Nhiều nguồn cung ứng bị COVID-19 tấn công, Đà Nẵng có thể "khóa chặt" thành phố 7 ngày

12/08/2021 - 11:15

PNO - Lãnh đạo cao nhất thành phố Đà Nẵng cho biết có thể sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa cứng toàn thành phố trong 7 ngày nếu từ giờ đến cuối tuần số ca nhiễm COVID-19 không giảm.

Sáng 12/8, phát biểu tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết Đà Nẵng có thể sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa cứng toàn thành phố "ai ở đâu thì ở đó" trong vòng 7 ngày kể từ sáng thứ Hai tuần sau, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 không giảm.  

Ông Quảng khẳng định “đây là biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ theo đúng tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ vừa ban hành”.

Lãnh đạo cao nhất TP.Đà Nẵng đã lên phương án khóa chặt thành phố để phòng chống COVID-19 nếu ca nhiễm không giảm
Lãnh đạo cao nhất TP. Đà Nẵng đã lên phương án khóa chặt thành phố để phòng chống COVID-19 nếu ca nhiễm không giảm

"Theo nguyên tắc này, người dân tuyết đối không ra khỏi nhà. Nếu các cơ sở, công xưởng, nhà máy, công trường muốn hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện để cho công chức, người lao động phải ở lại tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng 7 ngày để tiến hành xét nghiệm toàn thành phố, nhằm sớm phát hiện các ca dương tính để đưa ra khỏi cộng đồng. Đây là biện pháp thành phố không mong muốn áp dụng và hi vọng không phải áp dụng. Nhưng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh chúng ta phải chấp nhận hi sinh nhiều lợi ích để thực hiện", lãnh đạo cao nhất TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.

Bí thư Đà Nẵng yêu cầu việc chấp hành chỉ thị này phải mang tính xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở, không được chần chừ do dự, thiếu cương quyết, phải bám sát tình hình thực tiễn từ cơ sở để có cách làm phù hợp, sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Không để xảy ra tình trạng, chặt ngoài, lỏng trong.

“Những khó khăn thách thức như hiện nay đang là phép thử rất lớn về năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy các cấp”, ông Quảng yêu cầu phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo chỉ đạo, tập trung công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Cũng theo Bí thư Đà Nẵng, khi áp dụng biện pháp nói trên sẽ có nhiều khó khăn thách thức nhất là việc cung ứng lương thực phẩm người dân toàn thành phố. Tuy nhiên, thành phố đã có phương án về công tác này.

"Nếu phải áp dụng các biện pháp nêu trên, thành phố vẫn đảm bảo được điều kiện về mặt cung ứng về lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cử tri và nhân dân thành phố không phải lo lắng việc này, không phải đi mua sắm một cách ồ ạt. TP. Đà Nẵng sẽ đảm bảo cho người dân các nhu yếu phẩm thiết yếu”, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

Từ ngày 3/5/2021 đến nay Đà Nẵng ghi nhận 1.593 ca dương tính, 16 ca tử vong; nhưng riêng từ ngày 10/7/2021 đến 11/8/2021 với chủng Delta đã ghi nhận 1.473 ca dương tính với 13 người tử vong; hiện đang điều trị 1.069 ca bệnh, trong đó có 43 ca bệnh nặng có nguy cơ tử vong.

Thêm một nguồn cung ứng thực phẩm thiết yếu cho Đà Nẵng bị COVID-19 tấn công

Trưa 12/8, Sở Y tế Đà Nẵng ra thông báo khẩn, yêu cầu những người có liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường (Q.Hải Châu) liên hệ hoặc đến ngay cơ quan y tế địa phương khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Theo đó, trong 2 ngày 11 và 12/8, tại chợ đầu mối Hòa Cường phát hiện 6 tiểu thương, người có liên quan đến chợ dương tính với SARS-CoV-2. 

“Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đề nghị tất cả những người mua bán, giao dịch, vận chuyển, lao động, từng đến chợ đầu mối Hòa Cường từ ngày 5/8 đến nay khẩn trương liên hệ hoặc đến ngay cơ quan y tế địa phương khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19; nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở, viêm họng, rát họng, mất vị giác, khứu giác, mệt người… thì không được tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả người nhà, liên hệ ngay cơ quan y tế địa phương khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19”.

Từ 7g sáng 12/8, chợ đầu mối Hòa Cường dừng hoạt động do COVID-19 tấn công
Chợ đầu mối Hòa Cường dừng hoạt động từ 7g sáng ngày 12/8 do có ca dương tính 

Từ ngày 10/7 đến 11/8, Đà Nẵng ghi nhận 1.473 ca dương tính và 13 ca tử vong. Toàn thành phố hiện có 1.069 ca đang điều trị (43 ca nặng có nguy cơ tử vong).

2 chuỗi liên quan đến nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu cho thành phố là lò mổ Đà Sơn và cảng cá Thọ Quang đã có nhiều ca nhiễm. Với hàng trăm ca nhiễm xuất phát từ cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà đã phải phong tỏa 5 phường. Đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm tại quận này chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI