Nên phân luồng thành THPT, trung học nghề, trung học kỹ thuật

23/05/2024 - 06:29

PNO - Trước năm 2005, sau bậc THCS, Việt Nam có hệ THPT, trung học nghề, trung học kỹ thuật. Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - nhiều nước cũng “chia nhánh” như vậy và đạt hiệu quả tốt trong công tác phân luồng.

Phóng viên: Ông từng nói nên đưa hệ trung cấp nghề về hệ trung học nghề, trung học kỹ thuật như trước năm 2005. Tại sao cần tái lập hệ này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo), Bộ GD-ĐT thống kê, có 70 - 80% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT nhưng tỉ lệ vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất thấp, như năm học 2022-2023, chỉ có khoảng 7%.

Tỉ lệ này thấp là do sau 1-2 năm chủ yếu học nghề, người học tốt nghiệp khi chưa đủ tuổi lao động, lại không thể học liên thông lên trình độ cao hơn bởi muốn học lên cao đẳng thì phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã học và đạt yêu cầu kiến thức văn hóa THPT. Ở luồng THPT, sau tốt nghiệp, nhiều em gia nhập vào thị trường lao động khi chỉ có trình độ văn hóa chứ không được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật. Đó cũng là lý do khiến tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo của nước ta chiếm đến 73%.

* Hiện nay, trên thế giới, hình thức đào tạo sau bậc THCS như thế nào, thưa ông?

- Ở một số nước tiên tiến, sau bậc THCS, học sinh có thể chọn học trung cấp nghề, THPT hoặc trung học nghề. Trường trung học nghề cũng có thời gian đào tạo 3 năm như THPT. Các trường này đều có những môn văn hóa bắt buộc như toán, văn, ngoại ngữ. Học ở trường THPT thì phải học thêm nhiều môn văn hóa khác, còn ở trường trung học nghề, người ta dành thời gian đó để dạy kiến thức, kỹ năng nghề cho học sinh.

Ở Đài Loan (Trung Quốc), tỉ lệ vào THPT và trung học nghề, trung cấp nghề là 50 - 50. Học sinh không có nhu cầu học lên cao đẳng, đại học thì chọn trung cấp nghề. Học sinh vào luồng trung học nghề, sau 3 năm, nếu đạt yêu cầu về kiến thức văn hóa THPT và có thể học lên cao đẳng, đại học nếu muốn, bởi bằng trung học nghề tương đương bằng THPT. Khi tốt nghiệp trung cấp nghề hay trung học nghề, các em đã qua đào tạo nghề nên có thể gia nhập thị trường lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật trong tay.

* Làm sao để có thể tái lập hệ trung học nghề, thưa ông?

- Với mong muốn phát huy ưu điểm của hệ trung học nghề, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT bổ sung thêm luồng trung học hướng nghiệp (cách gọi khác của trung học nghề) vào chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, thời gian đào tạo của hệ trung học hướng nghiệp là 3 năm, chấp nhận phần nội dung bắt buộc của chương trình mới, do các trường THPT giảng dạy, đồng thời bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành vào các nội dung tự chọn của chương trình mới, để các trường THPT chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp xây dựng các tổ hợp môn mang tính hướng nghiệp sâu hơn và đa dạng hơn.

Theo đề xuất của hiệp hội, học sinh học luồng trung học hướng nghiệp chỉ phải thi tốt nghiệp 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và bằng trung cấp nghề có thể thay cho 2 môn tự chọn, giá trị của bằng tốt nghiệp trung học hướng nghiệp tương đương bằng tốt nghiệp THPT nên người học được học liên thông lên cao đẳng và đại học theo các ngành đào tạo phù hợp mà không cần phải học thêm bất cứ nội dung bổ sung nào. Khi tốt nghiệp trung học hướng nghiệp, học sinh được cấp bằng THPT hướng nghiệp theo các nghề khác nhau, được công nhận đạt chuẩn đầu ra bậc 4 trung cấp nghề và được quyền hành nghề phù hợp.

* Xin cảm ơn ông.

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc