“Mũi xung kích” thầm lặng của bản hùng ca năm 1975

23/04/2025 - 06:47

PNO - Ngày 21/4, Hội LHPN TPHCM đã phối hợp Ban liên lạc cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Phụ nữ TPHCM tổ chức chương trình họp mặt cán bộ cơ quan Phụ vận Sài Gòn - Gia Định.

Phụ nữ là một mũi xung kích vô cùng quan trọng

“Năm nay 82 tuổi rồi, tôi không thể tưởng tượng nổi mình còn có thể gặp nhau như thế này. Út Huyền, Sáu Dân, Út Hường, Út Anh… Còn các em mình đâu ha? Út Hạnh, Tuấn… Vui quá! Thực sự đây là món quà ý nghĩa!” - bà Trần Thị Lan bệu bạo nói và điểm danh từng cái tên thân thương đang có mặt tại hội trường Hội LHPN TPHCM - nơi được xem là ngôi nhà chung của các cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định.

Trải qua nhiều lần phẫu thuật vì bạo bệnh, bà Lan vẫn quyết đến với những người đồng chí, đồng đội năm xưa trong cuộc hội ngộ tháng Tư lịch sử. Theo bà, trong lần gặp mặt này là tập bản thảo Phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong Nam Bộ kháng chiến (1945-1975) mà từ lâu, bà luôn ấp ủ phải hoàn thành. “Tôi mang tập bản thảo này đến để các chị, các em thấy ban phụ vận chúng ta làm được rất nhiều việc. Chúng ta đã làm nên những kỳ tích mà thế giới phải nghiêng mình kính phục” - bà Lan bộc bạch.

Cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định cùng các cán bộ hội hôm nay
Cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định cùng các cán bộ hội hôm nay

Lật từng trang bản thảo, bà dừng lại ở những bài viết về phong trào bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam. Năm 1965, trong bối cảnh bom đạn Mỹ nổ ì ầm ở khu vực ven đô, thì ở trung tâm Sài Gòn, những quán rượu, vũ trường, phòng trà, tắm hơi xoa bóp… vẫn nhan nhản. Cùng với những cuộc hành quân càn quét là cảnh hãm hiếp, xúc phạm thô bạo phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc sống đói nghèo, bức bách vì chiến tranh đã đẩy không ít phụ nữ vào con đường trụy lạc. “Sài Gòn có 25.000 gái mại dâm. Sài Gòn là một ổ điếm…” - Thượng nghị sĩ Mỹ Fulbright từng lên giọng phỉ báng.

Quyết không để kẻ xâm lược xúc phạm, Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo khôn khéo, các cán bộ phụ vận đã thành lập mặt trận phụ nữ các giới, từ giới thượng lưu, trí thức, tôn giáo đến vợ con, gia đình của những người lãnh đạo công quyền của chế độ cũ. Năm 1969, nhiều cán bộ phụ vận bị địch bắt.

Khi ấy, bà Lan là cán bộ Thành đoàn được phân công cùng cán bộ phụ vận thực hiện phong trào “Phụ nữ đòi quyền sống”. Đây là mặt trận lớn, nhận được sự ủng hộ của các tổ chức chính trị, tôn giáo, báo chí tiến bộ. “Ngày 5/1/1971, bà Ngô Bá Thành - lãnh đạo phong trào - đã tổ chức được một đại hội phụ nữ quốc tế về Việt Nam tại Sài Gòn.

Chủ tịch phân bộ 5 nước đồng minh của Mỹ có lính đang tham chiến tại Việt Nam bao gồm Canada, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Mỹ và chủ tịch các tổ chức hòa bình đã đến dự. Đại hội tổ chức trong lựu đạn cay, dùi cui và đại biểu 5 nước đã chui qua hàng rào cay đó để ký một hiệp ước gọi là Thỏa ước hòa bình, yêu cầu Mỹ rút quân và xác định hòa bình là nguyện vọng của toàn thế giới” - bà Trần Thị Lan kể.

Bà Lan cho biết, bản thân bà cũng được Nhà nước đưa ra ứng cử dân biểu Quốc hội với mục đích “ứng cử không phải để đắc cử, mà ứng cử để có lý do tố cáo chế độ”. Bà cầm phiếu ứng cử đi khắp, từ Sài Gòn ra Huế, tổ chức những cuộc nói chuyện để tố cáo chế độ lao tù. Một lần, Tỉnh trưởng Hội An điều một đại đội xe jeep đến bắt bà. Lúc đó, ni sư Huỳnh Liên đứng ra tuyên bố: “Nếu các ông đụng đến cô Lan, chúng tôi sẽ tự thiêu”. Điều đó cho thấy, phong trào đòi quyền sống lan đến tận cửa chùa. Các nhà sư xuống đường tham gia biểu tình và không ngại đem mạng sống của mình để bảo vệ chiến sĩ cách mạng.

Bà Trần Kim Cúc - nguyên Bí thư Quận ủy quận Tân Bình - hồi tưởng lại những tháng ngày hoạt động cùng ban phụ vận. Năm 1967, bà bị bắt giam 3 tháng tại cư xá Tổng nha. Trong tuần lễ cuối cùng trước khi được thả về, bà được sống chung với bà Lê Thị Riêng - Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định. Trong ký ức của bà, thủ trưởng là một người phụ nữ có lối sống giản dị, bình dân nhưng luôn dũng cảm, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù.

“Dì Hai bị tra tấn đến mức 2 đầu ngón tay trỏ chỉ còn có xương. Nhưng dì chịu đựng được. Tuyên bố chống chào cờ, dì bị địch mang ra đánh. Đánh xong, chúng gọi tôi và một người bạn tù ra khiêng dì Hai vô. 2 chân dì dập nát, máu nhỏ từng giọt chảy dài từ ngoài sân cho đến phòng giam” - bà Kim Cúc kể.

Bà Cúc khẳng định, dù chỉ có 1 tuần ngắn ngủi được sống với bà Lê Thị Riêng, nhưng bà học được một bài học lớn, đó là ý chí kiên cường, bất khuất. Luôn ghi nhớ câu nói của người thủ trưởng “Chính quyền của lá cờ này đối kháng với tôi nên tôi không thể chào”, nên khi bị địch bắt lần thứ hai ở mặt trận Cầu Kho trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân, bà tuyên bố chống chào cờ trong suốt 6 năm ở tù.

Làm dày thêm trang sử vàng của dân tộc

Cuộc họp mặt cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định là cuộc gặp gỡ của những người đã từng lãnh đạo quần chúng cách mạng Sài Gòn - Gia Định trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ; là những người từng hoạt động tại nội thành Sài Gòn - Gia Định, đã vận động quần chúng, gieo mầm, kết nối và tổ chức lực lượng cách mạng trong lòng địch. Đó là các anh chị em của cơ quan ban phụ vận gồm giao liên chiến khu, chiến sĩ bảo vệ cơ quan trong những ngày khó khăn, gian khổ. Đó còn là những người từng bám trụ trên “vành đai diệt Mỹ” của “Củ Chi đất thép thành đồng”.

Tại buổi họp mặt, các cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định đã cùng nhau mặc niệm, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, cùng nhau ôn lại kỷ niệm những ngày đấu tranh gian khổ. Trong những ngày tháng Tư lịch sử 1975, khi cả nước dốc sức đưa những binh đoàn bách chiến bách thắng của quân đội nhân dân Việt Nam và quân giải phóng miền Nam vào chiến trường, thì ngay trong lòng Sài Gòn - Gia Định, các lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng, trong đó có lực lượng của Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định đã đồng loạt chiếm lĩnh các vị trí yết hầu, sẵn sàng phối hợp cùng đại quân đánh đòn quyết định.

 Bà Phạm Thị Thanh Hiền  - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà tri ân cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định nhân kỷ niệm 50 năm  ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà tri ân cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nhìn lại 50 năm chuyển mình lịch sử, bà Lê Thị Thu - Trưởng ban liên lạc cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Phụ nữ TPHCM - nhận định: “TPHCM anh hùng càng thêm rực rỡ với những thay đổi kỳ diệu, luôn giữ vững vị trí tiên phong, đi đầu trên nhiều lĩnh vực và đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của cả nước, trong đó có sự đóng góp của phong trào phụ nữ và Hội LHPN TPHCM”.

Thay mặt thế hệ cán bộ hội đương nhiệm, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - khẳng định, trong suốt chặng đường kháng chiến cam go và ở giai đoạn lịch sử kết thúc vẻ vang, phụ nữ TPHCM đã luôn có mặt dưới lá cờ Tổ quốc, là lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phụ nữ TPHCM nói chung, đặc biệt là những cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định trong từng giai đoạn đã luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Với tấm lòng nhân hậu của người mẹ, người chị, các cô, các dì đã bất chấp mọi hiểm nguy để tạo nên những chiến công hiển hách, làm dày thêm trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam.

“Các thế hệ phụ nữ đi trước đã đóng góp cho bản hùng ca ngày 30/4/1975. Tinh thần đoàn kết, sự lạc quan, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam, của bao thế hệ phụ nữ thành phố đã được lan tỏa qua nhiều thế hệ và hôm nay. Trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ thành phố sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng với lớp lớp phụ nữ đi trước, để “con tàu” TPHCM sẽ cập bến đầu tiên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - bà Phạm Thị Thanh Hiền bộc bạch.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI