Mỹ, EU xem xét biện pháp trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar

01/03/2021 - 11:20

PNO - Nhiều chính phủ trên thế giới lên án cuộc đàn áp của quân đội Myanmar - khiến 18 người biểu tình ôn hòa bị giết, và đe dọa thực hiện những hành động trừng phạt nghiêm khắc.

Lực lượng an ninh Myanmar nổ súng, sử dụng hơi cay và bắt giữ hàng loạt người dân khi tìm cách giải tán những đám đông biểu tình chống lại cuộc đảo chính của quân đội hôm 28/2. Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án mạnh mẽ cuộc đàn áp đẫm máu nhất từ ​​trước đến nay của lực lượng an ninh Myanmar.

Hôm 28/2, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết trong một tuyên bố, cảnh sát và lực lượng quân đội đã đối đầu với các cuộc biểu tình ôn hòa ở một số địa điểm trên khắp Myanmar, sử dụng "vũ lực sát thương và ít sát thương" khiến ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương. 

Người biểu tình mặc trang phục truyền thống hô khẩu hiệu và giơ ba ngón tay - biểu tượng phong trào đòi tự do dân chủ - trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, hôm 28/2
Người biểu tình mặc trang phục truyền thống hô khẩu hiệu và giơ ba ngón tay - biểu tượng phong trào đòi tự do dân chủ - trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, hôm 28/2

Quân đội Myanmar lên nắm quyền vào ngày 1/2 và tuyên bố tình trạng "khẩn cấp" kéo dài một năm, sau khi cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11 – vốn đem lại chiến thắng cách biệt cho nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi – là gian lận.

Khoảng 1.000 người biểu tình yêu cầu chính phủ của bà Aung San Suu Kyi được khôi phục quyền lực được cho là đã bị bắt giữ vào Chủ nhật 28/2.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mở đầu làn sóng lên án các hành động của quân đội Myanmar. Tiếp đến, Stephane Dujarric - phát ngôn viên của LHQ - cho biết trong một tuyên bố: “Việc sử dụng vũ lực gây chết người chống lại những người biểu tình ôn hòa và bắt giữ tùy tiện là không thể chấp nhận được.

Tổng thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cùng nhau đoàn kết và gửi một tín hiệu rõ ràng tới quân đội rằng họ phải tôn trọng ý chí của người dân Myanmar - vốn đã được thể hiện thông qua cuộc bầu cử, và ngừng hành động đàn áp”.

Trong khi đó, Trưởng bộ phận ngoại giao của Liên minh châu Âu Josep Borrell xác nhận trong một tuyên bố rằng khối sẽ "sớm thực hiện các biện pháp cứng rắn nhằm đáp lại những diễn biến này”.

Ông Borrell nói trong một tuyên bố: "Các nhà chức trách quân sự phải ngay lập tức ngừng sử dụng vũ lực đối với dân thường, và cho phép người dân bày tỏ quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp".

Các bộ trưởng châu Âu đã đồng ý về các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính và quyết định tạm ngưng một số khoản viện trợ phát triển. Các biện pháp trừng phạt khác dự kiến ​​sẽ được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố thông báo chính thức.

Một sĩ quan cảnh sát chống bạo động bắn đạn cao su về phía người biểu tình trong cuộc tuần hành phản đối đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar hôm 28/2
Một sĩ quan cảnh sát chống bạo động bắn đạn cao su về phía người biểu tình trong cuộc tuần hành phản đối đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar hôm 28/2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án những gì mà ông mô tả là "bạo lực ghê tởm của lực lượng an ninh Myanmar đối với người dân Myanmar". Hôm 1/3, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống lại hai tướng lĩnh liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar.

Riêng Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hôm 28/2: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới để buộc những kẻ gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm…

Chúng tôi đang chuẩn bị các hành động bổ sung để trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho đợt bùng phát bạo lực mới nhất này và cuộc đảo chính gần đây. Chúng tôi sẽ có nhiều điều để chia sẻ trong những ngày tới ".

Một phát ngôn viên của Văn phòng Ngoại giao Anh khẳng định "bạo lực phải chấm dứt và nền dân chủ cần được khôi phục", đồng thời lưu ý rằng Anh đã áp đặt hình phạt đối với các nhà lãnh đạo đảo chính.

Người phát ngôn cho biết: “Cùng với Mỹ và Canada, Anh đã hành động bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhân quyền đối với 9 sĩ quan quân đội Myanmar, bao gồm cả tổng tư lệnh, vì vai trò của họ trong cuộc đảo chính”.

Một người biểu tình sử dụng ná cao su khi đụng độ với các sĩ quan cảnh sát chống bạo động hôm 28/2 ở Yangon
Một người biểu tình sử dụng ná cao su khi đụng độ với các sĩ quan cảnh sát chống bạo động hôm 28/2 ở Yangon

Tấn Vĩ (theo Al Jazeera, Reuters, DW, VOA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI