Nepal cấm phái nữ đi du lịch nước ngoài

19/02/2021 - 07:48

PNO - Phụ nữ Nepal đang lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự luật bắt buộc họ phải xin phép gia đình và chính quyền địa phương thì mới được xuất ngoại.

Một dự luật vừa được đệ trình lên cơ quan lập pháp ở Nepal với các điều khoản cấm phụ nữ không được xuất ngoại nếu không có sự cho phép từ gia đình và chính quyền địa phương đang bị chỉ trích là “ấu trĩ, nực cười", thậm chí “trái hiến pháp”.

Phụ nữ Nepal đang lên tiếng một cách mạnh mẽ để phản đối dự luật làm ảnh hưởng đến quyền của phụ nữ nước này - Ảnh: Niranjan Shrestha/AP
Phụ nữ Nepal đang lên tiếng một cách mạnh mẽ để phản đối dự luật làm ảnh hưởng đến quyền của họ - Ảnh: Niranjan Shrestha/AP

Dự luật do Bộ Di trú nước này xây dựng được cho là một nỗ lực trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ bằng cách bắt buộc tất cả phụ nữ dưới 40 tuổi phải xin phép gia đình và chính quyền cấp cơ sở nếu muốn đi châu Phi hoặc Trung Đông lần đầu.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của công chúng, Bộ này đã phải lên tiếng giải thích: luật chỉ áp dụng cho những phụ nữ “dễ bị tổn thương" mà thôi, đồng thời nhấn mạnh rằng, đây mới chỉ là dự thảo chứ chưa được phê chuẩn.

Trước đó, hàng trăm phụ nữ Nepal đã tập trung tuần hành tại trung tâm thủ đô Kathmandu nhằm phản đối dự luật nói trên, cũng như kêu gọi chính quyền cần có giải pháp bảo vệ quyền của phụ nữ.

Giới bảo vệ nữ quyền Nepal cho rằng, dự luật mới không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền tự do của phụ nữ mà còn trái với hiến pháp nước này - Ảnh: Sujan Shrestha/REX/Shutterstock
Giới bảo vệ nữ quyền Nepal cho rằng, dự luật mới không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền của phụ nữ mà còn trái với hiến pháp nước này - Ảnh: Sujan Shrestha/REX/Shutterstock

“Với cách xây dựng luật như thế này đã làm lộ rõ tư duy gia trưởng nặng nề vốn chỉ tồn tại ở các xã hội theo chế độ phụ quyền mà thôi”, bà Hima Bista, Giám đốc điều hành của tổ chức Women Lead Nepal nói. “Rõ ràng là họ đang cố gắng hạn chế quyền được tự do đi lại của phụ nữ”.

“Thay vì tăng quyền  và nâng cao năng lực cho phụ nữ thì họ lại tìm cách làm mọi thứ thụt lùi; thậm chí trái với hiến pháp. Đây là điều hết sức ấu trĩ và nực cười”, bà Ila Sharma, cựu ủy viên hội đồng bầu cử Nepal, lên tiếng một cách mạnh mẽ.

Ủy ban Bảo vệ Quyền con người Nepal ước tính khoảng 35.000 người, bao gồm 15.000 phụ nữ và 5.000 trẻ em gái, là nạn nhân của tình trạng buôn bán người trong năm 2018.

Các nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ cho rằng, không chỉ mỗi phụ nữ mới là nạn nhân bị buôn bán mà còn có cả nam giới; vì vậy, các nhà làm luật cần đặt cả 2 giới lên “bàn cân” để xem xét trước khi muốn thay đổi bất cứ điều khoản pháp lý nào.

Phụ nữ ở Nepal sẽ dễ gặp nhiều nguy hiểm hơn đối với nạn buôn người nếu dự luật này được thông qua - Ảnh: Nepali Times
Phụ nữ ở Nepal sẽ dễ gặp nhiều nguy hiểm hơn đối với nạn buôn người nếu dự luật này được thông qua - Ảnh: Nepali Times

Cô Meenakshi Ganguly, một nhà vận động nữ quyền ở Nepal nhận xét rằng, dự luật này nếu được thông qua “sẽ khiến phụ nữ càng dễ gặp nguy hiểm hơn bởi họ sẽ đối phó bằng cách đi ra nước ngoài làm chui mà không thực hiện các thủ tục theo quy định, dẫn đến nguy cơ cao bị buôn bán, lạm dụng và xâm hại”.

Nguyễn Thuận (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI