Một mũi tiêm cứu hơn một mạng người, sao nỡ từ chối?

01/08/2020 - 14:53

PNO - Bệnh bạch hầu khởi phát ở tỉnh Đắk Nông, giờ lan rộng, hoành hành tại các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành khác. Tỉnh Bình Phước là địa phương mới nhất xuất hiện bạch hầu, nâng tổng số gần 150 ca trong cả nước.

 

Bệnh bạch hầu . Ảnh: Văn Nguyên
Trẻ em được khám để phát hiện bệnh bạch hầu. Ảnh: Văn Nguyên

Khi dịch bệnh chưa được dập tắt, những cái chết tức tưởi, sự đau đớn của người thân và cả sự bất lực của bác sĩ với nỗi trăn trở: “Tại sao căn bệnh đã có vắc-xin mà không dập được dịch?”. 

Một bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, nếu không bị biến chứng và thoát được thần chết trong 1-2 tuần đầu thì cũng phải nằm viện hai tháng. Do biến chứng bạch hầu lên tim, gan, thận, thần kinh (bị liệt) nên dù bệnh nhân có sống sót thì cũng bị di chứng suy tim, không thể có sức khỏe hay lao động bình thường. 

Không chỉ bệnh bạch hầu, bệnh nhi bị uốn ván cũng nằm mê man. Và không chỉ ở trẻ em, mà ở khoa bệnh dành cho người lớn, bệnh nhân uốn ván có từ thanh niên cường tráng đến cụ già hom hem, tính mạng như chỉ mành treo chuông. Bởi khi mắc bệnh uốn ván, bệnh nhân sẽ bị cứng cơ, suy hô hấp và phải mở khí quản thở máy cả tháng trời.

Như ông U. bị té xe, cả nhà kêu đi tiêm ngừa, nhưng ông gạt ngang. Hai hôm sau, khi ngủ dậy ông bị cứng gáy phía sau, đến trưa cứng hàm, khó thở. Bác sĩ gần nhà nghi bị uốn ván và kêu chở gấp vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đến nơi thì ông đã hôn mê. Nếu được chọn một lần nữa, chắc ông U. sẽ đi tiêm ngừa uốn ván. Nhưng ông đã ra đi sau hơn 10 ngày điều trị vì bệnh nặng, trong khi trung tâm y tế quận cách nhà chỉ 500m và phí tiêm ngừa chỉ vài chục ngàn đồng.

Thực tế, những nguy kịch trên có thể tránh được, chủ động được bằng những mũi tiêm ngừa. 

Mà ngộ, nhắc đến ung thư, ai cũng sợ hãi. Chẳng may mắc bệnh, trong khát khao cháy bỏng hết bệnh, được sống, thì có cái ước mơ có vắc-xin tiêm ngừa. Thật ra, cũng có những loại vắc-xin ngừa ung thư như ung thư cổ tử cung, hay ngừa ung thư gián tiếp là tiêm ngừa viêm gan B… giúp phòng tránh được xơ gan, ung thư tế bào gan, nhưng khi khỏe mạnh, chẳng dễ gì họ chịu đi tiêm ngừa.

Đành rằng người nghèo, ở vùng sâu vùng xa vì nhiều lý do không được tiếp cận tiêm ngừa. Nhưng nhiều người có điều kiện, ở thành thị cũng “nói không” với tiêm ngừa, chưa kể những người cực đoan bài xích vắc-xin. Tưởng đâu bệnh bạch hầu, uốn ván đã lùi vào dĩ vãng vì đã có vắc-xin dịch vụ và cả tiêm chủng mở rộng (miễn phí) cho trẻ.

Nhưng năm nay, bệnh bạch hầu xuất hiện những ổ dịch và đang lan rộng. Theo các chuyên gia, vài năm gần đây, tỷ lệ tiêm ngừa nói chung và tiêm ngừa viêm gan siêu vi B sơ sinh ở Việt Nam giảm nghiêm trọng do phong trào bài xích vắc-xin lan mạnh trên mạng xã hội.

Một bác sĩ chuyên về nhiễm tâm tư: “Sao bệnh mà kháng sinh nào cũng diệt được vi trùng, còn thuốc tiêm ngừa chỉ có 60.000 đồng/mũi, mình lại không dập được dịch?”. Vị bác sĩ ấy nhắc tôi như lo lắng cho người thân: “Vắc-xin có hàng về rồi, gia đình tranh thủ đi chích ngừa”. Đây cũng là thông điệp mà các thầy thuốc muốn gửi tới cộng đồng trong những ngày dịch COVID-19 trở lại, dịch bạch hầu đang đuổi sau lưng. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI