Muốn suốt đời "FA", thử quan sát phụ nữ đơn thân về già

10/05/2020 - 12:28

PNO - Tôi thường nói với các cô gái trẻ, nếu muốn tuyên ngôn làm FA (forever alone - cô đơn mãi mãi) cũng được thôi, nhưng làm ơn đừng tin mạng xã hội nhiều quá. Đừng chỉ nhìn những chị FA ăn ngon mặc đẹp, vi vu du lịch. Hãy nhìn cuộc sống cô độc của người đơn thân nghèo như chị Thuận, rồi quyết...

Chị Thuận không đẹp, không xấu. Chị có học thức, sạch sẽ, chu đáo, tốt bụng. Chị cũng hay tự hào chị là người phố cổ Hà Nội.

Người phố cổ thì như thế nào nhỉ? Tôi thường nghe chị giảng về cốt cách người Tràng An và ẩm thực Hà Nội. Chị Thuận thuộc típ người nói nhiều, khó tính, do cuộc sống đơn thân, nhu cầu giao tiếp của chị rất lớn. Còn ác ý như lời đám trẻ cơ quan tôi thì chị là "bà goá lắm điều".

Cuộc sống của phụ nữ đơn thân không hề dễ dàng như hình ảnh trên mạng. Ảnh minh họa
Cuộc sống của phụ nữ đơn thân không hề dễ dàng như hình ảnh vui nhộn, lung linh trên mạng. Ảnh minh họa

Xưa chị học trường tài chính ở Vĩnh Phúc, rồi làm kế toán ở quỹ tín dụng chợ Đ.X. Sau những năm bao cấp, quỹ này vỡ, chồng bị bệnh gan mất sớm. Không có con cái, ở tuổi 40, chị thất nghiệp khá lâu rồi đành vào Sài Gòn tìm việc cùng một người bạn.

Tìm việc tuổi 40 đâu dễ, các phần mềm kế toán thì mới, chưa kể hàng đống kỹ năng khai báo thuế, lách thuế lắt léo, trong khi chị chỉ giỏi sổ sách cộng trừ kiểu cũ. 

Do bạn cùng lớp chị Thuận là thủ quỹ cơ quan tôi, nên chị Thuận được giới thiệu về làm tạm công việc tạp vụ, chờ thời cơ trở lại nghề kế toán. Chờ hoài không thấy hi vọng nào sáng sủa, chị Thuận gắn luôn với đồng lương vài triệu mỗi tháng.

Không có nhà cửa, chị ở luôn trong cơ quan để trông cơ quan, rất tự nhiên, người phụ nữ Hà Nội thanh lịch ngày nào thành người bảo vệ. Cơ quan tiết kiệm được đầu lương bảo vệ, chị thì có chỗ ở mà chẳng tốn điện nước hay thuê trọ. Cuộc đời cứ thế đẩy đưa như đã dọn sẵn lối.

Sạch sẽ và kỹ tính, còn gì "chuẩn" hơn cho công việc tạp vụ kiêm bảo vệ, dù chị Thuận dần dà bước sang tuổi 60. Chưa tính những hôm trái gió trở trời, hay thi thoảng một đời giám đốc mới lên thay đột nhiên muốn đổi nhân sự, cắt hợp đồng, lại thêm những đêm chị thức trắng lo mất việc, chẳng có nơi nào mà tá túc. 

Nhiều khi đám nhân viên chúng tôi sợ hãi nghĩ tới tương lai gần của chị. Giả sử tuổi già sập xuống, không thể đi làm, khi bệnh tình ập tới, chị sẽ về đâu? Nhiều lần người đứng đầu trong cơ quan lo lắng nhắc về tương lai của chị, chị đều vội nói chị khoẻ lắm, không dễ mà bệnh tật, chị ở đây vui, gặp gỡ, nhìn người ra người vào quen rồi. Nếu chị lỡ bệnh tật, cũng có chiếc thẻ bảo hiểm y tế, cố gắng không làm phiền ai...

Những ngày nghỉ cuối tuần hoặc những tối có việc chở con qua cổng cơ quan, thấy bóng một phụ nữ lớn tuổi lầm lũi ra khoá cổng, tưới cây, cất cái xe đạp cũ... cảm giác cô đơn ám vào tôi rất nặng nề.

Tôi hay nói các cô gái cùng cơ quan đang cổ suý phong trào lười yêu và kết hôn rằng, hãy bỏ ra vài buổi tối tời trò chuyện cùng chị Thuận. Để thấm rằng, cuộc đời này có những lối đi dọn sẵn sự may mắn, tiền bạc và vui nhộn cho người khác, nhưng chưa chắc đã dành cho mình - những công chức nghèo. 

Giả sử không lấy chồng sinh con, các cô cũng sẽ già đi như chị Thuận, không người thân thích, không tiền của, nhà cửa, cha mẹ rồi cũng mất, chẳng còn quê để về. 

Tôi hay nhắc các cô nhìn thêm những cặp vợ chồng công nhân đang thuê nhà quanh cơ quan tôi. Họ chỉ có thu nhập 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Người thì bán hàng rong, người chạy Grab, người làm công nhận khu công nghiệp... nhưng họ vẫn mạnh dạn sinh con và nuôi con trong những điều kiện cơ bản. Nếu thiếu hụt, bí bách một chút thì có người đồng hành nắm tay nhau mà vượt từng chặng. Ở Sài Gòn, chỉ cần siêng năng làm lụng, đâu ai mà khổ mãi, đói nghèo mãi...

Có hai người, vất vả sẽ chia nửa. Ảnh minh họa
Có hai người, vất vả khó khăn sẽ chia nửa. Ảnh minh họa

Tôi nói các cô gái chẳng phải sợ hôn nhân. Chần chừ ở tuổi hai mươi mấy, để tuột qua tuổi 30, cơ hội hôn nhân giảm đi rất nhiều, do các bạn trai bằng hoặc hơn tuổi đã lập gia đình hết. Qua tuổi 30, các cô gái gần như phải xác định FA cả đời. Nếu may mắn gặp người hợp ý để đám cưới, thì biết còn có thể kịp sinh con trước tuổi 35 - ngưỡng tuổi nguy cơ con mắc hội chứng Down, mẹ mắc tiểu đường, huyết áp, sinh khó... 

Kết hôn trước 30, trong tình huống xấu nhất mà phải ly hôn hay mất bạn đời giống chị Thuận, thì cứ tự tin chờ duyên mới tới để có thể lập gia đình. Sống cô độc không phải là một lựa chọn của người đi trước, nó chỉ là sự run rủi, xô đẩy của cuộc đời mà thôi...

Thương Thương

(Q.7, TPHCM)

Bạn đồng tình hay phản đối chuyện kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ 2 con trước tuổi 35? Bạn đang ở độ tuổi nào và đã trải nghiệm hôn nhân chưa? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện của bạn quanh các nội dung Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Diệp 12-05-2020 21:12:51

    Năm nay tôi 30 tuổi, và từ năm mười mấy tuổi tôi đã xác nhận không lấy chồng. Nếu nói về vấn đề tâm lý thì có phần nào, do đã nhìn nhiều sự đổ vỡ. Thời bây giờ kết hôn và ly hôn quá dễ dàng, không thích nhau thì sẽ chẳng ráng chịu đựng đối phương đủ điều như bố mẹ thời xưa nữa, xích mích chút là chia tay đi. Vậy xin hỏi kết hôn, lỡ có con, sau đó ly hôn rồi đứa bé sẽ ra sao? Cả một vùng trời bất hạnh cho nhiều người.

    Nói về vấn đề đạo đức, kết hôn là phải có trách nhiệm với đối phương (chồng/vợ hoặc sau này là con). Không phải nói khuôn mẫu chồng là phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, không được phép này nọ kia. Vợ là phải ở nhà nội trợ chăm con. Đây không phải bắt buộc mà là trách nhiệm với gia đình, là tình yêu. Vì yêu nên người phụ nữ ở nhà để có mâm cơm ngon cho chồng đi làm mệt mỏi về, dạy dỗ cho con cách làm người, dạy tình yêu ấm áp cho con, thứ mà xã hội, thầy cô không dạy được. Cũng như người chồng, đi làm kiếm tiền không phải vì 'nuôi gánh nặng' mà vì cho người phụ nữ của mình điều tốt nhất trên đời.

    Như vậy, nếu mình không có năng lực đáp ứng những điều trên, cố gắng 'kết hôn' vì xu hướng xã hội như thế, thực hiện nghĩa vụ một cách máy móc, rồi bất mãn với nghĩa vụ, không muốn làm. Dẫn đến nhiều hệ lụy xấu thì hay ho gì?

    Cứ nói lên 'không hôn nhân, về già không có con' thì như ám chỉ cuộc đời bất hạnh. Vậy chứ mấy người con cái đề huề nhưng bất hiếu, vợ chồng nhưng đồng sàng dị mộng thì 'mỹ mãn' lắm sao?

    Muốn có cuộc sống thoải mái, đi làm kiếm tiền để dành. Muốn có con bầu bạn? Nhận nuôi trẻ mồ côi đi, làm như vậy là giảm bớt gánh nặng cho xã hội, mới thật sự là người có đức độ đấy.

    Kết hôn mà không mang lòng trách nhiệm với đối phương thì đừng kết hôn, vì đó là chế tạo bất hạnh cho nhiều người.

  • Monique 11-05-2020 13:29:08

    Bã lấy cái ví dụ chả liên quan. Cô này FA do chồng chết chứ có phải tự nguyện lên kế hoạch cô đơn từ đầu đâu. Nói thẳng ra có khi may mà cổ không có con. Chứ mà có giờ lại khổ thêm không biết làm sao lo nỗi cho con giữa cái giai đoạn thực phẩm bẩn đầy rẫy bệnh tật tràn lan việc làm khó kiếm thế này. Giờ là thời buổi nào mà “sau 30 tuổi cơ hội hôn nhân giảm đi rất nhiều”. 60 tuổi người ta vẫn cưới xin ầm ầm ra đấy thôi. 25 30 35 40 90 tuổi gì miễn là tìm được người phù hợp với mình và thấy bản thân được hạnh phúc. Cưới đại ai đó cho vừa lòng gia đình vừa lòng xã hội ở đúng độ tuổi “được cho là chuẩn để kết hôn” rồi sau đó vô tình nhặt bí kíp gặp được kẻ đúng người sai thời điểm rồi ngoại tình lại chả tan nát hết. Xã hội hiện đại. Ai cho rằng kết hôn và con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất đời mình thì go ahead. Ai cho rằng sống 1 mình với đam mê có kế hoạch tài chính cho tương lai già nua không trở thành gánh nặng cho xã hội mang lại cho họ hạnh phúc. Again, go ahead. Đời người chỉ có 1 cái mạng, sao không sống cho bản thân mình mà cứ mãi diễn vai quần chúng cho bộ phim của thiên hạ. Không có tiền mới chết vì đói vì bệnh chứ dăm ba câu xỉa xói của miệng đời không làm được gì ta đâu. “ Tôi hay nhắc các cô nhìn thêm những cặp vợ chồng công nhân đang thuê nhà quanh cơ quan tôi. Họ chỉ có thu nhập 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Người thì bán hàng rong, người chạy Grab, người làm công nhận khu công nghiệp... nhưng họ vẫn mạnh dạn sinh con và nuôi con trong những điều kiện cơ bản. Nếu thiếu hụt, bí bách một chút thì có người đồng hành nắm tay nhau”. Thế mới nghèo, nghèo nữa nghèo mãi đấy. Không đủ kinh phí nuôi dạy con tử tế, không có thời gian chăm lo quản lý con cái, góp phần gia tăng tệ nạn xã hội. Thay vì muốn đẻ nhiều để có nhân công lao động chi bằng tập trung nâng cao chất lượng nhân lực. Nâng cao đời sống an sinh xã hội. Tự khắc người ta muốn đẻ. Thời buổi gắp tô bún gặm ổ bánh mì tự hỏi lòng hoá chất gì gì nằm trong đấy bao giờ mình ung thư vì nó thì ai mún đẻ cho tội thân con cháu.

    • nguyenxoan

      đúng rồi, giờ hàng tá người lấy chồng sinh con, chồng suốt ngày rượu chè cờ bạc, con cái hư hỏng lêu lổng về đánh luôn cả mẹ, cả đời hi sinh vì gia đình nhà ck đến cuối cùng cũng chẳng được gì. cuộc sống của bản thân sướng khổ vẫn do mình chọn, nếu mình chăm chỉ biết cách chi tiêu, kiếm được tiền chi tiêu hợp lí, để dành khoản tiết kiệm phòng thân, hằng ngày vui vẻ sống vậy là tốt rồi

    • Thi

      Bạn làm như loài người sắp tuyệt chủng tới nơi rồi vậy. Tác giả lo lắng cho người già đơn thân là tốt và đúng. Có người dưng nào mà thương yêu chăm sóc cho người người già ko? Hy vọng viện dưỡng lão Vn làm tốt điều này. Con nuôi thì xui nhiều hơn hên nha bạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI