Mười ngàn trẻ em cầm súng trong cuộc chiến ở CH Trung Phi

19/12/2014 - 06:38

PNO - PNO - Số trẻ em trực tiếp tham gia cầm súng trong cuộc xung đột phe phái tại nước Cộng hòa Trung Phi hiện đã tăng hơn gấp đôi, thậm chí có thể gấp 4 lần, kể từ khi xung đột bùng phát tại quốc gia này năm ngoái.

edf40wrjww2tblPage:Content

Muoi ngan tre em cam sung trong cuoc chien o CH Trung Phi

Một bé gái từng bị cưỡng hiếp nay tham gia nhóm vũ trang - Ảnh: Getty Images

Tổ chức nhân đạo Save the Children (Cứu trẻ em) ước tính hiện có khoảng từ 6.000 tới 10.000 trẻ em cả trai lẫn gái đang là thành viên của các nhóm vũ trang, so với con số khoảng 2.500 khi cuộc xung đột bắt đầu tại quốc gia này.

Cộng hòa Trung Phi chìm sâu vào xung đột kể từ khi những người miền Bắc, chủ yếu thuộc nhóm nổi dậy Hồi giáo Seleka giành quyền kiểm soát thủ đô Bangui vào tháng 3/2013, khơi mào cho cuộc chiến với lực lượng dân quân theo Thiên chúa giáo. Hàng ngàn người đã chết hoặc mất nhà cửa và đất nước rơi vào vòng cuộc chiến hận thù không hồi kết.

Một báo cáo được Save the Children công bố ngày 18/12 cho biết các nhóm xung đột tuyển mộ ngay cả những đứa trẻ mới 8 tuổi. Một số em bị ép buộc, trong khi số khác tham gia do nghèo đói hoặc muốn trả thù cho người thân của mình. Hầu hết các em đều trở thành nạn nhân của các loại bạo hành thể xác, tinh thần và cả tình dục; thậm chí bị buộc giết người hoặc tham gia vào các hình thức tội ác khác.

Khi được hỏi, Jean một cậu bé 16 tuổi (tên các nhân vật đã được thay đổi), tín đồ Thiên chúa giáo nhưng lại tham gia phái Seleka của người Hồi giáo cho biết, cậu nghĩ rằng đó là cách mà cậu có thể kiếm được tiền. “Tôi đã tham gia vào nhóm rất nhiệt tình, vì ban đầu tôi không hề biết nó như thế nào”, cậu nhớ lại, “Tôi có một khẩu AK-47 nhưng tôi đã bán nó để lấy tiền. Tôi đã từng dùng nó để giết người. Tôi đã giết rất nhiều người…”

Muoi ngan tre em cam sung trong cuoc chien o CH Trung Phi

Một bé trai - chiến binh Cộng hòa Trung Phi - Ảnh: DPA

Còn cô bé Maeva, 17 tuổi, tham gia một nhóm vũ trang vào năm ngoái sau khi bị hiếp và chứng kiến một người dì của em bị giết. Em cho biết: “Có những đứa chỉ mới 10 tuổi… chúng cũng là chiến binh. Khi có đánh nhau, chúng cũng tham gia chiến đấu. Những lúc khác, chúng làm những việc lặt vặt cho chỉ huy. Tôi biết điều này là không bình thường, nhưng mỗi người đều có lý do để tham gia. Ai cũng có những nỗi bất bình và đau khổ”.

Báo cáo của Save the Children cho rằng, khi chứng kiến hoặc tham gia vào việc giết người và các hành vi bạo lực khác, trẻ em tham gia các nhóm vũ trang phải chịu đựng những nỗi sợ hãi, lo lắng, đau buồn, bất an và trầm cảm. Julie Bodin, một lãnh đạo của tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Trung Phi nói: “Nhiều đứa trẻ trong số này đã phải trải qua những điều mà ngay cả người lớn cũng không muốn trải qua. Thậm chí nếu chúng có thể rời bỏ hoặc được giải thoát khỏi những nhóm này, chúng cũng sẽ phải chịu đựng sự tự ám thị, lo sợ hoặc bị từ chối bởi cộng đồng. Chúng buộc phải đấu tranh để tái hòa nhập vào cuộc sống bình thường sau thời gian dài đắm chìm trong bạo lực”.

Tổ chức từ thiện này đã cung cấp những trợ giúp tâm lý đặc biệt cho những trẻ tham gia các nhóm vũ trang. Họ cũng cho biết, nghèo đói, không được học hành và thiếu việc làm đã góp phần đẩy trẻ em vào tình cảnh này, cũng như tạo ra một nguồn cung cấp chiến binh tiềm năng cho các cuộc xung đột.

Muoi ngan tre em cam sung trong cuoc chien o CH Trung Phi

Những chiến binh trẻ em tại châu Phi - Ảnh: DPA

LHQ ước tính hơn 5000 người đã bị giết tại Cộng hòa Trung Phi trong năm qua, khoảng 2,5 triệu người trong tổng số 4,5 triệu dân của đất nước này cần được cứu trợ khẩn cấp về lương thực và nước uống, chỗ ở, y tế và giáo dục.

Tổ chức Save the Children nói rằng, chính quyền của Tống thống lâm thời Catherine Samba-Panza, LHQ và các quốc gia tham gia gìn giữ hòa bình chưa thực hiện lời hứa của họ trong vấn đề “giải ngũ” lính trẻ em và ngăn chặn tuyển dụng trẻ em cầm súng. Bà Julie Bodin cho biết thêm, hiện đang cần rất nhiều nguồn lực để tạo dựng lại cuộc sống cho trẻ em tại đây, xây dựng và củng cố những cơ sở cần thiết như trường học để giúp chúng có điều kiện phát triển vì “điều này không chỉ cần thiết cho các em, mà cho cả tương lai của đất nước”.

DƯƠNG BÍCH LIÊN
(Theo The Guardian)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI