Mùa dịch, mỗi người sống cực hơn một chút vậy

27/03/2020 - 07:52

PNO - Chiều 26/3, khi thông báo mỗi người lao động sẽ được thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm: “Trong lúc khó khăn này, mỗi người sống cực hơn một chút để người khác đỡ lâm vào cảnh khó khăn hơn và để chúng ta chống được dịch”.

 “Chống được dịch" - đại sự này được lãnh đạo thành phố nhắc đến cùng với “một chút cực hơn” của mỗi người. Chi tiết này chợt làm chúng tôi liên tưởng đến những điều nhỏ nhoi nhưng đáng quý mà mình được chứng kiến giữa mùa dịch bệnh, với góc nhìn của những người viết...

Một thành viên trong nhóm hướng dẫn các em nhỏ xóm Chùa cách sử dụng nước rửa tay khô - Ảnh: Minh Thanh
Một thành viên trong nhóm hướng dẫn các em nhỏ xóm Chùa cách sử dụng nước rửa tay khô - Ảnh: Minh Thanh

Số lẻ… dễ thương

Sau khi loạt bài ba kỳ COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè được đăng trên Báo Phụ nữ TP.HCM từ ngày 23/3 tới 27/3, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ từ phía bạn đọc về những mảnh đời bên lề đô thị: những người vô gia cư, những phận đời buôn thúng bán bưng, những người sống trong những “ngôi nhà bóng đêm”, các khu ổ chuột, tồi tàn của thành phố…

Khi nghe bộ phận Xã hội từ thiện của Báo thông báo sơ kết lần I số tiền mà bạn đọc ủng hộ sau vài ngày loạt bài đăng tải là 31.100.000 đồng, nhóm phóng viên thực hiện đề tài nói với nhau: “Có số lẻ dễ thương chưa kìa!”. Hỏi ra mới biết, ngoài một Mạnh Thường Quân ở Q.1 ủng hộ 10 triệu đồng, một nghệ sĩ nổi tiếng ủng hộ 10 triệu đồng, số còn lại được tạo nên từ những hai trăm ngàn, năm trăm ngàn, một triệu đồng… cho đến một trăm ngàn đồng góp lại.

Ngoài ủng hộ tiền, có người còn ủng hộ khẩu trang, nước rửa tay… Trong số đó, có cả sự đóng góp của những người lao động chân tay, những chị làm nghề gội đầu, cắt tóc… đang thất nghiệp trong mùa dịch. Chẳng hạn như, chủ nhân của số lẻ một trăm ngàn đồng mà chúng tôi vừa nhắc là một người giúp việc, khi đọc bài, chị muốn chia sẻ chút tấm lòng của mình đến những người “còn khổ hơn mình”. Chẳng ai bảo ai, tất cả họ, đều muốn là những người giấu tên, những người - chia - sẻ - trong - yên - ắng khi làm được một việc nhỏ nhoi, có ý nghĩa.

Và chúng tôi tin, ở thời điểm dịch bệnh hoành hành hiện nay, khi những con người phiêu dạt bên lề thành phố đang là những người “dễ tổn thương” nhất của xã hội, ở đâu đó, vẫn có những tấm lòng âm thầm gửi đến họ. Có khi là một bữa cơm, một hộp sữa hay một gói mì. Hay như một bác bảo vệ lương tháng chỉ 4 triệu đồng nhưng ngày nào cũng như ngày nào, bất kể nắng mưa, cũng dành ra 10.000 đồng biếu ông Nam - “cư ngụ” ở bến xe buýt trước cổng trường THCS Vân Đồn (đường Hoàng Diệu, Q.4). Vì một lý do rất đơn giản nhưng cũng đầy xúc động: nếu bữa đó, không có ai mang cơm từ thiện qua thì ông Nam vô gia cư cũng có 10.000 đồng của bác để không bị đói.     

Hóa ra, người nghèo khổ còn nhiều và những tấm lòng nhân ái cũng nhiều lắm. Bằng nhiều cách khác nhau, họ vẫn tìm thấy nhau, trao nhau một chút ấm lòng giản dị giữa cái lạnh lùng của mùa dịch; để cùng nhau kể tiếp câu chuyện bên vỉa hè Sài Gòn.

Hai ngày trước, mỗi phóng viên, nhân viên của Báo Phụ nữ TP.HCM trích ra một ngày lương để ủng hộ những con người nhỏ bé đó. Cộng với số tiền sơ kết trên, chiều 26/3, chúng tôi mang tổng cộng hơn 50 triệu đồng chia làm 100 phần quà (mỗi phần trị giá 500.000 đồng), cùng với khẩu trang và nước rửa tay khô, quay lại “nhà” của những người vô gia cư, những người buôn thúng bán bưng, những người sống trong những khu ổ chuột của thành phố để gửi họ “chút tấm lòng” trong những ngày dịch bệnh khó khăn này. Vì cuộc đời còn dài, và chúng ta vẫn phải nhìn về phía trước bằng bất cứ giá nào đi nữa.

Nụ cười của ông Hùng khi nhận quà của độc giả Báo Phụ nữ TP.HCM trong mùa dịch - Ảnh: Đậu Dung
Nụ cười của ông Hùng khi nhận quà của độc giả Báo Phụ nữ TP.HCM trong mùa dịch - Ảnh: Đậu Dung

Cái phích nước của ông Hùng

Mấy ngày sau khi bài đầu tiên về những “người không nhà, về đâu trong mùa dịch” được đăng tải, chúng tôi trở lại thăm ông Hùng - một nhân vật nhắc đến trong bài viết để trao quà từ thiện. Vẫn chốn nghỉ ngơi quen thuộc trên vỉa hè Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) và vẫn bộ quần áo ông mặc mấy hôm trước; nhưng có một điều rất khác.
“Hôm nay con mới thấy ông cười, ông cười vậy có phải vui không”, tôi buột miệng khi nhớ tới gương mặt hơi khó gần và dáng vẻ “thích cúi gằm” mặt xuống đất của ông mấy hôm trước. Ông nói, vì tâm lý tự ti, lại thêm cái xe đẩy ve chai nặng quá, nên khi đi, ông thường cúi xuống đất, lâu thành thói quen.

Mấy hôm trước, lúc chào ông để về, chúng tôi hỏi, bây giờ ông mong muốn điều gì nhất? Với người khác, có lẽ là nhà lầu, xe hơi, hay một ước muốn cao sang nào đó mà chỉ có ông Bụt hiện ra mới giải quyết được. Còn ông Hùng, gần 60 tuổi đời, ông chỉ mong có một cái phích đựng nước sôi giá hơn 100.000 đồng.

Trước đây, có người tặng ông cái phích nước, thỉnh thoảng các đoàn từ thiện mang biếu thùng mì tôm, bất cứ khi nào đói, cũng có thể pha mì ăn ngay được. Thế nhưng, từ ngày chiếc phích vỡ, đói cũng đành… chịu. Ông chỉ biết trông vào từng bữa cơm “cứu đói” khi chiều tắt từ một tấm lòng hảo tâm nào đó. Mà mùa dịch, người ta ở nhà nhiều, có “cứu” ai thì cũng để sau. Trao cái phích nước cho ông, như gửi gắm một chút ấm lòng giữa phố mùa dịch ráo hoảnh vắng tanh. Chỉ mong ông không phải nhịn đói, để tạm qua đi một cách yên ổn nhất (có thể) trong giai đoạn khó khăn này.

Bây giờ, ông đã có cái phích nước rồi, nếu cho ông thêm một điều ước nữa, ông muốn gì nhất, chúng tôi hỏi. Ông Hùng nghĩ một hồi, rồi hướng mắt về chiếc xe đẩy ve chai. Chiếc xe ông đang dùng là một chiếc xe cũ, mua lại từ vựa ve chai mấy năm trước, đến nay, đã trở nên chậm ì, nặng nề, phải dùng sức nhiều mới đẩy được.

Đó, điều ước giản dị giữa mùa dịch của người đàn ông này chỉ có bấy nhiêu thôi. Ông không ước có bọc tiền trên trời rơi xuống, không ước ông giàu sang phú quý, chỉ ước có một chiếc xe - một phương tiện để ông dùng chính sức lao động của mình, kiếm ăn cho đỡ cực.

Thế là mãn nguyện lắm rồi - như lời ông nói. Chào ông Hùng, chúng tôi biếu kèm một ít khẩu trang và gel rửa tay khô, ông hứa sẽ dùng một cách “có trách nhiệm”. “Có trách nhiệm” của ông nghĩa là: “Đi làm”, ông sẽ đeo khẩu trang; bới thùng rác để nhặt vỏ chai xong, ông sẽ xịt gel cho 
an toàn. 

Trên đường về, cái ý nghĩ, từ nay, “ông Hùng vô gia cư” sẽ có cái phích nước của riêng mình cũng khiến chúng tôi khấp khởi hạnh phúc theo. Còn chiếc xe đẩy thì sao? Bằng cách nào đó, nhất định, chúng tôi sẽ trở lại, để gửi nó tới ông.

Để không ai bị bỏ lại trong trận dịch này, mỗi người cần chịu khó hơn một chút để sẻ chia
Để không ai bị bỏ lại trong trận dịch này, mỗi người cần chịu khó sống cực hơn một chút

Phép so sánh của người xóm Chùa

“Lãnh quà!”, “lãnh quà!” - mấy đứa nhỏ chạy ra giữa đường đứng dòm chúng tôi lom lom, rồi tuôn chạy vào con đường đất nhỏ dẫn vào trong xóm, reo lên. Một thằng bé độ chừng 6 tuổi, líu quíu như gà mắc tóc, nhìn quanh quất như không biết phải chạy đường nào, rồi gãi đầu nhìn chúng tôi, nói: “sao cô chú đến trễ quá à…”. Vinh - một phóng viên trẻ trong nhóm tôi nói: “chú xin lỗi, chú hẹn 5g mà ha".

Lúc đó đã gần 6g. Những cuộc thăm hỏi trước đó dọc đường từ Q.1 sang cầu Lò Gốm, xuống cái xóm Chùa nghèo xơ bên hông đại lộ này, đã chiếm nhiều thời gian hơn dự kiến. Nhưng Vinh chẳng áy náy được lâu, từ hướng bọn trẻ chạy vào, một bầy trẻ con phấn khích đã chạy ùa ra.

Ngay cái ngã tư giữa “khu nhà bóng đêm”, tiếng cười đùa của lũ trẻ cũng trở nên xao xác. Nhìn tứ phía, tôi đều thấy một con đường đất giống nhau, dẫn vào những cái xóm nhà mái thấp, chen lẫn cái rậm rạp của bụi bờ hoang dại hoặc những giàn cây ai đó trồng lấy trái.

Lùi mấy bước để ghi lại khoảnh khắc hớn hở của bọn trẻ, tôi thấy mình đã lọt thỏm vào một túp lều có đầy đủ bếp núc, tủ chạn. Đó là căn bếp của gia đình em Chi (sinh năm 2000). “Nhà thuê bốn triệu, dột lắm. Mà mùa này ở đây hổng biết sợ, tại ai cũng như mình". Đó là Chi nói về dịch bệnh, khi chạm mặt tôi trong gian bếp. “Chỉ có lên mạng đọc báo xong mới sợ, rồi nhìn hàng xóm vẫn lăn lộn đi làm thì thôi mình cũng lăn lộn tiếp”.

Đại dịch COVID-19 là biến cố lớn nhất trong năm đầu tiên của thập niên thứ ba thế kỷ XXI. Có lẽ chỉ vài tháng trước đây, không ai hình dung đến tình thế 1/3  nhân loại phải sống trong tình trạng chịu quản thúc (lock down) như bây giờ. Có rất nhiều đảo lộn, đột biến không lường được; song bên cạnh đó, lại có một thứ mà dịch bệnh đang củng cố, gia tăng: bất bình đẳng xã hội.

Loạt bài về những thân phận bên lề trong đại dịch COVID-19 trên Báo Phụ nữ TP.HCM đã cho chúng ta nghe thấy những tiếng nói rất dễ bị chìm lấp, những khuôn mặt rất dễ trở nên vô hình trong những ngày tháng căng thẳng này. Đó là những số phận thực ra dễ bị tổn thương và bị bỏ lại, ngay kể cả khi chúng ta nói rằng sẽ không ai bị bỏ lại hay đề cao sự đoàn kết cộng đồng như là giải pháp thiết yếu trong cuộc chiến chống vi-rút.

Cuộc sống của họ trước, trong và ngay cả sau khi đại dịch qua đi vẫn cứ ở trong tình thế bấp bênh và bất trắc. Họ khiến chúng ta cần phải ngập ngừng hơn khi nói về những cơ hội mà thời điểm này đem đến như có một mái nhà để gắn kết, có thời gian rảnh để sống chậm và chăm sóc tâm hồn…

Những bài báo này làm tôi tin vào trách nhiệm của báo chí, rằng trong bất cứ tình thế nào, vẫn có những cây bút lựa chọn đứng về phía những người yếu thế nhất.

Có thể loạt bài này không thuộc những tin tức được cập nhật thường xuyên và được truy cập nhiều nhất, gây phản hồi nhiều nhất, nhưng tôi tin chúng lại là những bài viết còn được đọc lại sau khi chúng ta đi qua những ngày thử thách này. Bởi tính vấn đề của chúng thì vẫn còn đó, và với tôi, luôn có tính thời sự nếu chúng ta muốn hướng tới một xã hội ngày một thật sự bình đẳng và gắn kết hơn.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu

Căn bếp cũng là “gian” đầu tiên của một dãy nhà nhìn ra cái ao có tên là “xóm ông Chín". Dường như, mặt bằng chung của cả khu xóm Chùa này chính là điều khiến từng người trong họ vin vào, để an tâm sống lu lu lấp lấp giữa dịch bệnh. Họ bình thản sống, vì “ai cũng như mình".

Gian bếp xập xệ của Chi, cùng những mái nhà lè tè, những phên giậu che đậy bộn bề khắp “mặt tiền" của xóm, tạo thành một không gian như kiểu làng mạc sông nước… “chẳng giống Sài Gòn”. Phép so sánh này là của thằng bé con bà Sáu Con. Tôi hỏi nó ở đây lâu chưa. Thằng bé nói “ở lâu lắc rồi”, anh nó “cũng ở lâu”, em nó “cũng ở lâu”.

Đến khi trò chuyện với những người lớn ở đó, tôi mới hiểu lời thằng bé. Nó là con thứ ba trong gia đình, mẹ nó đến đây thuê trọ rồi ở riết từ hồi con gái cho đến khi sinh 6 người con cũng ở cái xóm này. Những người hàng xóm này chẳng biết tên người phụ nữ trẻ. Cả xóm gọi chị là bà Sáu Con, vì “cả xóm hổng ai có 6 đứa con như chị”.

Tôi chợt có một phát hiện thú vị, là mọi lối miêu tả của bà con trong xóm đều có chung một mô-típ so sánh, rằng người này có giống người kia không, nhà này có giống nhà kia không, và cả xóm này có giống… thành phố ngoài kia không...

Mỗi phần quà chúng tôi mang theo có một ly trà sữa, vài chiếc khẩu trang, một chai nước rửa tay khô và 500.000 đồng. Bà Năm - tầm 80 tuổi với tay một chị hàng xóm, vẻ bồn chồn: “Nó chạy qua không kịp rồi bây…”. Thấy tôi nhìn lại, bà nói như phân trần: “Hai đứa cháu tui ở bên kia mé sông, chỗ kia kìa, mà phải đi đường vòng mới lại được. Giờ mần sao nó qua kịp mà xin cô chai nước rửa tay như sắp nhỏ…?”.

Những đứa trẻ
Những đứa trẻ xóm Chùa

Nói rồi, bà nhìn vào chai nước rửa tay trong tay đứa trẻ đứng gần đó, chậc lưỡi. Lúc tôi đem lại cho bà một phần quà, bà cười ngượng nghịu: “Hổng ấy, tui lấy chai nước rửa tay thôi". Tôi vẫn cố ấn  túi quà vào tay, bà Năm cười hiền, cầm lấy, rồi lặng lẽ nhìn bọn trẻ đang xô bồ vui vẻ bằng ánh nhìn mãn nguyện. Cụ bà thừa hiểu, chai nước rửa tay trong phần quà nọ không phải là liệu pháp toàn năng để phòng dịch, nhưng bà cũng muốn cháu mình có một phương tiện gì đó để an toàn trong dịch bệnh, “giống như sắp nhỏ" bà đang thấy trong buổi chiều nay.

Lúc chị Trúc - trưởng nhóm chúng tôi hướng dẫn cách sử dụng nước rửa tay khô, vài đứa trẻ đang tập trung cũng bất giác xòe tay làm theo những động tác “xoa đều, rửa từng kẽ tay". Những bàn tay lem luốc, nhỏ xíu. Chúng tôi bất giác cùng bật ra một tiếng cười khẽ. Những bàn tay lem luốc ấy quá rời rạc khỏi những chai nước rửa tay khô - một món quà tiện lợi nhưng không quá tối ưu trong việc làm sạch. Hình như cũng nhận ra điều này, chị Trúc nói: “Các con đừng đưa tay dụi mắt, cũng không đưa tay lên miệng khi đang chơi, trước khi ăn phải rửa tay thật sạch với nước, rồi rửa lại bằng nước rửa tay này nha…”.

Bọn trẻ vừa “dạ", vừa nhìn sang những chai nước rửa tay với mấy chiếc khẩu trang được đựng trong những chiếc túi giống y nhau, cười khoái chí. Một thằng bé đâu chừng 4 tuổi, chồm tới nhìn vào túi quà của một bé gái lớn hơn nó, rồi nhìn ngược về túi quà của mình mà ngửa mặt cười sung sướng. 

Trẻ con trong xóm Chùa hớn hở xúm xít đợi nhận quà. Ảnh Minh Trâm
Trẻ con trong xóm Chùa hớn hở xúm xít đợi nhận quà. Ảnh Minh Thanh

Hình ảnh này bất giác làm tôi thấy “những người lớn mang quà" vừa hớn hở bước vào cái xóm hiu hắt này mới chính là những kẻ đang được nhận. Từng phần quà hãy còn quá khiêm tốn, vẫn quá nghèo nàn so với điều kiện chống dịch của từng người dân trong hoàn cảnh sống bình thường giữa thành phố này. Chúng tôi vẫn thấy họ còn cần nhiều nước rửa tay, nhiều khẩu trang, và nhiều nhu yếu phẩm hơn để có thể ở yên trong nhà như khuyến cáo của lãnh đạo thành phố trong những ngày cao điểm chống dịch.

Thế nhưng, với số lượng 100 người vô gia cư và người nghèo trong danh sách mà phóng viên đi thực tế ghi nhận, việc chăm lo đủ đầy cho từng người như kỳ vọng của chúng tôi, là chưa thể. Chúng tôi quyết định hành động bằng nguồn lực hiện tại của mình, dù sự kịp thời lúc này phải đánh đổi bằng kỳ vọng “trọn vẹn, đủ đầy" của từng món quà cho đi trong mùa dịch. Thế nhưng, đối diện với những gương mặt rạng rỡ, những cái cười ngượng nghịu mãn nguyện của cả người già và trẻ con với món quà mọn - chúng tôi chợt nhận ra, thêm một chút vui đã là vui rồi.

Đứng trước bà Năm, với cái lỏn lẻn ở tuổi 80 chỉ vì xin được một chai nước rửa tay khô cho cháu - tôi chợt hiểu, sự ngại ngần, khiêm tốn của những người tốt bình thường có thể đã tước đi bao điều thiện ở đời. Chắc chắn, ai cũng có thể tặng một chai nước rửa tay khô. Ai cũng đủ “giàu có" để cho đi một chiếc khẩu trang, hay một phần tiền đủ mua một món quà tương tự. Và, ai cũng đủ “mạnh", để mang đến một niềm vui giống như niềm vui chúng tôi đã mang đến xóm Chùa chiều 26/3. Nếu chưa thể, hẳn là vì ta còn quá khiêm tốn hoặc ngần ngại. 

Buổi chiều ở xóm Chùa, trong “khu nhà ông Chín" (ông Chín là chủ xóm trọ này), đứng trước những người lớn, con trẻ với cách diễn tả mọi thứ bằng phép so sánh “bằng - hơn", “khác - giống", với sung sướng mãn nguyện chỉ vì được có một phần quà giống mọi người - chúng tôi chợt hiểu cái lẽ nhường nhịn, cái lý “mỗi người cực hơn một chút để người khác đỡ lâm vào cảnh khó" trong phép “chống được dịch" của ông bí thư. 

Bên cạnh chuyến bay giá 360.000 USD đưa con về nước chữa bệnh cùng hàng tỷ đồng từ thiện của người nổi tiếng; bên cạnh tinh thần dân tộc cao vùn vụt… vẫn còn những nhà báo viết về những “người tàng hình” của đô thị, những tiểu tự sự khi tự mình cất lên sẽ không được ai nghe.

Có lẽ khi dịch bệnh này bùng lên, có hai khái niệm sẽ thay đổi một cách triệt để: “bệnh tật” và “nhà”. “Bệnh tật” gắn với cơ thể, còn “nhà” gắn với ký ức - tên thật của cái Tôi. 

Khi căn bệnh mới bùng phát, ta vẫn truyền tai nhau phép ẩn dụ: “Corona không kỳ thị ai cả, dù là ai, xuất thân ra sao, bạn vẫn có khả năng bị nhiễm”. Ấy là xét về mặt dịch tễ, khi vi-rút ăn mòn cơ thể bạn, nhưng vi-rút không phải tạo vật duy nhất làm điều đó, mà chính sự sợ hãi cũng có thể làm cạn kiệt năng lượng sống của bạn. Corona mang đến một nỗi sợ có tính thiết chế, nó làm xê dịch trật tự xã hội, phơi bày con người trước nỗi sợ rằng cuộc sống trước đây của họ sẽ không còn. Và cũng từ điểm này, ta thấy, thực tế, corona rất thiên vị. Đối với những người thuộc tầng lớp trên, ngồi trong nhà xem ti vi hoặc lướt facebook vì lời hiệu triệu hạn chế đi lại, phòng dịch chẳng bõ vào đâu. Vài ngày không lương thì gạo cho cả năm vẫn đủ... Nhưng với những người sống phụ thuộc vào guồng quay của thành phố, một ngày không có tiền cũng có thể khiến đời sống trở nên thê thảm. Đối với người nghèo, corona hay đói thì cũng như nhau. Và đúng là vậy, chỉ người giàu mới được quyền có bệnh!

Cũng giống như bệnh tật, căn nhà trong suốt lịch sử được nhắc đến như một phép ẩn dụ cho những gì gần gũi và an toàn. Du học sinh lên máy bay về nước, tiếng tiếp viên thông báo chào mừng các bạn về nhà, nhà ở đây là Tổ quốc. Nhưng trớ trêu là hai từ “Tổ quốc” ấy cũng hàm ẩn đầy đặc quyền, vì đối với những người bài báo nhắc đến, dù chưa bước chân ra khỏi Tổ quốc, họ vẫn phải sống với những mối nguy hằng ngày. Sự tồn tại của họ đâu có “ăn khách” bằng số tiền những đại gia đóng góp chống dịch? 

Tôi tự hỏi rất nhiều rằng, những người sống phụ thuộc vào nhịp sống của thành phố, những người không có chốn trở về, những người chỉ cần nghỉ làm một ngày là không có cái ăn ấy... họ ở đâu, họ sống như thế nào trong mùa dịch, hay họ tàng hình mất rồi?

“Ở nhà là yêu nước” - Nhưng nếu không có nhà thì sao?
Cảm ơn loạt bài vì đã lấy đi của tôi nhiều giọt nước mắt.


Admin trang fanpage Người kể chuyện

 

Đậu Dung - Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI