Nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa khi tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều

22/09/2021 - 11:27

PNO - Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), được công bố hôm 21/9, nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục dần và đạt mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó là 5,8%. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo tình trạng tiêm chủng không đồng đều giữa các nước có thể đe dọa sự hồi phục này.

Điểm sáng trong triển vọng cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu năm 2021 là một số nước đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng khá cao, cho phép chính phủ các nước này mở cửa trở lại cho các hoạt động kinh doanh và đưa cuộc sống của người dân về bình thường, theo nhận định của OECD.

Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép một số nước mở cửa lại nền kinh tế
Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép một số nước mở cửa lại nền kinh tế

Tuy nhiên, sự lây lan của biến thể nguy hiểm Delta, cùng với sự mất cân đối trong tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 giữa các nước, đã khiến tổ chức này giảm mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và cảnh báo khoảng cách giữa các quốc gia giàu có và các nước đang phát triển sẽ ngày càng xa hơn.

“Cú sốc từ đại dịch, vốn đẩy thế giới đến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua, nay đang giảm dần tác động, và chúng tôi dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch. Tuy nhiên, việc nhiều nước chưa hoàn thành tiêm chủng sẽ đặt thế giới trước rủi ro”, Laurence Boone - nhà kinh tế trưởng của OECD - phát biểu trong một cuộc họp báo.

Ngoài việc tăng cường tiêm chủng, nhiều nước phát triển như Mỹ và châu Âu đã tung ra các gói kích thích tăng trưởng kinh tế, giải phóng hoạt động kinh doanh đã bị dồn nén do đại dịch. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng đã tiết kiệm trong một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh, nay cũng bắt đầu chi tiêu trở lại.

Tuy nhiên, sự lan rộng của biến thể Delta vẫn làm hạn chế nhiều hoạt động trên khắp thế giới, trong có việc làm ngưng trệ các chuỗi cung ứng ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, OECD cảnh báo.

Tổ chức này cho biết thêm, tuy Mỹ đã giúp nền kinh tế thế giới hồi phục phần nào thông qua gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 2 ngàn tỷ USD, nhưng mức tăng trưởng vẫn còn xa so với bình thường.

Lý do là bên cạnh một số doanh nghiệp phát triển mạnh, có rất nhiều công ty đã bị tụt hậu. Thêm vào đó, lạm phát tăng mạnh kể từ đầu năm khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi, giá dầu và chi phí vận tải hàng hóa đều tăng mạnh, đã tác động đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới, và dự kiến ​sẽ làm chậm lại sự tăng trưởng, OECD giải thích.

“Chúng tôi kỳ vọng những tác động này sẽ giảm dần, nhưng mức độ áp lực về giá rất khác nhau giữa các quốc gia, cho thấy đây không phải là sự phục hồi bình thường trên toàn cầu. Theo tôi, các ngân hàng trung ương nên duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng cũng cần có định hướng kiểm soát lạm phát rõ ràng khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại”, bà Boone bày tỏ quan điểm.

Theo dự báo của OECD, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các quốc gia có thể sẽ giảm dần vào năm 2022, sau khi phục hồi bất thường từ cuộc khủng hoảng do đại dịch trong năm 2021. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm tới, trong đó Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - và các nước châu Âu sẽ tăng trưởng ở mức 3,9% và 4,6% tương ứng.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm nay, trước khi giảm về mức 8% vào năm 2022.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch COVID-19 với biến thể Delta, Ấn Độ dự kiến ​vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,7% trong năm nay, trước khi giảm xuống mức 7,9% vào năm tới.

Ngược lại, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn lại tụt hậu rất nhiều so với các quốc gia khác, OECD cho biết. Chẳng hạn, Indonesia, quốc gia chỉ mới tiêm ngừa cho 16% dân số, dự kiến chỉ ​​sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7%, thuộc nhóm các quốc gia trong OECD có mức tăng trưởng thấp nhất. Tương tự, Nga, với tỷ lệ tiêm chủng khoảng 30%, chỉ sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,7%.

Nhất Nguyên (theo NYT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI