói… trơ xương

Trên thực tế, dịch COVID-19 kéo dài, tác động tiêu cực đến người nuôi cá sấu không còn là chuyện phải bàn cãi. Đại diện một công ty lớn nuôi cá sấu với số lượng hàng ngàn con khẳng định, thời gian qua, nhiều người nuôi cá sấu nhỏ lẻ, số lượng dưới 100 con đã liên hệ công ty ông để chào bán cá sấu với giá… như cho. Việc họ phải bán “đổ tháo” như vậy là do không còn khả năng kinh tế để duy trì chăm nuôi cá sấu. “Tuy nhiên, dù được cho, chúng tôi cũng không nhận, bởi bất kỳ ai nuôi cá sấu lúc này cũng đang trong cảnh… đổ nợ!” - người này cho biết.

Cá sấu con rớt giá trầm trọng, vẫn không ai mua, các chủ trại phải “ký gửi” cho nông dân nuôi - ẢNH: T.D.
Cá sấu con rớt giá trầm trọng, vẫn không ai mua, các chủ trại phải “ký gửi” cho nông dân nuôi - ẢNH: T.D.

“Nuôi cá sấu cực kỳ tốn kém. Từ hồi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, trung bình một tháng chúng tôi phải bỏ ra ít nhất 130 triệu đồng chi phí cho cá sấu ăn một cách cầm chừng, mà không thu lại được bao nhiêu” - ông V., đại diện Công ty TNHH chăn nuôi và kinh doanh cá sấu Tồn Phát ở H.Củ Chi, cho biết. Dẫn chúng tôi đi một vòng các chuồng nuôi cá sấu, chứng kiến nhiều con cá sấu ốm nhom nằm thoi thóp trên bờ (để bảo toàn năng lượng), ông V. nói trước đây trại Tồn Phát cho cá sấu ăn mỗi tuần một lần, còn bây giờ là mỗi tháng một lần. “Nhiều con bây giờ cho ăn không ăn nữa, giống như khi người ta đói quen rồi thì không còn muốn ăn” - ông V. ví von.

Trại Tồn Phát hiện nuôi 7.500 con cá sấu bố mẹ (nuôi sinh sản), cá lứa nuôi thương phẩm khoảng 3.000 con. Ông V. cho biết, việc nuôi cá sấu của trại vẫn đang trong tình trạng cầm cự. Do đó, cũng có nhiều người dân tìm đến trại xin bán cá sấu nhưng trại không thể thu mua. Những người đến tìm ông V. hầu hết tự giới thiệu là người nuôi cá sấu làm kiểng. Bây giờ, chúng đã lớn, dài 1-1,5m, cân nặng từ 70-150kg không biết phải xử lý thế nào, cũng không đủ sức nuôi ăn, nên muốn bán.

Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (trại Hoa Cà, Q.12) hiện có hơn 7.000 con. Ông Tôn Thất Hưng - Giám đốc trại Hoa Cà - cho biết trong dịch COVID-19, trại vẫn duy trì cho cá sấu ăn hai đến ba lần/tuần, tùy theo tuổi cá sấu. Mức chi phí cho ăn xấp xỉ 100 triệu đồng/tuần. “Trại phải vay tiền lãi suất cao để mua thức ăn cho cá sấu và duy trì các hoạt động để giữ lại đàn cá sấu thương phẩm phục vụ cho việc sản xuất trong các năm tới đây, khi dịch COVID-19 đi qua” - ông Tôn Thất Hưng chia sẻ.

Nghề nuôi cá sấu điêu đứng

Nghề nuôi cá sấu một thời “làm mưa làm gió”, từng là chìa khóa thoát nghèo cho người nông dân, thì bây giờ lại khiến họ phải điêu đứng. Một chủ trại nuôi cá sấu có số lượng hơn 1.000 con ở xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh bộc bạch, trước dịch bệnh, người nông dân chỉ việc nuôi đến khi cá lớn rồi thương lái đến mua. “Nuôi bao nhiêu cá cũng không đủ bán, mà giờ đây không biết phải làm gì với đàn cá sấu này” - người này ngao ngán.

Còn ông V. - đại diện trại Tồn Phát - cho biết một con cá giống con trước đây có giá bán 700.000 đồng, bây giờ, 60.000 đồng/con nhưng không ai mua. Trong năm qua, trại này đã chuyển 15.000 con cá sấu con cho các điểm nuôi gia công (chuyển cho nông dân nuôi, sau đó thu mua lại). Giá cá sấu thương phẩm dưới 100.000 đồng/kg là người nuôi bị lỗ, trong dịch bệnh, giá này có thời điểm rớt xuống còn 35.000 đồng/kg vẫn không bán được. Trong khi trước đây, sản lượng cá sấu tại Việt Nam xuất khẩu ước tính trung bình một triệu con/năm, 90% là xuất sang thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường này đã đóng cửa giao thương đối với mặt hàng cá sấu nói riêng, động vật hoang dã nói chung. 

Giống như nhiều hộ gia đình nuôi cá sấu nhỏ lẻ, trại Tồn Phát chủ yếu nuôi cá sấu thương phẩm xuất khẩu. Để cầm cự, ông V. cho biết, chỉ có thể thu hoạch da cá sấu, nhưng thị phần này chiếm rất thấp, chủ yếu xuất đi Nhật và Hàn Quốc. Lượng da cá sấu của trại đang trong tình trạng “ngút ngàn” - theo lời ông V. Tệ hơn, sản lượng thu hoạch da cũng như các bộ phận có thể thu hoạch, cất trữ chiếm khối lượng rất ít so với trọng lượng một cá thể cá sấu, phần thịt còn lại phải chở bằng xe container đi chôn, đốt.

Trại Hoa Cà nuôi cá sấu hoạt động theo một chuỗi kép kín từ nuôi cá sấu giống, cá sấu đến tuổi khai thác da làm các sản phẩm thời trang, thịt cung cấp cho nhà hàng, xương dùng để nấu cao chữa bệnh. Theo ông Tôn Thất Hưng, trước tình hình dịch COVID-19, cá sấu sống của trại không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc xuất khẩu. Tuy nhiên, các sản phẩm từ da chủ yếu ký gửi tại các sân bay đang… đóng cửa với du khách quốc tế nên không bán được. “Doanh thu các sản phẩm da cá sấu giảm từ 80 đến 90%. Đây là nguồn doanh thu lớn nhất, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của cả công ty” - ông Tôn Thất Hưng cho biết.

Ông Tôn Thất Hưng cũng chia sẻ hiện công ty phải vay tiền lãi suất cao để duy trì đàn cá sấu. Theo ông, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc cá sấu không xuất khẩu và tiêu thụ được trong nước, các trại nhỏ không đủ kinh phí nuôi, có thể phải mổ bán cả đàn dẫn tới nguy cơ cá sấu thương phẩm của Việt Nam sẽ bị giảm sút trầm trọng, mất khả năng tham gia trở lại thị trường quốc tế sau dịch bệnh. Ông mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn cho công ty ông sớm tiếp cận được gói hỗ trợ, vay với lãi suất hợp lý để mua thức ăn cho cá sấu, bảo đảm duy trì hoạt động của trại nói riêng, phục vụ công tác bảo tồn đàn cá sấu của Việt Nam nói chung. 

“Từ tháng 10/2019, thị trường Trung Quốc “đóng cửa” nhập khẩu cá sấu, người nuôi cá sấu phải tự gồng gánh, thậm chí vay tiền để nuôi. Hiệp hội Bò sát, lưỡng cư Việt Nam đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến nội dung này, và bộ vẫn đang tích cực làm việc với phía Trung Quốc. Tuy nhiên theo tôi được biết, vẫn chưa có gì sáng sủa. Nhà nước hiện chưa có chính sách gì dành cho người nuôi cá sấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung trong tình hình dịch bệnh. Tôi rất mong Chính phủ có sự quan tâm, xét duyệt gói hỗ trợ chịu ảnh hưởng dịch bệnh dành cho nhóm đối tượng này” - ông Thái Truyền, Chủ tịch Hiệp hội Bò sát, lưỡng cư Việt Nam kiến nghị.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI