Muốn mọi người đi du lịch trở lại thời điểm này không dễ

11/10/2020 - 07:53

PNO - Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam thừa nhận việc kích cầu du lịch lần thứ hai này sẽ gặp khó khăn hơn đợt kích cầu lần thứ nhất rất nhiều...

Ông Thọ lý giải, lần bùng phát dịch COVID-19 lần hai khiến du khách có tâm lý lo sợ. Điều này dễ hiểu bởi trước khi dịch tái bùng phát trong cộng đồng, hầu hết mọi người thấy rõ tình hình được kiểm soát tốt, các điểm du lịch trong nước khôi phục nhanh chóng. Dịch tái bùng phát và lan rộng từ Đà Nẵng chẳng khác nào "cú đấm bồi" với các doanh nghiệp trong ngành.

Phóng viên: Theo ông, ngành du lịch cần làm gì trong hoàn cảnh này?

- Ông Nguyễn Hữu Thọ: Rất nhiều việc cần phải làm lúc này, nhưng đầu tiên phải là công tác truyền thông để ổn định tâm lý du khách. Thông điệp an toàn phải đặt lên hàng đầu, đó là tua tuyến an toàn, điểm đến an toàn... 

Đồng thời phải có sản phẩm mới, trong giai đoạn này chỉ những sản phẩm mới mới có thể  thu hút được khách du lịch nội địa. Điều này một số địa phương đã nhìn ra và đưa vào khai thác. Chẳng hạn, tại Sapa lần đầu đưa mô hình spa nước khoáng hay Vũng Tàu có khu nghỉ dưỡng theo phong cách Nhật Bản lớn nhất Đông Nam Á… Với du lịch, sự sáng tạo bằng các sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết để thu hút khách nội địa, kể cả nước ngoài.

Khách hàng trải nghiệm tham quan thành phố bằng xe buýt hai tầng ở Sài Gòn. Ảnh: Quốc Thái
Khách hàng trải nghiệm tham quan thành phố bằng xe buýt hai tầng ở Sài Gòn. Ảnh: Quốc Thái

Nhưng sản phẩm mới thời điểm này có "quá sức" với các doanh nghiệp không thưa ông, bởi đã nhiều đơn vị trong ngành đang ở tình trạng kiệt quệ?

- Tôi nghĩ "liệu cơm gắp mắm thôi". Có những sản phẩm mới không đòi hỏi quá nhiều chi phí. Trong đợt kích cầu lần 1, có những khách sạn 5 sao bán đồ ăn dạng take a way vừa duy trì được công việc từ nguồn nhân lực có sẵn, vừa có thêm thu nhập... 

Giờ có thể đưa các món ăn địa phương, món ăn đường phố vào khách sạn 5 sao để giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc quảng bá hình ảnh thức ăn đường phố, cũng tạo cho lớp trẻ có ý thức rõ ràng về món ăn Việt cũng nổi tiếng, để làm sao khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Và trước giờ, ước mong của những nhà làm du lịch là làm sao để ẩm thực Việt Nam trở thành “ngôi nhà chung” của thế giới. Như thế, sẽ thu hút khách quốc tế lẫn trong nước rất lớn.

Trong tình hình COVID-19 hiện nay, chúng ta có thể kiểm soát được dịch nhưng các nước thì chưa, vậy nên du lịch chỉ phục vụ nội địa thôi. Nhu cầu đi du lịch nội địa, nghỉ dưỡng, phục hồi, né tránh dịch… vẫn có, thậm chí là rất lớn. Du lịch ẩm thực được đánh giá là quan trọng hàng đầu để thu hút khách, sau du lịch biển, nghỉ dưỡng, sinh thái. 

Đợt kích cầu du lịch lần 1 đã có những ý kiến nhận xét tiêu cực như các đơn vị thiếu liên kết, chỉ hô hào mà không kích cầu thực sự. Liệu những hạn chế đó có được khắc phục trong lần kích cầu thứ 2?

-Điểm yếu nhất của chúng ta là mối liên kết, tôi lấy ví dụ với “ẩm thực đường phố”.  Một gia đình có truyền thống nấu ăn ngon thì người ta chỉ phục vụ vừa đủ, không muốn mở rộng, thậm chí giấu đi kinh nghiệm, nhưng như thế sẽ kiềm hãm sự phát triển lớn hơn về quy mô.

Trong tình hình hiện nay còn đòi hỏi cao hơn. Ngoài liên kết  giữa các loại hình dịch vụ thì cần đến nhiều sự kiện hơn để thu hút khách. Nếu không có nhiều sự kiện thì tuyến điểm không sôi động, không năng động, không hấp dẫn. Các đơn vị hãy cứ xác định dịch bệnh trên toàn thế giới sẽ kéo dài, nên chúng ta cần có "cẩm nang" cho du khách biết trước những tháng tới hoặc năm tới có sự kiện, tuyến điểm du lịch nào để người ta đi...

Sau khi chiến dịch kích cầu lần 2 được phát động, nhiều địa phương cũng đã công bố chiến dịch của riêng mình. TPHCM có chiến dịch “Hello Ho Chi Minh City”, theo ông, hoạt động này có khả thi?

- Khẩu hiệu “Hello Ho Chi Minh City” là khẩu hiệu tốt, nhưng quan trọng là những hoạt động thực tế đi kèm với khẩu hiệu đó. Du lịch TPHCM là hình thái du lịch đô thị không phải là du lịch biển, sinh thái, văn hoá, lịch sử. Thế mạnh là tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, kể cả hội thảo về lịch sử - văn hoá, hội thảo kinh doanh… Vậy nên tôi nghĩ, các tuyến điểm của TPHCM nên tổ chức các sự kiện mới phát huy được thế mạnh này. Còn nếu chúng ta dừng lại ở “Hello Ho Chi Minh City” mà không có sự kiện thì chương trình rất khó để thu hút khách.

Không chỉ riêng TPHCM mà ở những nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng cũng phải lên lịch các sự kiện tổ chức, công bố sớm để thu hút du khách. Ngoài ra, du lịch muốn có nhiều sản phẩm mới, độc đáo thì phải dựa vào DN du lịch sáng tạo ra, mà muốn sáng tạo DN phải thấy được lợi ích, nên nhà nước cần phải trú trọng vào công tác quy hoạch, công bố để thu hút đầu tư của DN.

Tôi lấy ví dụ, gần đây TPHCM đề xuất các đường đi bộ mới, các chợ đêm cũng là những điểm mới, nhưng phải làm thật, phải hết sức sáng tạo mới thu hút được khách. Còn nếu chúng ta ra chủ trương, nhưng để đó rồi nó sẽ qua đi, mất cơ hội cho chúng ta, đặc biệt là trong tình hình hiện nay.

Xin cám ơn ông!

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI