Nghe câu “con nhớ mẹ” sau khi hai vợ chồng ly hôn, trái tim tôi đau nhói!

14/04/2022 - 17:00

PNO - Nếu đặt tình yêu dành cho con lên trên hết, bạn sẽ thấy điều tốt nhất mà bạn nên làm là sự cảm thông.

Thưa chị Hạnh Dung,

Chúng tôi đã ly hôn hơn một năm nay. Tôi giành quyền nuôi con trai sáu tuổi vì mẹ cháu đã sống với người khác. Hai cha con tôi sống cùng ông bà nội. Cháu chưa ý thức hoàn toàn về chuyện “tan đàn xẻ nghé” của người lớn, nhưng thỉnh thoảng anh chàng vẫn làm tôi chao đảo, tất cả liên quan đến mối tương quan với vợ cũ.

Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ vừa rồi, tôi tổ chức chuyến đi chơi xa đầu tiên cùng con sau ngày chia tay vợ. Tôi lái xe đưa cháu cùng ông bà nội đi Vũng Tàu hai ngày. Tất cả người lớn có mặt trong chuyến đi đều mong muốn mang đến cho con một không khí gia đình hết sức bình thường.

Sau cả ngày thoải mái tắm biển, ăn uống, dạo phố… trở về phòng khách sạn khoảng mười giờ đêm. Nhìn con gối đầu trên tay, tôi hỏi nhỏ: “Nay con vui không con”?. Trong tiếng thều thào chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, con trai tôi trả lời: “Vui, nhưng con nhớ mẹ”.

Lập tức trái tim tôi nhói đau. Tôi không sao chợp mắt được đêm đó dù người mệt lả. Tôi biết con trai yêu tôi, nhưng tôi cần phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Đó là một ngày, cu cậu đòi sống với mẹ.

Tôi khó chấp nhận điều đó quá chị Hạnh Dung ơi. Trong hoàn cảnh của mình, tôi cần có hành động, lời nói nào thích hợp nhất để cho con hiểu cảm xúc của tôi, và tình trạng hôn nhân hiện tại của ba mẹ nó? Tôi buồn quá.

Nguyễn Trí Toàn (Bình Dương)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn Trí Toàn thân mến,

Bạn nên thả lỏng và có cái nhìn khách quan hơn về tình cảm con dành cho người mẹ. Ngoại trừ bạn đã thường xuyên làm điều gì đó khiến con bạn sợ hãi, lo âu khi phải sống chung với bạn, nếu không thì lý do con nhớ nhung, hay muốn đến thăm mẹ, hoàn toàn là điều bình thường.

Kỳ nghỉ đầu tiên sau ngày ly hôn cũng có thể hiểu là chuyến đi chơi gia đình đầu tiên mà con bạn thiếu mẹ. Vì chưa ý thức hết được chuyện chia ly của người lớn, nên việc bé muốn mẹ cũng có mặt ở đấy là một điều rất cần sự “cảm thông” từ bạn.

Hiểu được tâm lý trên của con, bạn mới có thể khởi đầu một cách tuyệt vời cho cuộc trò chuyện lành mạnh với bé. Với tư cách người cha, bạn buộc phải thường xuyên tạo bầu không khí dễ chịu nhất, để mỗi khi cần, con có thể tự do thể hiện cảm xúc, ngay cả những điều chúng ta vốn dĩ không thích.

Phần lớn con cái sau ly hôn thích sống với mẹ, vì có vẻ như ở bên mẹ có ít quy tắc hơn bố. Do vậy, bạn cần tự vấn mình về lý do khiến bạn đặt ra các quy tắc cho con.

Dù một số điều bạn phải kiên quyết giữ vững lập trường như phải đi ngủ sớm, không chơi điện tử, không xem điện thoại quá nhiều… nhưng ngược lại, cũng có một số quy tắc “cứng nhắc” nên được thay đổi.

Biết đâu, con cũng sẽ nói điều tương tự khi ở với mẹ: “Con nhớ ba”. Việc một đứa bé lúc muốn ở với người này, lúc đòi sống với người khác là rất tự nhiên. Đến đây, có lẽ bạn đã hình dung lời khuyên của Hạnh Dung.

Chúng ta không đề nghị bạn cho đứa trẻ quyền quyết định nơi nó sống, nhưng nhất thiết bạn nên nói chuyện với vợ cũ về những gì đã và vừa xảy ra. Sau đó, để giải quyết nhu cầu này của con, cả hai nên cân nhắc vấn đề sắp xếp một lịch chăm sóc.

Nếu là người biết lắng nghe và quan tâm sâu sát đến con, hãy cho con những ngày nhất định trong tuần được qua ở với mẹ, đừng cứng nhắc phải 100% thời gian sống với cha theo quyết định của tòa về quyền nuôi con. Ngoài đáp ứng nhu cầu của trẻ, thay đổi nhỏ này còn giúp những người liên quan hài lòng, vui vẻ.

Và cuối cùng, nếu một ngày cậu bé muốn sống hoàn toàn với gia đình vợ cũ, điều tốt nhất mà bạn nên làm cho con vẫn là sự cảm thông. Chúc bạn bình an và luôn hành động vì tình yêu dành cho con trai mình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(13)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI